Cô giáo phải quỳ - vì đâu nên nỗi?

07:55 | 08/03/2018;
Cô giáo chấp nhận quỳ suốt 40 phút trước mặt phụ huynh để muốn mọi việc êm xuôi. Điều gì đã khiến cô giáo phải đánh đổi cả danh dự của mình trong mắt học trò?
Mấy ngày gần đây, dư luận rúng động vụ việc một cô giáo đã phải quỳ 40 phút để xin lỗi phụ huynh học sinh.

Theo đó, ngày 28/2, cô B.T.C.N., giáo viên Trường tiểu học Bình Chánh (huyện Bến Lức, Long An) đã phải quỳ 40 phút trước mặt ông Võ Hòa Thuận, phụ huynh có con bị cô phạt do vi phạm kỷ luật, để xin lỗi. Nguyên nhân trước đó cô N. đã bắt cả lớp quỳ do vi phạm kỷ luật, trong đó có con ông Thuận.

Cô N. mới chuyển về Trường tiểu học Bình Chánh công tác mới hơn một tháng, sau thời gian nghỉ thai sản.

Tại thời điểm xảy ra, hiệu trưởng cũng có mặt. Tuy nhiên, hiệu trưởng đã bỏ đi khi sự việc chưa giải quyết xong.

Sau khi sự việc trên được thông tin, dư luận cho rằng cô N. đã sai phương pháp sư phạm. Đồng thời, bày tỏ rất bất bình đối với hành vi của ông Thuận. 

Các cơ quan chức năng cũng vào cuộc để làm rõ sự việc.

Ở đây, chúng tôi không bàn luận về vấn đề đạo đức hoặc đúng sai, bởi việc này cơ quan chức năng đang xử lý. Chúng tôi chỉ bàn luận về vấn đề, tại sao cô N. lại làm vậy?

Thực tế cho thấy, cô N. là một giáo viên trẻ, vừa đi làm trở lại sau thời gian nghỉ thai sản.
 
Ai cũng biết, bây giờ tìm một công việc rất khó nhất là với nghề giáo.
Trường Tiểu học Bình Chánh, nơi xảy ra sự việc

 Để vào được nghề giáo, có người đã phải mất khoản tiền không nhỏ. Thế nhưng, họ cũng chỉ được là giáo viên hợp đồng, rất ít trường hợp được biên chế. Vì vậy, họ có thể mất việc bất cứ lúc nào.

Mới đây nhất là vài ngàn giáo viên ở Thanh Hóa bất ngờ mất việc, dù đã ký Hợp đồng không xác định thời hạn là minh chứng rõ nhất.
 
Nếu cô giáo nào “số đen” mà bị mất việc, đồng nghĩa với việc mất đi cả khoản tiền "đầu tư" trước đó mà chưa biết đã thu hồi được đồng nào chưa. Chưa nói là đi xin chỗ khác cũng có thể phải mất tiền. Vì vậy, họ phải cố giữ công việc của mình.

Có thể cô N. đã chấp nhận “quỳ” do sợ phụ huynh làm um lên, bởi cô biết rằng mình đã có lỗi. Hơn nữa, dù hiệu trưởng có mặt tại đó, chứng kiến từ đầu nhưng không giải quyết mà bỏ đi. Cô biết rằng, chỗ dựa của mình không còn. Cô chấp nhận quỳ xin lỗi để mọi việc êm xuôi. Cô muốn giữ “nồi cơm” của mình mà chấp nhận “chịu nhục”.

Với ông Thuận, có thể nghĩ rằng mình có quan hệ rộng, ai đối xử với con ông thế nào thì ông đối xử như vậy. Vì vậy, ông nói cô N. phải quỳ, nếu không sẽ làm um lên, rồi tác động vào các mối quan hệ để xử lý giáo viên, nhà trường.

Bản thân lãnh đạo nhà trường phải thể hiện vai trò làm người hòa giải, người cầm cân nảy mực khi có mâu thuẫn giữa giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, hiệu trưởng đã bỏ đi. Vì sao vậy? Phải chăng hiệu trưởng cũng sợ vị phụ huynh này làm um lên, rồi bị kỷ luật, có thể ảnh hưởng đến chức vụ, vị trí công tác... Vì vậy, lãnh đạo trường đã “bỏ đi” xem như mình không liên quan nhằm đẩy sự việc cho giáo viên và phụ huynh tự giải quyết.
 
Có thể, sau sự việc này, sẽ có người bị kỷ luật, mất chức, thậm chí khởi tố. Tuy nhiên, đó là việc của cơ quan chức năng. Còn với người dân, điều dễ nhìn thấy là truyền thống “tôn sư trọng đạo” tồn tại bấy lâu nay đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn