Cô giáo Sen Vàng đập dép vào mặt trẻ chỉ bị phạt 2,5 triệu đồng

10:41 | 01/03/2017;
Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) quyết định xử phạt hành chính 2 cô giáo cơ sở mầm non Sen Vàng bạo hành trẻ với mức 2,5 triệu đồng/người khiến dư luận cho rằng mức này không đủ sức răn đe.

Liên quan đến vụ việc bạo hành trẻ của 2 giáo viên cơ sở mầm non Sen Vàng gây bức xúc dư luận thời gian qua, hiện công an quận Hai Bà Trưng đã ra quyết định xử phạt hành chính với hai giáo viên liên quan.

Theo đó, 2 giáo viên Đặng Thị Bình (23 tuổi) và Nguyễn Thị Hồng Ngát (22 tuổi) bị xử phạt hành chính với mức tiền phạt 2,5 triệu đồng/người về hành vi xâm hại đến sức khỏe học sinh.

Theo Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), vụ việc có dấu hiệu phạm tội là hành hạ người khác, nhưng chưa đủ căn cứ xử lý hình sự. Đồng thời, gia đình có học sinh bị đánh cũng từ chối giám định thương tật nên công an đã ra quyết định xử phạt hành chính.

Trước đó, Báo PNVN đưa tin về clip dài 2 phút ghi lại cô giáo dùng dép đánh vào đầu học sinh, 1 giáo viên khác đồng thời dọa nạt khiến trẻ khóc thét. Cơ quan chức năng vào cuộc và tìm ra 2 giáo viên bạo hành trẻ, đình chỉ công tác của 2 cô này. Cơ sở mầm non Sen Vàng sau vụ việc đã chủ động xin giải thể.

  Giáo viên mầm non Sen Vàng bạo hành trẻ. Ảnh cắt từ clip.

Trước mức xử phạt hành chính 2 giáo viên bạo hành trẻ quá thấp, nhiều phụ huynh tỏ ý thất vọng. Chị Bùi Xuân Linh (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) - phụ huynh có con độ tuổi mầm non - lo ngại: “Đình chỉ nơi này, họ lại tìm nơi khác làm việc. Mức phạt quá nhẹ, liệu có khiến họ cảm thấy hối lỗi? Sẽ lại có nhiều học sinh khác phải đối mặt với hiểm họa bị bạo hành từ các cô giáo này”.

Đồng tình với chị Linh, anh Nguyễn Khắc Hưng (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, là giáo viên, lẽ ra cô giáo phải nhận thức được việc đánh vào thóp trẻ rất nguy hiểm. Cần nghiêm túc trừng trị hành vi bạo hành học sinh và xem lại mức phạt hành chính với hành vi này thay vì chỉ phạt ở khung phạt hành chính chung như hiện hành.

Trao đổi với Báo PNVN sáng 1/3, TS. Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội) cho rằng: Pháp luật đã quy định khung phạt hành chính tùy vào kết luận vụ việc nên dù mức phạt này thấp cũng không thể làm khác được. Tuy nhiên, điều cần xem xét ở đây là liệu những cô giáo này còn đủ tư cách làm giáo viên nữa hay không?

“Các cô tuổi đời còn trẻ, lại vi phạm lần đầu, nếu thực sự cảm thấy hối lỗi và mong muốn có cơ hội được sửa chữa lỗi lầm thì cần đặt ra những quy định chặt chẽ, giáo dục lại cho họ về đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng giáo dục trẻ”, TS. Tùng Lâm nói.

Cũng theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, để các cô trở lại ngành, các đơn vị quản lý chủ quản phải hết sức nghiêm khắc, bên cạnh việc giáo dục lại, cần yêu cầu các cô thể hiện bằng những cam kết cụ thể cùng những kiểm soát chặt chẽ. “Điều quan trọng là bản thân các cô phải thật sự ăn năn, hối lỗi nếu muốn có cơ hội tiếp tục làm việc ở lĩnh vực giáo dục mầm non”, TS. Tùng Lâm nhấn mạnh.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn