Nhiều phụ huynh chia sẻ rằng khi thầy cô giáo than phiền hay bày tỏ sự lo lắng về ý thức học tập của con trên lớp, họ thường cảm thấy vô cùng buồn bực, áp lực rồi lại có xu hướng giải tỏa sự căng thẳng đó sang con bằng đòn roi hay mắng mỏ, trách móc. Kết quả là các bé sợ hãi, không dám bày tỏ suy nghĩ với bố mẹ, tình hình học tập sau đó cũng không được cải thiện.
Thay vì trách phạt con, chị Hoàng Thị Mai Linh, (38 tuổi, hiện đang sống tại Hà Nội) lại có cách xử lý bình tĩnh và tinh tế khiến nhiều phụ huynh phải dành lời khen cho bà mẹ trẻ.
Sau đây là những chia sẻ của chị Linh về câu chuyện của hai mẹ con:
''Một trong những kỷ niệm mà mình thấy rất thú vị là hồi con trai mình đang học lớp 3. Giai đoạn đó, con đang gặp một số vấn đề trong môn Tiếng Anh. Không những học đuối, con còn thường xuyên bị giáo viên ghi tên trong sổ đầu bài vì thiếu tập trung trong giờ học, nói chuyện riêng, làm việc riêng, nghịch đồ dùng học tập, mang thiếu sách vở, làm thiếu bài tập, làm bài tập rồi nhưng không nộp bài...
Cô giáo dạy Tiếng Anh của con - một cô giáo vô cùng tận tụy và trách nhiệm - đã vài lần nhắn tin riêng cho mình bày tỏ sự lo ngại của cô về thái độ, ý thức học cũng như kết quả học tập của con. Thực ra tình huống này cũng không có gì căng thẳng hay nghiêm trọng, ít nhất là theo cảm nhận của mình, bởi trước nay mình không gây áp lực cho con phải hoàn hảo, phải giỏi hay đạt điểm cao. Điều mình quan tâm ở đây là thái độ và hứng thú của con với việc học. Mình không thuộc tuýp ''mẹ hổ'', cũng không thuộc tuýp phụ huynh mặc kệ con. Mình thích coi mình là một người đồng hành và một người cố vấn của con hơn, nghĩa là mình trưởng thành cùng con và cố vấn, hỗ trợ con khi cần thiết.
Mình cho rằng mỗi vấn đề, khó khăn mà chúng ta gặp phải sẽ là một cơ hội để chúng ta học hỏi điều gì đó và trưởng thành. Với mình cũng vậy, và với con cũng vậy. Là người đồng hành cùng con, bản thân mình cũng học hỏi, trưởng thành từ chính những lần hỗ trợ con vượt qua khó khăn. Sau cuộc trò chuyện với cô giáo dạy Tiếng Anh của con, mình cũng đã phải trăn trở một buổi tối để tìm ra cách thức giúp đỡ con hiệu quả.
Và rồi một ý tưởng chợt nảy ra. Ngày hôm sau, trong lúc hai mẹ con trò chuyện với nhau (mẹ con mình có thói quen tán gẫu hàng ngày), mình nói với con bằng giọng từ tốn:
- Hôm qua, cô giáo Tiếng Anh của con đã gọi điện cho mẹ.
- Cô nói gì hả mẹ? - con hơi khựng lại và hỏi bằng giọng hơi dè dặt, lo lắng. Có lẽ con cũng ý thức được về những ''chiến tích'' của con ở lớp.
- Cô giáo nói với mẹ rằng con là một cậu bé thông minh và có rất nhiều tiềm năng để thành công, không chỉ trong môn Tiếng Anh mà tất cả các lĩnh vực. Cô chỉ tiếc cho con là con chưa thực sự nỗ lực nên để lãng phí tiềm năng ấy. Cô tin rằng nếu con chăm chỉ, nỗ lực và thực sự nghiêm túc với việc học, con sẽ còn tiến xa hơn.
- Cô nói vậy thật hả mẹ? - con trai mình vô cùng ngạc nhiên trước những điều mẹ nói. Con đã tưởng rằng cô gọi điện cho mẹ để chê trách con.
- Ừ, cô đã nói thế, và mẹ cũng nghĩ như cô. Mẹ tin rằng con sẽ tiến bộ và thành công nếu con thực sự nỗ lực – mình khẳng định.
Con trai mình chăm chú lắng nghe mẹ. Ánh mắt và gương mặt của con bừng sáng lên khi biết rằng cả cô và mẹ đều thấy ở con những tiềm năng. Kết thúc buổi nói chuyện, mình hỏi con:
- Con thấy sao?
- Con cảm thấy có động lực hơn vì con thích nghe những lời khen ngợi và động viên ạ.
- Mẹ rất mong được thấy những tiến bộ của con trong thời gian tới đấy, con trai.
- Vâng, bài kiểm tra sắp tới về irregular verb, con sẽ tiến bộ vượt bậc cho mẹ xem. Từ nay, ngày nào con cũng sẽ học thuộc và ôn tập danh sách từ.
- Yeah, tuyệt lắm, con trai! Let’s see!''.
Những ngày tiếp theo, con trai mình quả thật làm được như những gì đã nói. Tối nào mình cũng thấy con cặm cụi học và ôn tập từ vựng. Ý thức học tập trên lớp cũng được cải thiện rõ rệt ở tất cả các môn chứ không chỉ tiếng Anh. Thậm chí, con còn được các thầy cô khen trước lớp và trong sổ ghi đầu bài. Các bài kiểm tra tiếng Anh sau đó của con đã đạt kết quả tốt hơn hẳn giai đoạn trước. Mình lại dùng chính những thành quả này để tái khẳng định với con về tiềm năng của con, ý nghĩa của sự nỗ lực và động viên con tiếp tục phát huy.
Chị Linh đúc kết: ''Qua trải nghiệm này, mình càng thêm thấm thía về tầm quan trọng của ý kiến, đánh giá của thầy cô đối với trẻ ở lứa tuổi tiểu học. Con mình vẫn thường xuyên được mẹ động viên, khích lệ, song sự khen ngợi và ghi nhận của cô giáo có sức ảnh hưởng đặc biệt đến con. Sau này, mình cũng đã kể với cô giáo của con về những điều mình đã nói với con, mong cô thông cảm vì mình đã mượn danh cô để khích lệ con và xin cô giữ bí mật giúp. Cô giáo rất đồng tình với cách xử lý của mình''.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Linh cho biết: ''Sau một năm nỗ lực học tập, cùng với sự hỗ trợ tận tâm của các thầy cô và sự động viên, khuyến khích của mẹ, con trai chị đã có những bước tiến rất dài trong môn tiếng Anh. Từ thường xuyên ở trong nhóm học yếu Tiếng Anh nhất lớp, bé đã vươn lên vào nhóm trung bình của lớp. Chị rất phấn khởi trước những nhận xét của cô giáo Tiếng Anh về tình hình học tập hiện tại của con: "Con tư duy tốt, áp dụng cấu trúc ngữ pháp vào bài làm khá nhanh nhưng cần thường xuyên luyện tập để ghi nhớ. Bài đọc hiểu con tìm thông tin tốt. Con cần rèn luyện viết câu trả lời và đọc kĩ bài với các câu cần sự suy luận. Con cần tập trung học từ vựng và thường xuyên luyện viết để ghi nhớ từ vựng. Về khả năng nói, con luôn hình thành phản xạ nói và trả lời tiếng Anh, tuy nhiên củng cố thêm từ vựng để các câu trả lời sát nghĩa và phong phú hơn".
Cách xử lý tình huống dạy con của chị Linh đã nhận được nhiều lời khen và sự đồng tình từ các bậc phụ huynh khác. Câu chuyện này có thể là một gợi ý cho các bậc cha mẹ trong quá trình nuôi dạy con, nhằm giúp các con nâng cao niềm tin vào bản thân, cảm hứng học tập cũng như tăng cường sự kết nối giữa con và cha mẹ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn