Cách dạy hiện nay khiến học sinh không khác gì "máy chép". Ảnh minh họa internet. |
Anh D.C.Hải (Vũ Trọng Phụng, Hà Nội) ấm ức cho biết: Đi họp phụ huynh cho con mà buồn quá. Đánh giá về kết quả thi cuối năm của học sinh, cô giáo không hài lòng nói: “Chúng tôi đã cho các con luyện hai dạng câu hỏi đề văn rất kỹ, tiếc rằng đến khi làm bài kiểm tra, một số con không làm theo mẫu đã luyện tập, mà tự làm bài theo sự suy nghĩ của các con. Chính vì vậy nên những con này bị điểm thấp”.
Anh Hải cảm thấy buồn khi việc học sinh làm theo văn mẫu được cô giáo công khai trước phụ huynh như vậy. “Thật sự không hiểu các thầy cô giáo định nghĩa về giáo dục như thế nào, dạy các cháu kiến thức hay dạy các cháu trở thành những cái máy chép? Nếu thế, con tôi được điểm thấp, làm học sinh trung bình cũng được”, anh Hải cho biết.
Học sinh làm theo văn mẫu - do bệnh thành tích của nhà trường và của chính phụ huynh. Ảnh minh họa internet. |
Việc học sinh trở thành máy chép, rập khuôn theo văn mẫu phổ biến ở nhiều trường tiểu học. Trong khi anh Hải không chấp nhận đại đa số học sinh đạt loại giỏi nhưng thực tế không viết nổi một đoạn văn thì khá nhiều phụ huynh chỉ quan tâm đến giấy khen của con.
Một phụ huynh ở trường Tiểu học Minh Khai cho biết: “Cùng một bài thi, cùng làm giống nhau nhưng con tôi (lớp 4) được 10 điểm, còn bạn bên cạnh được 8 điểm. Phụ huynh kia thắc mắc tại sao có điểm khác nhau trong khi hai bài văn giống nhau từ dấu chấm, dấu phẩy. Cô giáo giải thích, bài được điểm 8 là do con viết chữ xấu và tẩy xóa. Nếu làm bài chỉ có chép và điểm phân biệt bằng chữ xấu và đẹp thì con chúng ta có khác gì những cỗ máy photocopy”.
Việc học sinh chỉ học vẹt, không có sự sáng tạo, chỉ giỏi lý thuyết, không giỏi thực tế … chính là bắt nguồn từ căn bệnh thành tích của nhà trường và đại đa số phụ huynh. Đó cũng là điều dễ hiểu khi thời điểm kết thúc năm học, các cha mẹ thi nhau khoe giấy khen của con dù biết rằng xếp loại giỏi được “sản xuất hàng loạt”.