Trước đó, bệnh nhân Vũ Thị D. (30 tuổi, quê Gia Lai) nhập viện trong tình trạng suy nhược nặng, mang thai ở tuần 28, cả mẹ và con chỉ nặng 35kg. Bệnh nhân không thể ăn được, không ngủ được, uống nước cũng ói ra.
Anh Thịnh - chồng của bệnh nhân cho biết, hai vợ chồng anh chỉ mới lấy nhau được một thời gian ngắn. Trong 3 tháng đầu của thai kỳ, vợ anh bị nôn ói rất nhiều, giảm ký. Do gia đình chỉ là triệu chứng nghén thông thường nên không đi khám. Sau đó, do tình trạng nôn ói không thuyên giảm, cơ thể chị D. gầy rộc xuống nên gia đình đưa chị đến bệnh viện tại địa phương thăm khám, rồi chuyển lên BV Đại học Y Dược TPHCM vào ngày 16/6.
“Khi phát hiện bị bệnh thì vợ tôi khóc rất nhiều. Đã nhiều lần còn đòi tử tự vì không thể chịu đựng được nỗi đau và sự giày vò của bệnh tật”, anh Thịnh chia sẻ.
Bác sĩ Lê Thị Kiều Dung, Trưởng khoa Phụ sản - BV Đại học Y Dược TPHCM cho biết, qua siêu âm, chụp MRI thì phát hiện chị D. bị ung thư dạ dày giai đoạn muộn, hẹp môn vị dẫn đến không ăn uống được và nôn ra máu. Kết quả hình ảnh học cũng cho thấy ung thư đã xâm nhiễm đến một số cơ quan lân cận như gan, tụy, trụ trái hoành.
Trước tình trạng của bệnh nhân, các bác sĩ quyết định nâng đỡ thể trạng của người mẹ một cách tối đa, cố gắng hỗ trợ em bé đến 30 tuần tuổi rồi mới tiến hành mổ đưa em bé ra ngoài rồi sau đó phẫu thuật cho mẹ.
Trước đó, nhiều ý kiến cho rằng sự sống của người mẹ chỉ được tính bằng ngày hoặc cố gắng lắm thì cũng chỉ cứu được con chứ khó lòng cứu sống được người mẹ. Đặc biệt, nếu tình trạng xuất huyết xảy ra sớm thì tình trạng sẽ rất tồi tệ.
Để chuẩn bị cho ca phẫu thuật, BV Đại học Y Dược TPHCM đã tiến hành hội chẩn toàn viện với sự phối hợp của nhiều khoa phòng và cũng đã liên hệ với BV Nhi đồng 2 hỗ trợ cho việc chăm sóc em bé sau khi đưa ra.
Ngày 5/7 , khi thai được 31 tuần tuổi thì các bác sĩ của khoa Phụ sản đã tiến hành mổ đưa em bé ra, bé nặng 1,5 kg. Về phần người mẹ, do dạ dày và xâm lấn và chảy máu rất nhiều nên các bác sĩ khoa Ngoại tiêu hóa đã tiến hành cắt toàn bộ dạ dày, làm sạch và nối thực quản với hỗng tràng.
ThS.BS Võ Duy Long, Phó trưởng khoa ngoại tiêu hóa – BV Đại học Y Dược TPHCM cho biết, đến nay thì bệnh nhân D. đã ổn, đã ăn uống được trở lại, lạc quan hơn rất nhiều. Hướng điều trị tiếp theo của bệnh nhân sẽ là hóa trị sau 1 tháng nữa. Hy vọng, việc điều trị đúng phác đồ sẽ kéo dài sự sống cho người bệnh.
Vào ngày hôm qua (17/7), BV Đại học Y Dược TPHCM cũng đã đưa chị D. đến BV Nhi đồng 2 để thăm con trai. Bé nặng 1,6 kg và không phải thở máy và đã bú được sữa. Hình ảnh hai mẹ con lần đầu được gặp nhau sau hơn 10 ngày kể từ cuộc phẫu thuật khiến cho nhiều người rất xúc động.
“Khi gặp con thì tôi rất vui, không có từ ngữ nào có thể diễn tả được. Tôi sẽ tiếp tục chiến đầu với bệnh tật để kéo dài sự sống, được khỏe lại để chăm sóc cho chồng và con”, chị D. tâm sự.
Dù đã qua cơn nguy kịch và em bé đã an toàn nhưng trong thời gian tới, chị Vũ Thị D. sẽ phải tiếp tục hóa trị, chiến đấu với bệnh tật. Đây là một quá trình dài, đòi hỏi nhiều nỗ lực của người bệnh, gia đình cũng như chi phí điều trị. Tuy nhiên, với đồng lương ít ỏi từ nghề giáo, chồng lại chỉ làm nông nên kinh tế gia đình chị hiện tại rất khó khăn. Để hỗ trợ, động viên về tinh thân cũng như vật chất để chị D. được tiếp tục điều trị, có nhiều thời gian bên chồng con hơn nữa, bạn đọc có thể liên hệ với Phòng Công tác xã hội – BV Đại học Y Dược TPHCM qua số điện thoại (028.3952.5350). |