Không chỉ dừng lại ở câu chuyện đã thuộc nằm lòng, bản phim hoạt hình năm 2015 nối tiếp một hành trình 2 thế hệ của nhân vật Phi Công khi đã già vẫn ôm mộng gặp lại Hoàng tử bé, cùng Cô Nhóc phải lớn lên trong thế giới người lớn khắc nghiệt và đầy quy tắc.
Phim mở đầu y hệt trang nhất của truyện, khi người Phi Công kể về việc ngày ấu thơ mình từng vẽ một con voi bị nuốt trong bụng một con trăn, nhưng thứ duy nhất mà người lớn thấy chỉ là một cái mũ. Sau sự hiểu lầm ấy là những lời nhiếc mắng, những lời phàn nàn đã nghiền nát mọi giấc mộng trẻ thơ của ông.
Trở lại câu chuyện thời hiện đại, nhân vật chính của chúng ta lúc này là Cô Nhóc, một bé gái phải luôn sống trong những khuôn khổ mà mẹ của mình đặt ra. Ngày qua ngày, Cô Nhóc làm theo từng chỉ dẫn trên tấm bảng thời gian biểu cứng nhắc và vô hồn, tin rằng nếu hoàn thành nó, cô sẽ trở thành “một người lớn tuyệt vời”.
Cho đến ngày nọ, ông lão hàng xóm kỳ quái đã gửi đến cho Cô Nhóc một mảnh giấy, trong đó là trang đầu của cuộc gặp gỡ ly kỳ giữa ông và một cậu nhóc đến từ tiểu hành tinh B-612 tại sa mạc Sahara. Những giá trị tinh thần lớn của truyện vì thế cũng được truyền tải trọn vẹn.
Việc kể một câu chuyện trong một câu chuyện khác có lẽ là một lựa chọn khôn ngoan từ phía biên kịch. Bởi lẽ câu chuyện gốc về Hoàng Tử bé khá ngắn ngủi và giản dị, nhưng đồng thời lại có chiều sâu riêng đòi hỏi trí tưởng tượng cũng như một sự “thuần hóa” nhất định (“thuần hóa” là động từ mà “nhân vật” con cáo trong truyện dùng để chỉ sự gắn kết giữa nó và Hoàng Tử bé). Nếu bám sát mạch truyện gốc, có lẽ thời lượng phim sẽ không dài quá 30 phút, những ai chưa hề đọc Hoàng Tử bé sẽ cảm thấy chóng vánh, còn các fan trung thành dễ cảm thấy thất vọng bởi thứ họ mong chờ là một bất ngờ.
Việc kể một câu chuyện trong một câu chuyện khác có lẽ là một lựa chọn khôn ngoan từ phía biên kịch. Bởi lẽ câu chuyện gốc về Hoàng Tử bé khá ngắn ngủi và giản dị, nhưng đồng thời lại có chiều sâu riêng đòi hỏi trí tưởng tượng cũng như một sự “thuần hóa” nhất định (“thuần hóa” là động từ mà “nhân vật” con cáo trong truyện dùng để chỉ sự gắn kết giữa nó và Hoàng Tử bé). Nếu bám sát mạch truyện gốc, có lẽ thời lượng phim sẽ không dài quá 30 phút, những ai chưa hề đọc Hoàng Tử bé sẽ cảm thấy chóng vánh, còn các fan trung thành dễ cảm thấy thất vọng bởi thứ họ mong chờ là một bất ngờ.
Thế là đạo diễn quyết định cho chính lão Phi Công “đọc sách giùm bạn”, phần truyện gốc của Hoàng Tử bé được tóm tắt nhanh gọn chưa đến 15 phút. Nhưng vì sự mơ mộng là thứ duy nhất có thể truyền lại cho thế hệ đời sau, khi trang cuối cùng trong chuyến hành trình của lão Phi Công chấm dứt, cuộc hành trình của riêng Cô Nhóc mới chính thức bắt đầu.
Câu chuyện của Cô Nhóc kể tiếp về cuộc phiêu lưu tìm lại Hoàng Tử bé, về những trải nghiệm cũng những lựa chọn quyết định nét bút tiếp theo cho quyển sách về số phận của cô. Cả hai truyện đều mang tầm vóc cùng năng lực truyền cảm hứng ngang ngửa nhau, giống như hai phần của một tựa phim đều hay ngang nhau, và bạn được xem chúng trong cùng một lúc vậy.
Điều ấn tượng nhất về phần nhìn của bản 2015 là sử dụng stop-motion (hoạt hình đất sét) cho câu chuyện kể của lão Phi Công, song song đó là lối vẽ 3D quen thuộc cho các khung hình ngoài đời thực. Nhờ thế, Hoàng Tử bé 2015 như một “bữa đại tiệc” thết đãi người xem những món ăn ngon theo nhiều cách khác nhau. Khi hai thế giới cuộn lấy nhau, khán giả được chứng kiến các nhân vật quen thuộc trong hai nét phim hoạt hình riêng biệt, thể hiện được hết độ sâu hình ảnh của nét vẽ vi tính và “chất thơ” đầy tinh tế của hoạt hình đất sét. Sự mềm dẻo trong đồ họa là điều cần thiết, vì phim không theo một chuẩn mực logic đời thực nào, dù lấy tinh thần là phim hoạt hình thì nhiều khán giả vẫn khó có thể “thuần hóa” được nếu khóa chặt trí tưởng tượng của bản thân. Một bầy chim có thể mang đứa trẻ qua các hành tinh, vậy tại sao một chiếc máy bay không thể cất cánh bay xa ra ngoài vũ trụ?
Sau tất cả, phần âm thanh của phim cũng là điểm cộng lớn, với nhạc nền chủ yếu là những ca khúc tiếng Pháp du dương như lời hát ru.
Phim hoạt hình 3D Hoàng Tử bé được đánh giá là phiên bản mới trung thành với chất liệu tuyệt vời của thời xưa cũ, nhưng bản thân nó cũng là một “tác phẩm nghệ thuật” có sức sống và sức bật nội tại mạnh mẽ, “độc nhất vô nhị” theo cách riêng của mình.
Phim dài 107 phút. Đạo diễn: Mark Osborne. Diễn viên lồng tiếng: Florence Foresti, André Dussollier, Marion Cotillard, Vincent Cassel, Guillaume Gallienne, Vincent Lindon… Ngôn ngữ phim tiếng Pháp, phụ đề tiếng Việt.
Giá vé buổi chiếu là 50.000 VNĐ, có ưu đãi cho sinh viên và thành viên L’Espace là 40.000 VNĐ.
|