Cơ hội cuối cùng trước cử tri của hai ứng cử viên tổng thống Pháp

20:28 | 04/05/2017;
Cuộc tranh luận cuối cùng giữa 2 ứng viên Tổng thống Pháp được truyền hình trực tiếp đêm 3/5 trước khi diễn ra bầu cử ngày 7/5. Ông Emmanuel Macron theo đường lối trung dung và bà Marine Le Pen thuộc phe cực hữu đều cố gắng tận dụng cơ hội cuối cùng.
emmanuel-macron-marine-le-pen-2.jpg
Hai ứng cử viên Emmanuel Macron (phải) và bà Marine Le Pen trong cuộc tranh luận cuối cùng
Đây là cơ hội cuối cùng để ông Macron và bà Le Pen thuyết phục các cử tri Pháp rằng họ có đủ điều kiện dẫn dắt Pháp đương đầu với những lo ngại về vấn đề người nhập cư, hội nhập và một nền kinh tế ốm yếu.
Trong 150 phút tranh luận, hai ứng cử viên Macron và Le Pen đã bộc lộ những quan điểm trái ngược nhau về tất cả các vấn đề quan trọng của đất nước, từ đối nội như kinh tế, chống khủng bố... đến đối ngoại như điều chỉnh quan hệ với châu Âu, Mỹ và Nga.

Cuộc tranh luận nóng ngay từ những phút đầu tiên khi bà Le Pen gọi cựu bộ trưởng kinh tế Macron là "ứng cử viên của giới tinh hoa" và "con cưng của hệ thống".
Về phần mình, ông Macron đã gọi bà Le Pen là kẻ nói dối với dự án bí mật là nhằm tăng thuế và vay mượn lớn để phục vụ cho những tham vọng mang tính dân tộc chủ nghĩa của mình.
Đáp lại, bà Le Pen cho rằng ông Macron muốn "quá trình toàn cầu hóa không kiểm soát" và sẽ bán tháo tài sản nhà nước cho nước ngoài. Ngoài ra, bà Le Pen cũng cáo buộc ông Macron có "thái độ khoan dung" với Hồi giáo chính thống cũng như phản đối các biện pháp chống chủ nghĩa cực đoan sau hàng loạt vụ tấn công vừa qua tại Pháp.
Tuy nhiên, ông Macron khẳng định sẽ "không thỏa hiệp" trong cuộc chiến chống khủng bố, đồng thời cho rằng chính những gì bà Le Pen đề xuất sẽ dẫn tới một "cuộc nội chiến". Theo ông, lời lẽ của bà Le Pen "đầy thù địch".
emmanuel-macron-marine-le-pen-4.jpg
Bà Marine Le Pen
Hai ứng cử viên thường xuyên cắt ngang lời đối phương, chỉ trích, công kích lẫn nhau và có những hành động khiến người điều khiển cuộc tranh luận bối rối.
Tuy nhiên, cuộc tranh luận cũng là một minh chứng rõ nét về hai viễn cảnh hoàn toàn khác nhau của nước Pháp mà các cử tri sẽ phải lựa chọn trong vòng cuối của cuộc bầu cử. Liên quan đến Liên minh Châu Âu (EU), bà Le Pen cho rằng nếu ông Macron đắc cử Tổng thống, Pháp sẽ bị đè bẹp bởi nước láng giềng hùng mạnh về kinh tế Đức. Trước đó, bà Le Pen cũng tuyên bố muốn tiến hành trưng cầu ý dân về việc liệu Pháp có nên ở lại EU hay không, trong khi ông Macron ủng hộ EU nồng nhiệt.
emmanuel-macron-marine-le-pen-1.jpg
Ông Emmanuel Macron
Tiếp đến, ông Macron đã điềm tĩnh, tự tin trả lời các câu hỏi của phóng viên, phân tích và giải thích rõ ràng các đề xuất có tính khả thi của mình. Về các giải pháp cho thị trường lao động, ông cho rằng cần tạo cơ chế uyển chuyển và tăng khả năng thương lượng giữa người lao động và chủ doanh nghiệp để khuyến khích giới chủ tuyển dụng người lao động.
Về bài toán nợ quốc gia, ông chủ trương tiến hành các cải cách mạnh mẽ để có thể tiết kiệm 60 tỷ euro trong cả nhiệm kỳ, trong đó 10 tỷ sẽ để bù đắp vào việc giảm thuế cho các doanh nghiệp. Ông cũng chủ trương giảm thuế cho doanh nghiệp từ 33,3% xuống còn 25%, nhằm tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp và tăng sức mua cho người dân.
Về các vấn đề an ninh và chống khủng bố, ông Macron đề xuất tăng thêm 10.000 vị trí trong lực lượng cảnh sát và hiến binh, đồng thời tăng cường trang thiết bị để các lực lượng này có thể hoàn thành nhiệm vụ.

Trong phần phát biểu của mình, bà Le Pen đưa ra những hứa hẹn về tăng trợ cấp xã hội, giảm giá một số mặt hàng thiết yếu, giảm độ tuổi nghỉ hưu xuống 60. Về chủ đề châu Âu, bà Le Pen vẫn giữ tư tưởng cực hữu bài ngoại, phản đối nhập cư, phản đối tự do thương mại. Bà tuyên bố muốn thay thế Liên minh châu Âu (EU) bằng một "liên minh các quốc gia châu Âu tự do và có chủ quyền", theo đó các quốc gia tự định đoạt tương lai của mình, kiểm soát biên giới và có đồng tiền riêng phù hợp với nền kinh tế để tránh tình trạng thất nghiệp cao.
Trong khi đó, ông Macron nhấn mạnh vào quyết tâm xây dựng một nước Pháp với nền kinh tế có tính cạnh tranh cao trong một châu Âu có khả năng đảm bảo tốt về an ninh và kinh tế cho người dân.
emmanuel-macron-marine-le-pen-3.jpg
Cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2017 được thế giới chú ý nhiều hơn vì được coi là sẽ ảnh hưởng đến số phận của châu Âu.
Sau phiên tranh luận, khảo sát nhanh cho thấy hơn 60% người xem cho rằng ông Macron đã có màn tranh luận thuyết phục hơn.

Hiện kết quả thăm dò dư luận cho thấy ông Macron đang dẫn trước bà Le Pen với tỉ lệ 59%-41% trước cuộc bầu cử vòng 2 vào ngày 7/5 tới. Tuy nhiên, các cuộc tranh luận truyền hình vừa qua dường như đang làm thay đổi nhanh chóng dư luận Pháp. Hiện Tổng thống sắp mãn nhiệm Francois Hollande và nhiều thành viên chính phủ Pháp đã cảnh báo về nguy cơ bà Le Pen thắng cử, với khoảng 1/3 số cử tri dự kiến bỏ phiếu trắng.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn