Cơ hội giảm nhập siêu từ Trung Quốc - tăng xuất khẩu vào EU
Ngày 12/2, Nghị viện Châu Âu (EP) đã bỏ phiếu để phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA). Việt Nam đang có cơ hội rất lớn để tái cơ cấu kinh tế.
Những ngày qua, tình hình dịch bệnh do virus Corona (nCoV) tại Trung Quốc đã cho thấy nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc.
Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU đạt 41,7 tỷ USD, thị trường Trung Quốc đạt 41,5 tỷ USD. Nhập khẩu, từ thị trường Trung Quốc 75,5 tỷ USD và thị trường EU là 14,8 tỷ USD. So sánh con số xuất - nhập khẩu giữa 2 thị trường trên cho thấy, Việt Nam đang nhập siêu từ thị trường Trung Quốc thì đối với thị trường EU, Việt Nam đang xuất siêu gần 27 tỷ USD. Thị trường EU vẫn còn "dư địa" để Việt Nam có thể đẩy mạnh trong thời gian tới.
Nhiều chuyên gia dự đoán, kinh tế Việt Nam sẽ còn gặp nhiều khó khăn do hàng hóa ùn ứ tại các cửa khẩu, kéo theo đà tăng trưởng chậm trong năm 2020. Song song với thông tin về dịch bệnh Covid-19 thì các doanh nghiệp Việt Nam lấy lại niềm tin về kết quả bỏ phiếu của EP.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM - đánh giá, Châu Âu (EU) là thị trường lớn, đứng thứ 2 sau Mỹ. Việc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU được thông qua và có hiệu lực sẽ hỗ trợ cho thương mại 2 chiều giữa Việt Nam - EU tăng lên. Đồng nghĩa, người tiêu dùng của Việt Nam và EU sẽ được hưởng hàng hóa và dịch vụ với mức giá thấp. Việt Nam sẽ tranh thủ được nguồn lực đầu tư từ thị trường EU.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU tác động tích cực đến nhiều mặt về kinh tế, xã hội, lao động ở trong nước. Đối với thị trường Trung Quốc, Việt Nam phụ thuộc 16% xuất khẩu và 30% nhập khẩu. Do đó, việc hạn chế bớt phụ thuộc vào một quốc gia thì phải có những bước chuẩn bị. Để hạn chế được sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc thì không thể một sớm, một chiều.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân phân tích, Trung Quốc có nguồn nguyên vật liệu, phụ liệu giá cả thấp. Hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc yêu cầu tiêu chuẩn về chất lượng, về mẫu mã không cao. Trong khi đó, thị trường Mỹ và EU thì yêu cầu về chuẩn chất lượng hàng hóa như kiểm dịch, vệ sinh thực phẩm... rất cao. Đây là thách thức lớn với các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa của Việt Nam khi tiếp cận thị trường EU.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU còn là cơ hội để Việt Nam thực hiện quyết tâm theo đuổi việc đa dạng hóa thị trường. Các doanh nghiệp phải tái cơ cấu mạnh để nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao năng lực chất lượng của sản phẩm để hàng hóa xuất sang nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có thị trường EU.
"Đối với dân số Việt Nam, nữ chiếm tỉ trọng cao hơn nam sẽ tạo điều kiện cho việc xuất khẩu lao động nữ. Về cơ cấu hàng hóa, dây chuyền sản xuất, các khu sản xuất, lao động ở nước ngoài, lao động ngành dệt may, điện tử..., lao động nữ có sự đóng góp rất lớn. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là cơ hội. Để hiện thực hóa điều này là thách thức không nhỏ".
PGS.TS Trần Hoàng Ngân
PGS.TS Ngân nhận định: "Trong thời gian tới, Việt Nam cần tận dụng thời cơ để thu hút đầu tư nhiều hơn từ thị trường EU. Đây là khu vực có các doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến. Nếu thu hút đầu tư và chuyển giao khoa học công nghệ nhiều hơn từ khu vực này vào Việt Nam sẽ đảm bảo phát triển nền kinh tế xanh, hạn chế tác động của ô nhiễm môi trường. Đó là vấn đề chúng ta cần quan tâm nhiều hơn".
Người Việt Nam có tinh thần lao động cần cù, lao động có trí tuệ, có năng suất. Thị trường EU mở cửa là cơ hội để Việt Nam mở rộng mối quan hệ nhằm xuất khẩu lao động sang các nước. Với lực lượng lao động hiện nay, nhất là ở khu vực nông thôn theo hướng tái cơ cấu nền kinh tế thì lao động khu vực nông nghiệp sẽ giảm đi.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn