Phát triển kỹ năng mềm cho người lao động
Ngày 18/1, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn Quốc tế về phát triển bền vững Việt Nam 2019 do Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) phối hợp với Học viện Chính sách và Phát triển (APD) chủ trì, dưới sự bảo trợ của Bộ Ngoại giao và Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.
Với chủ đề “Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xã hội toàn diện phục vụ phát triển bền vững”, Diễn đàn Quốc tế về phát triển bền vững Việt Nam 2019 tập trung thảo luận về phương hướng phát triển kinh tế-- xã hội toàn diện đi đôi với việc bảo vệ môi trường.
Phát biểu tại diễn đàn, bà Lê Thị Kim - Giám đốc Dịch vụ Khoán việc và Cho thuê lại lao động miền Bắc, Tập đoàn Manpower chia sẻ về chính sách đào tạo để củng cố kỹ năng chuyên môn và các cơ hội việc làm trong nền kinh tế số hóa. Bà Kim cho biết, theo nghiên cứu của ManpowerGroup, Việt Nam có lực lượng lao động trẻ, dồi dào, năng động với 57 triệu người. Tuy nhiên, chỉ có 11% lao động Việt Nam có kỹ năng cao. Chỉ có 5% lao động có khả năng sử dụng tiếng Anh.
Hội nhập kinh tế sẽ giúp Việt Nam tạo ra hàng chục triệu việc làm, nhưng tận dụng được cơ hội này như thế nào còn phụ thuộc vào việc trang bị kiến thức cho người lao động. Kỹ năng mềm được xem là một loại tiền tệ mới trong thời đại công nghệ số. Các kỹ năng mềm quan trọng nhất đối với lao động là kỹ năng quản lý con người, kỹ năng ra quyết định, kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy phản biện, khả năng sáng tạo, trí tuệ cảm xúc và đàm phán là những kỹ năng giúp khai thác tiềm năng của nguồn lực con người. Ngoài ra, kỹ năng mềm cần kết hợp kỹ năng số hóa, ứng dụng khoa học công nghệ trong công việc
Chính phủ, doanh nghiệp và nhà trường cần phối hợp với nhau nhằm chuẩn bị cho thế hệ trẻ thích nghi với thế giới việc làm tương lai khi mức độ số hóa và tốc độ tăng trưởng nhanh hơn bao giờ hết. Khi đào tạo, cần nghĩ đến định hướng đào tạo dài hạn và ngắn hạn, nhu cầu thị trường lao động, dự đoán xu hướng toàn cầu…
Cũng bàn về vấn đề này, bà Barcucci Valentina - Đại diện Văn phòng Việt Nam của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết, cần kết hợp chính sách đào tạo để cung cấp nguồn lao động có kỹ năng, tiến tới phát triển bền vững. Theo bà Valentina, phát triển kinh tế và hội nhập thương mại đã mang lại nhiều việc làm nhưng Việt Nam vẫn chiếm tỷ lệ tương đối thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu. Thay đổi công nghệ là thay đổi nhu cầu kỹ năng, kêu gọi nâng cấp kỹ năng. Hiện hàng triệu công nhân vẫn đang làm việc ở khu vực phi chính thức, đặc biệt là lao động phổ thông không có bằng cấp chính thức. Để Việt Nam phát triển cả về tăng trưởng kinh tế và hòa nhập xã hội, các chính sách ưu tiên là hướng đến xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Nếu phát triển con người, cần phát triển kỹ năng sống và hướng người lao động đến các ngành nghề xanh, bảo vệ môi trường.
Chìa khóa thành công của tăng trưởng kinh tế
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Lê Quang Mạnh cho biết, trong năm 2018, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất trong khu vực là 7,08%, thặng dư thương mại gấp hơn 3 lần năm 2017 là 7,21 tỷ USD. Tuy nhiên, chính sách phát triển bền vững của Việt Nam cần có các giải pháp đủ mạnh trong các lĩnh vực mang tính quyết định như: nguồn nhân lực, chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu, nông nghiệp thông minh, giải pháp về môi trường và cách mạng công nghiệp 4.0.
Giáo sư Nguyễn Đức Khương - Chủ tịch Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) thì chỉ rõ, con người là nhân tố quyết định đến năng suất lao động, năng suất vốn và năng suất các yếu tố tổng hợp. Một chiến lược tập trung vào chất lượng "vốn con người" sẽ giúp Việt Nam tiếp cận thành công với xu thế phát triển bền vững và chuyển đổi số. Thiếu con người tốt và thiếu đầu tư vào "vốn con người" sẽ đưa đến thua thiệt trong hội nhập, cạnh tranh, bỏ lỡ cơ hội từ cách mạng công nghệ 4.0 và khó có thể bứt phá, ngay cả khi có bộ máy tốt và nhiều ý tưởng kinh doanh hay.
Còn bà Wiesen Caitlin - Đại diện thường trú tại Việt Nam của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhấn mạnh, trong giai đoạn phát triển tiếp theo khi thu nhập trung bình thấp và khi cách mạng công nghiệp 4.0 tăng tốc, tăng trưởng của Việt Nam cần phải tiếp tục bao trùm, trở nên xanh hơn, tạo cơ hội cho nhiều người Việt Nam tham gia, đóng góp và hưởng lợi từ sự tăng trưởng. Để làm được điều đó, cần tái thiết kế hệ thống giáo dục, phát triển kỹ năng sống nhằm trang bị cho người Việt Nam, đặc biệt là thanh niên, trẻ em gái, phụ nữ và các nhóm dễ bị tổn thương bao gồm người dân tộc thiểu số và người khuyết tật - với các kỹ năng mềm của thế kỷ 21. Điều này rất quan trọng cho phép họ nắm bắt các cơ hội kinh doanh mới, thích nghi với các luồng công việc mới và thay đổi về bản chất của công việc.
Ngân hàng Thế giới gọi thế kỷ 21 là kỷ nguyên của kinh tế dựa vào kỹ năng. Năng lực của con người được đánh giá trên cả 3 khía cạnh: kiến thức, kỹ năng và thái độ. Các nhà khoa học thế giới cho rằng: Để thành đạt trong cuộc sống thì kỹ năng mềm (trí tuệ cảm xúc) chiếm 85%, kỹ năng cứng (trí tuệ logic) chỉ chiếm 15%.
|