Phong cách tối giản: Có ít đi, sống nhiều hơn, hạnh phúc hơn

10:24 | 04/02/2022;
Phong cách sống tối giản (Minimalism) với slogan “Less is more - Có ít đi, sống nhiều hơn” đang ngày càng được yêu thích tại nhiều quốc gia. Đây không chỉ là một trào lưu, mà còn là một phong cách sống.

Hành trình tìm cuộc sống tối giản 

"Cũng như các bạn trẻ khác, mình là cô nhân viên văn phòng luôn có niềm đam mê bất tận dành cho mua sắm. Nhưng, tình cờ được tham dự một workshop về chủ đề "Tinh gọn", cuộc sống của mình đã dần thay đổi - Vũ Phương Mai (Hà Nội) chia sẻ.

Có ít đi, sống nhiều hơn, hạnh phúc hơn - Ảnh 1.

Được truyền cảm hứng để "dũng cảm" chọn và bỏ những món đồ không cần thiết trong cuộc sống, Phương Mai bắt đầu áp dụng vào việc chọn lọc quần áo và đồ dùng cá nhân của mình. Những món đồ đã lâu không dùng, nhưng vẫn được giữ lại với suy nghĩ "biết đâu một ngày nào đó mình sẽ dùng đến" lần lượt được cô gái 9X chọn lọc. Từ quần áo, mỹ phẩm, phụ kiện, rồi đến đồ đạc trong nhà. Đồ gì không dùng đến thì cho, tặng, thanh lý hoặc bỏ đi, Phương Mai cho biết, nhà cửa trở nên thông thoáng, sáng sủa hơn.

Mỗi khi cần tìm một món đồ gì, không cần phải mất quá nhiều thời gian để tìm kiếm, cuộc sống cũng thư thả hơn. Từ đó, cô nàng cũng luôn đắn đo, cân nhắc mỗi khi định mua về một món đồ mới. "Mình có thật sự cần không hay mình chỉ muốn thôi? Mua về mình có dùng nó thường xuyên không? Nó có thực sự cần thiết không?"… Những câu hỏi đó luôn trở thành vật ngáng đường của Mai khi mua sắm. Từ một "tín đồ shopping", Mai đã biết tiết chế, giảm chi tiền vào những món đồ không cần thiết.

Có ít đi, sống nhiều hơn, hạnh phúc hơn - Ảnh 2.

Việc tối giản không chỉ được Mai thực hiện với đồ dùng, mà không biết từ khi nào, cô đã dần tối giản cả tâm trí, biết cách buông bỏ suy nghĩ tiêu cực trong trong đầu. Nếu có chuyện gì không được như mong muốn, thay vì rối bời, tức giận sẽ là câu hỏi: Chuyện đó có đáng để bận tâm, suy nghĩ hay không? Những giận hờn, đố kị cũng không còn làm cô gái 9X day dứt nữa.

Hiện nay, Vũ Phương Mai vẫn đang trên hành trình tìm kiếm và thực hiện lối sống tối giản của riêng mình.

Cũng như Phương Mai, phong cách sống tối giản - Minimalism đang ngày càng được giới trẻ yêu thích. Khi nhắc đến tối giản nhiều người nghĩ rằng: tối giản đồng nghĩa với vứt bớt đồ đạc để nhà gọn gàng hơn. Tuy nhiên, đó chỉ là bước đầu tiên trong hành trình sống tối giản.

Lối sống này có thể áp dụng ở rất nhiều khía cạnh trong cuộc sống như: Tối giản thông tin: chọn lọc những thông tin hữu ích và tích cực để theo dõi; Tối giản mối quan hệ: tập trung thời gian cho những mối quan hệ thân thiết "chất lượng hơn số lượng"; Tối giản giải trí: chọn lọc những chương trình bên cạnh việc giải trí còn đem lại giá trị nhân văn, giá trị kiến thức…

Marie Kondo - một tác giả Nhật Bản nổi tiếng với các phương pháp sắp xếp nhà cửa

Marie Kondo - một tác giả Nhật Bản nổi tiếng với các phương pháp sắp xếp nhà cửa

Các bước để bắt đầu rèn luyện lối sống tối giản

Giá trị cốt lõi của lối sống tối giản chính là dừng chạy theo những nhu cầu phù phiếm để có một cuộc sống đơn giản nhưng vẫn đủ đầy. Lối sống tối giản là tập trung vào những thứ quan trọng nhất khiến bạn cảm thấy thoải mái và hạnh phúc.

Không khó để bắt đầu thực hành lối sống tối giản, nhưng bạn cần phải thật kiên trì và quan trọng nhất là thấy vui, hạnh phúc với lựa chọn của mình.

Bước 1: Buông bỏ những đồ vật không sử dụng trên 3 tháng

Hãy bắt đầu quan sát tất cả đồ vật trong căn nhà và lên danh sách những món đồ thực sự cần thiết. Tất cả những đồ vật trong nhà, nếu không sử dụng trên 3 tháng, hãy quyết tâm "vứt bỏ". Có nhiều cách để những món đồ đó trở nên ý nghĩa hơn như: làm từ thiện, đăng bán trên nhóm đồ cũ…

Bước 2: Sắp xếp lại không gian sống

Cũng như đồ dùng, bạn chỉ nên giữ lại những món đồ thực sự cần thiết trong không gian sống và sắp xếp đồ đạc một cách khoa học hơn. Bạn có thể tham khảo những hướng dẫn của Marie Kondo - một tác giả Nhật Bản rất nổi tiếng với các phương pháp sắp xếp nhà cửa.

Trong đó, cần lưu ý: chọn nội thất cơ bản và tối giản; ưu tiên hộp đựng đồ lặt vặt; đồng nhất màu sắc cho vật dụng; sắp xếp đồ đạc theo phương pháp gấp theo chiều dọc; bố trí các vật dụng thường xuyên ở nơi dễ thấy; sắp xếp không gian nghỉ ngơi và luôn tạo thói quen cất đồ gọn gàng.

Bước 3: Chi tiêu cẩn thận, có kế hoạch

Hãy lên danh sách chi tiêu trong một tháng và chỉ tiêu trong hạn mức cho phép. Trước khi mua một món đồ hãy trả lời 3 câu hỏi: Sản phẩm này sẽ sử dụng trong bao lâu? Sản phẩm này có sở hữu nhiều công dụng khác nhau? Sản phẩm này có sử dụng thường xuyên không?

Bạn cần nhớ, tối giản là một nghệ thuật sống chứ không phải là cách bạn sử dụng những món đồ rẻ để tiết kiệm. Nếu theo chủ nghĩa tối giản, bạn nên quan tâm đến chất lượng cũng như tính hữu dụng của món đồ thay vì giá bán của sản phẩm.

Bước 4: Duy trì lối sống tối giản như một thói quen

Cần thực hành và duy trì thường xuyên để cảm nhận những những điều tích cực trong cuộc sống.

Cuộc sống càng hiện đại, càng áp lực, con người càng cần đến những điều đơn giản để xua đi mệt mỏi, bộn bề. Phong cách, nghệ thuật sống tối giản đang trở thành một xu hướng sống, một cách để tận hưởng niềm vui từ những gì mình đang có.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn