Co kéo chi tiêu gia đình trước áp lực giá hàng hóa tăng

08:00 | 15/03/2022;
Tính toán lại chi tiêu của gia đình trong một tuần qua, chị Phạm Minh Anh (Hà Nội) cho biết, từ tiền đổ xăng, tiền đi chợ, đến dịch vụ cắt tóc đều tăng từ 5.000 đến 10.000 đồng/sản phẩm, dịch vụ.

"Bình thường, bé con nhà tôi đi cắt tóc ngoài tiệm chỉ 50.000 đồng, giờ chủ tiệm tính thêm 10.000 đồng. Tôi đi đổ xăng, thay vì 100.000 đồng/bình để đi trong tuần, giờ phải mất 130.000 đồng. Các loại rau xanh, thịt lợn, thịt bò, tôm cá... đều tăng giá. Chỉ tính riêng các chi phí cơ bản, mỗi tuần tôi phải chi thêm khoảng 500.000 đồng trong khi thu nhập vẫn vậy. Dù tôi đã cố co kéo chi tiêu gia đình nhưng thấy khá áp lực", chị Minh Anh cho biết.

"Nguyên liệu đầu vào tăng, chúng tôi buộc phải điều chỉnh giá bán"

Theo khảo sát của PV Báo PNVN, từ ngày 1/3/2022 đến nay, nhiều sản phẩm, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đã áp dụng tăng giá bán. Cụ thể, giá gas bán lẻ tăng 3.500 đồng/kg, tương ứng mức tăng 42.000 đồng mỗi bình 12kg. Giá gas bán lẻ đến tay người tiêu dùng đang ở mức 524.500 đồng/bình 12kg; 1.965.000 đồng/bình 45kg; 2.184.500 đồng/bình 50kg...

Từ ngày 1/3, giá xăng tiếp tục điều chỉnh tăng lần thứ 6 kể từ đầu năm tới nay, tiến tới sát mốc 27.000 đồng/lít (giá xăng RON95-III đang ở mức 26.834 đồng/lít). Không chỉ giá xăng dầu, nhiều nguyên liệu đầu vào để sản xuất cũng khan hàng, tăng giá. "Là chủ một tiệm bánh ngọt, mỗi lần nhập hàng, tôi phải đau đầu cân đối, vì giá nguyên liệu như: bột mì, bơ, trứng, đường cũng như các phụ liệu khác đều tăng 5%-20%. Trong khi đó, số lượng hàng bán ra lại có xu hướng giảm vì người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Tôi phải tự động viên mình cũng như nhân viên cố cầm cự trong giai đoạn này", chị Nguyễn Bảo Anh (Q. Long Biên, Hà Nội) chia sẻ.

"Dịch bệnh thế này, ai cũng muốn duy trì mức giá ổn định nhưng nguyên liệu đầu vào tăng, chúng tôi buộc phải điều chỉnh giá thì mới cân đối được chi phí", anh Lê Văn Thắng, chủ quán cơm văn phòng ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, cho biết.

Ghi nhận tại khu vực Hà Nội, nhiều hàng quán như bún, phở, cơm… đều điều chỉnh giá bán tăng từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng/phần ăn. Ở phân khúc nhà hàng trung và cao cấp, giá bán vẫn áp dụng như trên menu nhưng đại diện nhiều nhà hàng cho biết, họ đang lên kế hoạch tìm kiếm các nhà cung cấp nguyên liệu với nhiều mức giá khác nhau để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Không chỉ thực phẩm, mà các dịch vụ khác như làm đẹp, giặt là, đánh giày… cũng điều chỉnh giá dịch vụ.

Co kéo chi tiêu gia đình trước áp lực giá hàng hóa tăng - Ảnh 1.

Người dân mua sắm tại siêu thị trên phố Võ Thị Sáu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN

Chủ động theo dõi sát biến động giá cả

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo điều hành giá, trong 2 tháng đầu năm 2022, mặt bằng giá cả thị trường biến động tăng theo quy luật hàng năm do trùng với thời điểm diễn ra Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, căng thẳng chính trị giữa Nga - Ukraina đã tác động mạnh tới giá nguyên liệu, nhiên liệu trên thị trường thế giới, trong đó có mặt hàng xăng dầu và gas, gây áp lực tăng giá lên một số mặt hàng trong nước.

Để chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, áp lực tăng giá một số mặt hàng trong nước, trong 10 tháng còn lại của năm 2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá, đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đồng thời, cần sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường. 

Tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá. Đối với công tác quản lý giá các mặt hàng thiết yếu, các bộ quản lý ngành chủ động theo dõi sát biến động giá cả, cung cầu trên thị trường thế giới và trong nước để kịp thời ứng phó trong điều hành sản xuất trong nước, cân đối cung cầu và điều hành, bình ổn giá phù hợp...

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn