Trong ngôi nhà riêng trên phố Lê Phụng Hiểu (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), PGS. Vũ Quyết Thắng, nguyên giảng viên trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, kể cho tôi nghe truyền thống của gia đình mình. Năm nay, niềm vui của đại gia đình Vũ Duy được nhân lên gấp bội khi tháng 2 vừa qua, Nhà thờ cụ Vũ Duy Trinh, ông nội của PGS. Vũ Quyết Thắng, tại thôn Vĩnh Lại (xã Vĩnh Hưng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh.
Đây là lần đầu tiên tại Hải Dương, nhà thờ của một gia đình được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh, bởi những đóng góp của vợ chồng cụ Vũ Duy Trinh cùng các con đối với Cách mạng. Nhà thờ không chỉ là nơi lưu giữ những kỷ niệm của đại gia đình cụ Vũ Duy Trinh mà còn là "địa chỉ đỏ" của nhân dân Hải Dương.
PGS. Vũ Quyết Thắng sinh năm 1945, là con trai cả của nguyên Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Phó Ban Tài mậu Trung ương Đảng Vũ Duy Hiệu (con trai thứ 2 của cụ Vũ Duy Trinh). "Ngày ông nội mất, bố tôi đang học ở Nam Định và tham gia hoạt động Cách mạng, rồi bị bắt, chịu án tù tại Nhà tù Sơn La.
Năm 1936, bố tôi được ra tù, bị quản thúc ở quê. Các chú tôi sau này cũng đều theo kháng chiến, tham gia cách mạng. Lúc nhỏ, tôi sống trong ngôi nhà của ông bà nội ở quê. Còn bé, ký ức về cuộc sống không nhiều nhưng tôi lại luôn in đậm sự tảo tần, lam lũ của những người phụ nữ trong gia đình nông thôn ngày ấy. Đó là bà nội, là bác dâu, là mẹ, là thím dâu của tôi. Họ là những người phụ nữ Việt Nam truyền thống, hết lòng vì chồng con, gia đình", ông Thắng chia sẻ.
"Ngôi nhà của ông bà nội ở quê" mà PGS. Vũ Quyết Thắng nói đến là nhà của vợ chồng cụ Vũ Duy Trinh - Phạm Thị Liên, nay được xây dựng làm nhà thờ họ. Đây là nơi thành lập tổ chức cơ sở Đảng đầu tiên của xã Vĩnh Hưng; là nơi liên lạc, bồi dưỡng chính trị, che giấu, nuôi dưỡng, bảo vệ các đảng viên khi hoạt động gây dựng phong trào Cách mạng ở huyện Bình Giang nói riêng, tỉnh Hải Dương nói chung.
Sau Cách mạng Tháng Tám, họ đã trở thành những cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước như các đồng chí: Tô Hiệu, Lương Khánh Thiện, Lê Quang Đạo, Tô Quang Đấu, Đặng Châu Tuệ, Lê Thanh Nghị, Trần Phương (Vũ Văn Dung), Nguyễn Văn Kha, Trần Cung, Nguyễn Công Hòa, Phan Điền.
Vợ chồng cụ Vũ Duy Trinh - Phạm Thị Liên sinh được 7 người con (6 trai, 1 gái), đều sớm giác ngộ và tham gia hoạt động Cách mạng. Ngoài người con cả Vũ Duy Cương là thầy giáo mất sớm, 6 người con còn lại của 2 cụ sau này đều thành đạt, từng giữ những chức vụ quan trọng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước.
Thế hệ các cháu, chắt của hai cụ cũng đều được sinh ra và lớn lên tại thủ đô. Phát phát huy truyền thống tốt đẹp, dù hiện 7 người con của cụ Vũ Duy Trinh đều đã mất nhưng đời cháu, chắt vẫn giữ đạo nhà. Bao năm nay, đại gia đình họ Vũ Duy với vài chục gia đình hạt nhân vẫn luôn gắn kết tình thân qua mỗi dịp lễ, Tết hoặc ngày giỗ trọng của dòng họ.
Để tạo cơ hội cho thế hệ con cháu, chắt, dâu rể trong đại gia đình được gặp gỡ, vun đắp tình cảm họ hàng, các bậc cao niên trong họ đã họp bàn, quyết định lấy ngày giỗ cụ Vũ Duy Trinh (16/4 âm lịch) làm ngày giỗ họ. Luật bất thành văn, ai bận gì thì bận, vào ngày này, cháu chắt lại tề tựu tại nhà thờ cụ Vũ Duy Trinh, trước để bày tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ ông bà, sau là sum vầy trong bữa cơm đoàn viên.
"Nếu không tạo ra được những sự kiện chung để gắn kết thế hệ con, cháu, chắt, chút, chít... thì tình thân sẽ theo thời gian nhạt dần. Có kết nối thì gia đình mới bền chặt, truyền thống gia đình mới được trao truyền cho cháu con.
Trước đây, ngày giỗ cụ Trinh được làm trên Hà Nội, mang tiếng là cháu con sống cùng thành phố nhưng vì điều kiện không gian hạn chế nên việc gặp gỡ không được đủ đầy. Kể từ ngày chúng tôi xây dựng được nhà thờ họ ở quê thì vào ngày này, con cháu tề tựu tương đối đông đủ. Đây chính là dịp để thế hệ sau tìm về nguồn cội, thêm yêu quê hương, hiểu lịch sử, truyền thống đại gia đình của cụ Vũ Duy Trinh", PGS. Vũ Quyết Thắng khẳng định.
Là cháu dâu của cụ Vũ Duy Trinh, bà Nguyễn Thùy Hương (71 tuổi) chia sẻ, hồi mới về làm dâu gia đình có truyền thống Cách mạng, bố chồng và các cô chú bên nhà chồng đều thành đạt, bên cạnh niềm tự hào, bà Thùy Hương cũng ít nhiều cảm thấy áp lực. Vốn công tác tại một cơ quan báo chí trung ương, là người có tri thức, hiểu biết, bà Hương càng ý thức tầm quan trọng của việc gìn giữ truyền thống gia đình.
"Trân trọng sự tảo tần, đức hy sinh của cụ bà Nguyễn Thị Liên, sau này, những nàng dâu, cháu dâu (và giờ đến thế hệ chắt dâu) trong gia đình họ Vũ Duy luôn có ý thức hiếu thuận, chăm lo gia đình, gìn giữ nếp nhà. Phát huy truyền thống gia đình, chúng tôi luôn có ý thức nuôi dạy và giáo dục thế hệ con cháu hiểu giá trị, biết trân trọng và làm rạng danh truyền thống dòng họ, gia đình.
Bên cạnh việc giáo dục con hiếu kính với ông bà, cha mẹ, chúng tôi truyền cho con cháu lòng tự hào về dòng họ qua nếp nhà. Khi sống trong một gia đình gia giáo, nề nếp, bản thân mình cũng luôn có ý thức phấn đấu trong công việc, hoàn thiện bản thân mình hơn", bà Thùy Hương cho biết.
Tự hào về truyền thống gia đình, anh Vũ Duy Khôi (chắt nội của cụ Vũ Duy Trinh), đại diện thế hệ thứ 4 làm Trưởng Ban Thường trực dòng họ Vũ Duy, bày tỏ: "Các thế hệ con cháu họ Vũ Duy chúng tôi trưởng thành đi muôn phương nhưng chắc chắn, vào mỗi dịp giỗ, Tết, có một nơi chúng tôi luôn hướng về, đó là nhà thờ họ, là ngày giỗ họ và cũng là ngày giỗ cụ Vũ Duy Trinh.
Với chúng tôi, nhà thờ họ không chỉ thiêng liêng về mặt lịch sử mà đó còn là nơi quy tụ và gắn kết tình thân của các thế hệ trong dòng tộc Vũ Duy".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn