Trong suốt hàng ngàn năm, Đông y Trung Quốc đã xây dựng được một công thức gọi là tứ chẩn để phán đoán bệnh tật, bao gồm: Vọng chẩn (nhìn vào thần thái, hình sắc bên ngoài của người bệnh), văn chẩn (nghe âm thanh phát ra từ người bệnh như tiếng thở, tiếng ho), vấn chẩn (trò chuyện, hỏi han người bệnh) và thiết chẩn (bắt mạch, sờ, nắn cơ thể người bệnh).
Tuy nhiên, bên trong các cơ chế văn chẩn, nghĩa là nhìn vào hình thái bên ngoài của bệnh nhân, còn có một chẩn rất đặc biệt được gọi là" thiệt chẩn", nghĩa là thầy thuốc chỉ cần nhìn vào lưỡi.
Đông y cho rằng lưỡi được kết nối với lục phủ ngũ tạng. Vì vậy, chỉ cần nhìn vào màu sắc, hình dáng và bề mặt lưỡi, thầy thuốc có thể đoán được ra bệnh của bệnh nhân. Cơ sở khoa học và thống kê của thiệt chẩn là thứ mà các thầy thuốc Đông Y đã phải xây dựng từ đời này sang đời khác, trong hàng trăm thế hệ.
Một nghiên cứu trên tạp chí Journal of Integrative Medicine cho biết các mô tả đầu tiên về nhìn lưỡi đoán bệnh đã được viết trong "Hoàng Đế nội kinh" và "Thương Hàn luận", hai cuốn kinh thư kinh điển về y học cổ truyền Trung Quốc từ thời nhà Hán (khoảng năm 200 TCN). Tuy nhiên phải đến thế kỷ 13, nghĩa là trong thời đại nhà Nguyên, các cơ sở của thiệt chẩn mới được hoàn thiện.
Điều đó có nghĩa là phải mất hơn 1.500 năm, các thầy thuốc Đông y mới có thể thống kê và kết nối các dấu hiệu ở lưỡi của bệnh nhân với căn bệnh mà họ đang mắc phải. Độ chính xác của thiệt chẩn, tất nhiên cũng không phải tuyệt đối, vì phương pháp này thường phải dựa vào quan sát và nhận định chủ quan của thầy thuốc.
Thế nhưng, bây giờ, với sự giúp đỡ của khoa học công nghệ, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo, các nhà khoa học đã có thể xây dựng được một cỗ máy chẩn bệnh chính xác tới 98% dựa vào hình thái của lưỡi.
Có thể nói, hơn 1.500 năm phát triển của Đông y đã được gói gọn vào trong một thuật toán AI duy nhất, thứ đã nâng khái niệm thiệt chẩn của y học cổ truyền lên một tầm cao mới.
Theo quan điểm Đông y, lưỡi là cơ quan phản ánh tình trạng sinh lý và bệnh lý lâm sàng của cơ thể. Mỗi phần của lưỡi có liên quan đến các nội tạng tương ứng. Các thầy thuốc có thể nhìn vào màu sắc, hình dạng, chuyển động của lưỡi để phán đoán bệnh tật.
Hình dạng hình học cũng giúp chẩn đoán sức khỏe của một người bằng cách quan sát những thay đổi ở thân lưỡi, chẳng hạn như độ dày, kích thước, vết nứt và vết răng. Lớp phủ lưỡi, còn được gọi là rêu lưỡi, với các đặc điểm như màu sắc, mức độ ướt, độ dày, hình dạng và phạm vi phân bố, cũng là yếu tố quan trọng trong việc xác định bệnh và tình trạng cơ thể của bệnh nhân.
Ví dụ như, dựa trên màu sắc lưỡi chúng ta có thể biết:
- Lưỡi hồng: Thể hiện sức khỏe tốt, khí huyết đầy đủ.
- Lưỡi nhợt nhạt: Có thể chỉ ra tình trạng thiếu máu, khí huyết hư.
- Lưỡi đỏ: Thường liên quan đến tình trạng nhiệt trong cơ thể, có thể do viêm nhiễm hoặc nhiệt độc.
- Lưỡi tím: Có thể cho thấy tình trạng ứ trệ khí huyết, thiếu máu.
Dựa trên hình dáng lưỡi:
- Lưỡi to: Có thể chỉ ra tình trạng thận hư hoặc tỳ hư.
- Lưỡi nhỏ: Có thể phản ánh tình trạng âm hư.
- Lưỡi gồ ghề: Có thể cho thấy tình trạng tỳ vị không khỏe.
Bề mặt lưỡi có thể tiết lộ:
- Rêu lưỡi: Rêu trắng có thể chỉ ra tình trạng lạnh, rêu vàng có thể chỉ ra tình trạng nhiệt.
- Lưỡi nhẵn: Có thể phản ánh tình trạng thiếu âm hoặc thiếu huyết.
Các khu vực của lưỡi:
- Đầu lưỡi: Liên quan đến tim và phổi. Nếu đầu lưỡi đỏ, có thể chỉ ra tình trạng nhiệt trong tim hoặc phổi.
- Giữa lưỡi: Liên quan đến tỳ vị. Nếu giữa lưỡi có rêu dày, có thể chỉ ra tình trạng tỳ hư hoặc tiêu hóa kém.
- Gốc lưỡi: Liên quan đến thận. Nếu gốc lưỡi nhợt nhạt, có thể chỉ ra tình trạng thận hư.
- Hai bên lưỡi: Liên quan đến gan và mật. Nếu hai bên lưỡi có màu sắc khác thường, có thể chỉ ra vấn đề về gan hoặc mật.
Các nghiên cứu Tây y cho thấy lưỡi đơn giản là một bó cơ được bao phủ bởi một màng chuyên biệt chứa nhiều nhú hay còn gọi là nụ vị giác. Chẩn bệnh thông qua lưỡi được thực hiện chủ yếu dựa trên các biểu hiện lâm sàng ở các nụ vị giác này.
Ví dụ, khi các nụ vị giác bị viêm, các nụ vị giác sẽ chuyển sang màu đỏ, đan xen với lớp phủ màu trắng vốn có của nó sẽ tạo thành một hiệu ứng giống vỏ của quả dâu tây. Biểu hiện được gọi là lưỡi dâu tây này có thể là một triệu chứng trong bệnh sốt ban đỏ, do vi khuẩn streptococcus pyogenes gây ra.
Bệnh này rất dễ lây nhưng có thể điều trị bằng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, nếu không được điều trị, sốt ban đỏ có thể dẫn đến các biến chứng như sốt thấp khớp. Lưỡi dâu tây cũng có thể chỉ ra bệnh Kawasaki, một rối loạn viêm có khả năng nghiêm trọng, chủ yếu gặp ở trẻ em. Bệnh này cũng cần được nhận biết và điều trị tại bệnh viện càng sớm càng tốt.
Lưỡi dâu tây cũng có thể được nhìn thấy trong hội chứng sốc độc tố, một tình trạng hiếm gặp, đe dọa tính mạng và là trường hợp khẩn cấp cần cấp cứu. Tình trạng này phát sinh do vi khuẩn từ da xâm nhập vào cơ thể, giải phóng độc tố có hại. Các triệu chứng của nó bao gồm sốt cao, đau nhức cơ và phát ban.
Ngoài lưỡi dâu tây thường gặp nhất, một biểu hiện dễ thấy trên nụ vị giác là chúng có thể chuyển thành màu trắng hoặc màu đen. Các tình trạng như tưa lưỡi có thể gây ra lưỡi trắng, trong khi lingua villosa nigra có nghĩa là lưỡi có lông đen.
Tên gọi này xuất phát từ sự kéo dài của các nhú nhỏ nhất nên trông giống như lông. Nó liên quan đến việc hút thuốc, khô miệng và vệ sinh răng miệng kém:
Sau đó, có cả lưỡi xanh. Đây là tình trạng nghiêm trọng xảy ra khi miệng, lưỡi hoặc mặt bị đổi màu xanh do máu thiếu oxy hoặc tuần hoàn kém. Nó xảy ra trong nhiều tình trạng của tim và phổi và thậm chí có thể do độ cao. Nếu bạn thấy lưỡi mình có màu xanh, bạn cần gọi ngay xe cấp cứu vì nó có thể đe dọa tính mạng của bạn.
Cuối cùng, Tây y chỉ ra một bệnh được gọi là lưỡi bản đồ, trong đó lưỡi có các mảng sưng, nhẵn, đỏ, xung quanh là các đường viền trắng giống như các lục địa và đại dương trên bản đồ.
Điều kỳ lạ về tình trạng này là các mảng có thể xuất hiện rồi biến mất, làm thay đổi hình dạng của lưỡi. Nó giống như sự trôi dạt và thay đổi vị trí địa lý của các lục địa trên bề mặt Trái Đất
Khoảng 1-3% dân số có tình trạng lưỡi bản đồ này, và nó thường xuyên tái phát. Mặc dù vậy, đa số các trường hợp lưỡi bản đồ là lành tính. Chỉ một số ít liên quan đến bệnh vẩy nến, dị ứng, hen suyễn hoặc tiểu đường.
Dựa trên các bằng chứng được thiết lập về mối liên hệ giữa biểu hiện của lưỡi và bệnh tật, gần đây, các nhà khoa học đã phát triển một số hệ thống camera cho phép chụp ảnh lưỡi, lấy mẫu lưỡi để xét nghiệm và chẩn đoán bệnh.
Các camera có khả năng chụp ảnh siêu phổ, ở hơn 120 dải với quang phổ từ 400-800 nm và độ phân giải dưới 5nm. Bằng cách này, chúng có thể ghi nhận các đặc điểm ở lưỡi vượt trội hơn rất nhiều so với mắt thường của con người, vượt xa cả khả năng thiệt chẩn của các bác sĩ Đông Y giàu kinh nghiệm nhất, ví dụ như trong nhiệm vụ phân biệt màu sắc lưỡi.
Ngoài ra, các hệ thống đa camera cũng cho phép các cỗ máy chụp lại được ảnh 3 chiều của lưỡi, để đánh giá độ cong, độ linh hoạt, hình dạng và bề mặt của lưỡi. Các hệ thống này có thể hoạt động một cách khách quan và chính xác hơn nhiều so với kinh nghiệm của bác sĩ.
Các công nghệ mới này đang cho phép thu thập một lượng lớn dữ liệu liên quan đến đặc điểm ở lưỡi và bệnh của bệnh nhân. Sau đó, cơ sở dữ liệu lớn có thể được sử dụng để đào tạo các thuật toán trí tuệ nhân tạo chẩn đoán bệnh tật.
Trong một nghiên cứu mới trên tạp chí Technologies, các nhà khoa học đã đưa hơn 5.200 bức ảnh lưỡi và chẩn đoán tương ứng để đào tạo 6 thuật toán học máy. Cả 6 thuật toán sau đó đã học được cách để chẩn đoán một số tình trạng lưỡi liên quan đến bệnh tiểu đường, đột quỵ, thiếu máu, hen suyễn, bệnh gan, túi mật và cả COVID-19.
Để kiểm tra độ chính xác của các thuật toán này đến đâu, các nhà khoa học đã cho chúng chẩn đoán bệnh từ 60 ảnh chụp lưỡi của các bệnh nhân khác. Kết quả, thuật toán kém chính xác nhất cũng chẩn đoán được 91% các trường hợp. Trong khi đó, thuật toán tốt nhất đạt tới độ chính xác 98,71%.
"Màu sắc, hình dạng và độ dày của lưỡi có thể tiết lộ nhiều tình trạng sức khỏe. Thông thường, những người bị tiểu đường sẽ có lưỡi vàng; bệnh nhân ung thư sẽ có lưỡi tím với lớp phủ nhờn dày; và bệnh nhân đột quỵ cấp tính sẽ có lưỡi đỏ có hình dạng bất thường.
Lưỡi trắng có thể là dấu hiệu của bệnh thiếu máu; những người mắc bệnh COVID-19 nặng thường có lưỡi màu đỏ sẫm; và lưỡi màu chàm hoặc tím là dấu hiệu của các vấn đề về mạch máu, đường tiêu hóa hoặc hen suyễn", các tác giả nghiên cứu cho biết.
Có thể thấy với sự trợ giúp của khoa học công nghệ kết hợp với kiến thức lâu đời của Đông Y, thiệt chẩn đã được nâng lên một tầm cao mới. Trong tương lai, nó hứa hẹn sẽ trở thành một phương pháp sàng lọc an toàn, hiệu quả, thân thiện với người dùng và đặc biệt là có giá cả phải chăng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn