Năm nay, trong tổng số các tác phẩm gửi tới Ban Sáng tác - Hội Nhà văn Việt Nam để tham dự xét giải thưởng "Tác giả trẻ năm 2022", thể loại chiếm số lượng áp đảo là thơ và văn xuôi. Ba tác phẩm tiêu biểu được chọn để tôn vinh trong Lễ trao giải mới được tổ chức là "Bạc màu áo ngự" của Lê Vũ Trường Giang, "Chín nhánh da vàng" của Trần Đức Tín và "Đi tìm những bóng người" của Vĩ Hạ.
Nhìn vào tổng thể mặt bằng các tác phẩm tham dự xét giải năm nay, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đánh giá: Trong thời gian qua, văn học của người sáng tác có độ tuổi dưới 35 về căn bản vẫn có những nét nhấn, vẫn có những tác phẩm mà sự táo bạo hay tính độc đáo là điểm nổi trội. Điều ấy thể hiện qua một số tác phẩm văn xuôi như: "Vạn sắc hư vô" - tiểu thuyết của Nguyễn Khắc Ngân Vi, "Dòng sông mùa giông bão" - tập truyện của Vũ Gia Hà, "Muội tro" của Võ Chí Nhất, "Bạc màu áo ngự" của Lê Vũ Trường Giang… Điều ấy cũng thể hiện qua các tập thơ "Mật mã 88" của Lê Nhi, "Ngược tìm phía trước" của Lê Ngọc Dũng, "Hoa nở trong trăng" của Vũ Gia Hà, "Chín nhánh da vàng" của Trần Đức Tín và "Đi tìm những bóng người" của Vĩ Hạ…
Ở các tác phẩm trên, cách tiếp cận, cách nhìn nhận thời cuộc cũng như vấn đề xã hội mang một cảm quan khác, theo cá tính riêng, với toàn bộ sự sắc sảo, mẫn tiệp của người ở độ tuổi dưới 35. Nói sát thực hơn, người sáng tác ở độ tuổi này đã cảm nhận thân nhiệt và kích thước của thế giới xung quanh mình với tinh thần tự tin, mạnh bạo hơn nhưng không phải vì thế mà thiếu đi chiều sâu của sự phân tích nghiền ngẫm. Ngay trong cách lựa chọn đề tài, người viết ở độ tuổi dưới 35 cũng không lảng tránh, trái lại còn mạnh dạn chạm tới những vấn đề nhạy cảm, can đảm vượt qua cả quan niệm đạo đức phổ thông để soi rọi những góc thầm kín bên trong con người cá nhân với tinh thần cảm thông, chia sẻ.
Theo nhà văn Nguyễn Bình Phương, "Bạc màu áo ngự" của tác giả Lê Vũ Trường Giang là một ví dụ điển hình. Xuyên suốt tập truyện, tác giả nhìn lịch sử qua số phận từng con người nhỏ bé đầy những góc khuất thầm kín. Với các nhân vật có danh phận, tác giả đã chọn điểm nhìn khác tinh thần ngưỡng vọng mặc định, cũng không sa vào thái độ suồng sã, bỡn cợt. Lê Vũ Trường Giang cho ta thấy lịch sử không phải là đối tượng để thả vào đó tình cảm thiên lệch, hơn thế nó được dựng lại để nhìn ra bài học mà nó thuộc về.
"Chín nhánh da vàng", tác phẩm thơ của Trần Đức Tín, được đánh giá thể hiện cách nhìn đời sống sâu sắc của một người trẻ tuổi. Trần Đức Tín tìm thấy cơ hội quay trở lại khám phá con người nội tâm bên trong của mình, theo cách của chính mình từ thế giới bên ngoài. Thơ đã đến với anh trong những lúc kiệt cùng nhất; trong bóng tối mịt mù, chỉ có thơ vẫn ở lại, không rời bỏ. Chính thơ đã cho tác giả niềm tin vào con người. "Sau tất cả những nỗi đau, thơ đã nhen nhóm, đã thôi thúc điều gì đó về sự sống, niềm tin trên từng con chữ. Trong thơ, tôi lưu lại tiếng à ơi của mẹ Việt, của chiếc áo bà ba, những rặng đước, tàu dừa che mát tuổi thơ trên đường quê mỗi bận đi học về. Tôi lưu lại cái thở dài của cha vì những trận bão, đôi mắt của những chiếc thuyền đánh cá trập trùng biển khơi, câu đồng dao hồn nhiên, điệu ca cổ ngọt ngào và những nụ cười bội thu của đồng quê bát ngát… Trong thơ, tôi cũng lật giở lại những trằn trọc của tổ tiên, những khát vọng, ước mong cống hiến của từng lớp người đến và đi như sông", nhà thơ Trần Đức Tín chia sẻ.
Có thể thấy những cái tên quen thuộc đang dần khẳng định mình theo tháng năm như Phan Đức Lộc, Võ Chí Nhất, Dương Hằng… Có một lớp nhà văn mới, sung sức ở lứa tuổi 9X đã mạnh dạn thể hiện mình ở nhiều cuộc thi, giải thưởng văn học trong Nam ngoài Bắc. Đáng chú ý trong đó có nhà văn Võ Chí Nhất, cây bút sinh năm 1993 được tặng thưởng của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh và lọt vào Chung khảo Tác giả trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam với tác phẩm "Muội tro". Đánh giá về tác phẩm, PGS.TS Bùi Thanh Truyền cho rằng, tập truyện trinh thám này có cốt truyện nhanh, gấp, nhiều kịch tính, bất ngờ, cho thấy người viết ý thức rõ về việc gắn với những trải nghiệm, đam mê cá nhân để tạo chất riêng.
Mới đây, cuộc thi "Truyện ngắn hay" của tạp chí Văn nghệ TP Hồ Chí Minh cũng đã tìm ra tác phẩm xứng đáng để trao giải. Một trong những thành công của cuộc thi này là có những dấu ấn đậm nét của các tác giả trẻ. "Triệu view giá bao nhiêu?" của tác giả trẻ Lệ Hồng (Đà Nẵng) là một tác phẩm đọc lên sẽ cảm nhận ngay sự mới mẻ, không thể tìm thấy cách viết ấy, suy nghĩ ấy trong những tác giả 7X. "Nơi bức vách bị dỡ" (Dương Gia Hân - sinh năm 2008) và "Phía sau vết cắt" (Hoàng Yến - sinh năm 2007), tác phẩm của hai tác giả đạt giải Nhất cuộc thi cho thấy một cách nhìn thẳng, nói trực diện của những người trẻ…
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, Trưởng ban Nhà văn trẻ TP Hồ Chí Minh, cho rằng, nhờ sự phát triển công nghệ mà các tác giả có thể giao lưu, tìm hiểu, đã hình thành một đội ngũ tác giả trẻ đầy mới mẻ. Không chỉ cách viết mới mà những tác giả trẻ còn cho thấy họ đang đứng hẳn vào thời cuộc để viết lên những điều mình muốn thể hiện. Và độc giả có thể thấy được một xã hội đang chuyển động mạnh mẽ trong đó.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn