Tôi quen thức khuya, ngó bộ cũng hơn chục năm từ ngày bắt đầu lên Sài Gòn. Khỏi hỏi cũng biết đây là thói quen không tốt. Nhưng đúng là cái gì càng quen càng khó bỏ. Lý trí có nói mấy cũng không thắng được trái tim lì lợm đã sủng ái cảm xúc đến mức u mê.
Rồi khoảng thời gian này tôi hay làm gì?
Trước hết là làm việc, vì ban đêm yên tĩnh dễ tập trung. Rồi tôi đọc sách, viết lách, xem phim, trò chuyện với những "cú đêm" giống mình trên Facebook. Nhưng tôi phát hiện ra có những đêm không vướng bận bất cứ chuyện gì, tôi cũng chẳng chịu đi ngủ. Tôi lái xe từ nhà tận Thủ Đức ra nhà thờ Đức Bà, rồi vòng lên Nhà hát Lớn, ngồi nhìn đường phố và dòng người qua lại. Thậm chí vài bận, tôi còn đánh xe một mình trong đêm phóng thẳng xuống Vũng Tàu ngắm biển.
Đôi lần tôi tự hỏi, phải chăng có người nghiện rượu, nghiện thuốc lá thì mình chính là đang nghiện bóng đêm, nghiện nỗi cô đơn như thứ hạnh phúc kỳ quặc. Phải chăng vì giữa đêm thế này, chúng ta cảm thấy an toàn. Không còn những bộn bề công việc, những lo toan, mệt mỏi, cũng chẳng còn những mặt người nghi kỵ, nói cười giả lả. Chỉ còn một mình mình đắm chìm trong thế giới riêng. Không ai xâm phạm.
Tôi nhận ra, nếu đời sống thường nhật được làm việc, được gặp gỡ bạn bè có những niềm vui riêng thì việc sống một mình, tận hưởng cảm giác một mình thật ra không hề tệ, thậm chí còn cho ta những khoái cảm đặc biệt. Có nhiều lúc tôi nghĩ, số lượng những người thích một mình như tôi chắc chỉ là cá biệt, chứ phần đông ngoài kia chẳng ai chọn lựa cô đơn.
Mà tôi cũng tin là chẳng ai chọn lựa, kể cả tôi. Chỉ là khi bắt buộc phải một mình, tôi tự học cách tìm kiếm niềm vui thay vì ủ dột.
Có một lần ghé Đà Lạt, tôi chạy xe một mình gần hai mươi cây số đi tìm cây thông cô đơn, mới hiểu vì sao nó có cái tên đó. Giữa hàng ngàn cây thông chen chúc nhau trên đồi, nó tất nhiên không thể chọn lựa vị trí nhưng vì đời vô tình sắp đặt, nó thong dong hướng mắt về mặt hồ, cứ thế mà thẳng tắp đầy kiêu hãnh, như một cá thể đặc biệt.
Cũng một tối ngay bùng binh trước chợ Đà Lạt, tôi thấy một bạn trẻ đứng đàn và hát. Mặc dòng người qua lại, chàng thanh niên chừng đâu 20 tuổi cứ thế say sưa cất tiếng hát sâu lắng bên chiếc guitar cũ kỹ. Trong phút chốc ấy, tôi cảm giác thế giới đó là của riêng cậu ta, mọi náo động xung quanh đều không thể xâm phạm. Lâu lắm rồi, tôi mới nghe một giọng hát có tình như thế. Còn cậu, đang uống sự tự tại như uống một ly rượu ngon. Như thể đó là một thứ men hạnh phúc nếu không nếm là một sự hối tiếc.
Tôi chơi thân với chị Lam, một người theo nghiệp văn chương. Chị Lam chia sẻ, với người sáng tác như chị, cô đơn là đặc ân. Bởi thứ văn chương được viết ra lúc rộn ràng hạnh phúc thường nhẹ tênh, ngọt lừ sự tận hưởng. Chỉ khi một mình, trơ trọi, người ta mới có thể tuôn ra những ý tứ tận tâm can, mà khi thường nhật, nó trốn đâu giữa bộn bề cơm áo, giữa những lo toan, hốt hoảng.
Sau này tập tành viết lách, tôi nhận ra càng cùng cực trong đau đớn, mất mát, càng bị giày vò trong cô độc, hình như người ta lại càng phát tiết ra những rung cảm chưa từng có. Những bản nhạc sâu lắng nhất, những dòng viết chứa chan nhất, chắc là được viết ra trong những lúc lòng đắm chìm trong thứ hạnh phúc gọi là cô đơn.
Chị Lam chọn cuộc sống độc thân sau một lần đổ vỡ. Không phải chị oán trách đàn ông như Lý Mạc Sầu trong "Thần điêu đại hiệp", cũng không phải vì bị giày vò khổ ải mà không dám đối mặt với tình yêu lần nữa. Chị chỉ đơn thuần nghĩ: Chị đang có công việc ổn định, văn chương là sở thích, bạn bè thỉnh thoảng vẫn có thể hàn huyên, nên việc có hay không một gia đình chẳng còn quan trọng.
Người phụ nữ tôi quen tận hưởng cảm giác một mình khoan khoái và bình thản đến kỳ lạ. Chị chia sẻ, điều gì cần đến sẽ đến: "Chị thấy hiện thực của mình đang rất ổn, thật ra nếu có một người đàn ông tốt chị vẫn đón nhận, không thì thôi. Hằng ngày, chị vẫn là một công dân lương thiện, có đóng góp cho xã hội và biết tận hưởng thú vui cuộc sống của mình. Ngày nào cũng được cười, khi cô đơn thì giống em, lên Đà Lạt chơi đùa với nó. Đời vậy còn đòi hỏi gì, ngày nào cũng sống hết mình, chết lúc nào chẳng được".
Nếu bạn là người hướng ngoại, ghét cảm giác cô đơn, trống trải, thì tốt quá rồi, tôi tin bạn luôn có những ngày đầy hứng khởi. Thế nhưng nếu bạn trót sinh ra là một người nhạy cảm quá mức, thường đối diện với bóng tối và cô đơn bằng nỗi e sợ, tôi thật tâm muốn nói với bạn vài điều. Hoặc là thay đổi thực tại, biến mình thành một người khác để đón nhận một đời sống khác, tươi vui - màu sắc hơn; hoặc bạn chọn cách tìm niềm vui, hạnh phúc trong những thứ mình không thể chối bỏ.
Hồi lâu, tôi có đọc được một câu mà mình rất tâm đắc: "Không có được cái mình thích thì hãy thích cái mình có và sống với nó thật tốt".
Nên với những người như tôi, như chị Lam, như cậu thanh niên đứng hát ở Đà Lạt hôm nào, một mình là do chúng tôi lựa chọn. Và chúng tôi biến những ngày đang sống thành những ngày để tận hưởng.
Cuộc sống một mình, chấp nhận nó như một món quà hay sự đày đọa, bất luận cũng là sự lựa chọn của mình. Do mình.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn