VN-Index đánh dấu hơn 3 tuần liên tiếp giảm mạnh, chỉ riêng tuần vừa qua, chỉ số đã "bốc hơi" gần 23 điểm, sau vài phiên hồi phục từ cuối tuần qua, chỉ số được kéo về vùng điểm 1.250.
Thanh khoản tuần qua cũng giảm 17,4% so với tuần trước đó, tại mốc 16.000 tỷ đồng/phiên. Nhiều chuyên gia chia sẻ, lượng thanh khoản giảm cho thấy tâm lý lo ngại từ giới đầu tư đã liên tiếp kéo dài trong suốt thời gian qua khiến dòng tiền đứng ngoài thị trường quan sát. Phiên giao dịch hôm nay, 31/7, dù thị trường có tín hiệu hồi phục khi VN-Index tăng nhẹ 6,45 điểm (0,52%), nhưng thanh khoản cũng chỉ ở mức hơn 17.000 tỷ đồng.
Với diễn biến này, nhiều nhà đầu tư bày tỏ tâm trạng lo ngại thậm chí nhiều khoản lỗ đã được ghi nhận trong các phiên "rung lắc" vừa qua.
Đánh giá về diễn biến này, ông Trần Quốc Toàn - Giám đốc Kinh doanh, chi nhánh Hội sở Công ty Chứng khoán Mirae Asset cho biết: Thị trường đang trải qua giai đoạn điều chỉnh sau khi tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm nay, trong bối cảnh thanh khoản thị trường trái phiếu Chính phủ tăng, cho thấy dòng tiền đang có xu hướng tìm kiếm kênh đầu tư an toàn hơn trong bối cảnh lãi suất liên ngân hàng tăng cao.
Ngoài ra, còn với một số yếu tố tác động khác: Áp lực chốt lời sau thời gian tăng trưởng, còn có các yếu tố bên ngoài như lãi suất liên ngân hàng tăng hay tỷ giá USD/VND tăng. Đây là những diễn biến có thể gây ra tâm lý thận trọng cho nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, dẫn đến việc rút vốn khỏi thị trường.
Trước diễn biến này, ông Toàn chia sẻ thêm, loạt phiên điều chỉnh vừa rồi của thị trường chứng khoán Việt Nam là diễn biến thường thấy sau nhịp tăng trưởng mạnh mẽ 10,2% từ đầu năm đến cuối tháng 6/2024.
Dù vậy, ở khía cạnh tích cực, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt là chính sách tiền tệ nới lỏng, cùng với những kỳ vọng tích cực về các luật mới và triển vọng nâng hạng thị trường, đang tạo ra những tín hiệu lạc quan cho thị trường chứng khoán Việt Nam.
Một "điểm sáng" xuất hiện tại khối ngoại khi đảo chiều mua ròng trở lại vào tuần qua.
Đi ngược với xu hướng thị trường, đầu tư chứng khoán đã gần 10 năm nay, chị Phương Anh (34 tuổi, quận Tây Hồ, Hà Nội) lại tỏ ra khá bình tĩnh. Chị cho rằng: "Thị trường rung lắc khá mạnh thời gian qua, song, với kinh nghiệm đầu tư của tôi thì thị trường vẫn còn nhiều tiềm năng. Và thời điểm này chính là cơ hội để gom các cổ phiếu mà tôi muốn, với mức giả hấp dẫn. Tôi chủ yếu quan tâm tới nhóm cổ phiếu ngân hàng và bất động sản".
Đồng quan điểm, chị Linh Nga (41 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội) cũng đã gom một số mã cổ phiếu tiềm năng những phiên vừa qua: "Lãi suất tiết kiệm có tăng mà vẫn còn thấp nên tôi vẫn giữ chiến lược đầu tư vào thị trường chứng khoán, tranh thủ lúc thị trường điều chỉnh, mua một số mã cổ phiếu có nhiều tín hiệu tăng trưởng trong thời gian tới như là bán lẻ và xuất khẩu".
Thực tế cho thấy, không ít nhà đầu tư có chiến lược "bắt đáy" cổ phiếu tiềm năng trong các phiên thị trường điều chỉnh, nhằm giảm tối ưu vốn đầu tư.
Chia sẻ về động thái này của nhà đầu tư, ông Toàn cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam còn nhiều dư địa tăng trưởng trong trung và dài hạn nhờ những yếu tố hỗ trợ tích cực, cụ thể là:
Nền kinh tế vĩ mô Việt Nam đang có những tín hiệu phục hồi khả quan: Tăng trưởng GDP quý 2 đạt 6,93%, vượt xa dự báo của nhiều tổ chức trong và ngoài nước, đặc biệt là sự cải thiện đáng kể trong hoạt động sản xuất. Bên cạnh đó, vốn FDI đầu tư vào Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tốt, với vốn FDI đăng ký mới tăng 46,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp so với năm 2023 sẽ hỗ trợ tích cực cho thị trường chứng khoán: Lãi suất thấp giúp giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp, đồng thời khuyến khích dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán thay vì gửi tiết kiệm.
Chính phủ đã và đang ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nền kinh tế : Luật Đất đai (sửa đổi), chính sách tăng lương cơ sở, giảm thuế VAT... Các chính sách này sẽ kích thích tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thu hút thêm nhà đầu tư.
Định giá thị trường chứng khoán hiện tại khá hấp dẫn: P/E (Hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) ước tính năm 2024 của VN-Index ở mức 11,5 lần, thấp hơn mức trung bình 5 năm là 13,4 lần. Mức định giá này được coi là hấp dẫn và có thể thu hút dòng tiền đầu tư, đặc biệt là khi dòng vốn ngoại được kỳ vọng sẽ quay trở lại khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu giảm lãi suất.
Do vậy, "nhà đầu tư có thể xem xét các cơ hội đầu tư trong giai đoạn điều chỉnh này, đặc biệt ở các ngành như ngân hàng, chứng khoán, dầu khí, hóa chất, bán lẻ, xuất khẩu và thực phẩm", ông Toàn nhấn mạnh.
Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn cần thận trọng, tìm hiểu kỹ thông tin và có chiến lược đầu tư phù hợp để tận dụng các cơ hội và giảm thiểu rủi ro.
- Kiên nhẫn và có cái nhìn dài hạn, vì về dài hạn, những yếu tố nền tảng của nền kinh tế sẽ là động lực chính cho sự tăng trưởng.
- Tập trung vào việc tìm kiếm những doanh nghiệp có nền tảng kinh doanh vững chắc, hoạt động trong những ngành có tiềm năng tăng trưởng tốt và có khả năng hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.
- Cần có chiến lược đầu tư rõ ràng, quản lý rủi ro chặt chẽ và không nên chạy theo đám đông. Đối với một số trường hợp, không "vội" bắt đáy mà nên chờ tín hiệu rõ ràng từ thị trường. Và đa dạng hóa danh mục đầu tư, tập trung vào những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và tiềm năng tăng trưởng dài hạn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn