Có nên ghi quê quán trên căn cước công dân theo quê cha, trong khi người bố đã xa quê gốc?

19:38 | 22/06/2023;
Chiều 22/6, Quốc hội đã dành thời gian thảo luận tại hội trường về dự án Luật Căn cước - tên gọi sửa đổi của Luật Căn cước công dân.

"Chụp ảnh khuôn mặt công dân trên căn cước công dân phải đẹp"

Đại biểu Nguyễn Anh Trí - ĐBQH TP Hà Nội - cho rằng, không cần quá nhiều mục, nhất là các mục hay thay đổi như nơi cư trú trên căn cước. Tiếp đó, nơi cấp thẻ không nên ghi do Bộ Công an cấp, mà cần cụ thể công an tỉnh, thành nào cấp.

Ông Trí cũng đề nghị công an khi chụp ảnh khuôn mặt công dân in trên thẻ căn cước công dân phải "làm thế nào cho đúng và đẹp".

Về quê quán, ông Trí đặt vấn đề, ghi quê quán theo quê bố nhưng trong khi bố đã xa quê gốc, thậm chí ra nước ngoài thì phải ghi như thế nào. Vì vậy, ông đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu hướng dẫn cách khai quê quán cho hợp lý và khoa học.

Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa - ĐBQH tỉnh Đồng Tháp - cũng cho rằng, 24 nhóm thông tin tích hợp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là quá nhiều. Nhiều nội dung không cần thiết như nhóm máu; nơi ở hiện tại; số chứng minh nhân dân (nếu đã có thẻ căn cước); ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích...

Có nên ghi quê quán trên căn cước công dân theo quê bố trong khi bố đã xa quê gốc? - Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Theo ông Hòa, cần quy định cụ thể thông tin nào buộc phải cập nhật và thông tin nào chỉ để áp dụng cho những trường hợp cá biệt. Đại biểu này đề nghị cân nhắc tích hợp thông tin về nghề nghiệp, ADN vì nghề nghiệp có thể thay đổi theo thời gian, còn thông tin ADN phải đi xét nghiệm mới có và chi phí rất tốn kém.

Đại biểu Hoà cũng nhấn mạnh, dữ liệu căn cước của cá nhân phải được bảo vệ mật, trường hợp muốn khai thác dữ liệu phải được sự đồng ý của người đó, trừ trường hợp đặc biệt khác. "Cơ quan quản lý phải chịu trách nhiệm về bảo mật nếu thông tin cá nhân bị lộ lọt ra ngoài kẻ xấu lợi dụng ảnh hưởng đến sinh hoạt đời sống của người dân", đại biểu Hòa nêu ý kiến.

8 năm đổi thẻ căn cước công dân 3 lần

Còn đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh - ĐBQH TPHCM - nhận xét, trong 8 năm mà đổi thẻ căn cước công dân 3 lần thì sẽ tạo dư luận không tốt về công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội và quản lý nhà nước.

Có nên ghi quê quán trên căn cước công dân theo quê bố trong khi bố đã xa quê gốc? - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh - ĐBQH TP.HCM

Bà Hạnh dẫn chứng, năm 1976, Nhà nước thống nhất cấp thẻ căn cước trong cả nước. Đến năm 1999, đổi từ thẻ căn cước sang chứng minh nhân dân. Đến năm 2018 theo luật Căn cước công dân hiện hành, chứng minh nhân dân được đổi sang thẻ căn cước công dân.

Tiếp đó, vào năm 2021, theo Thông tư 06 của Bộ Công an, thẻ căn cước công dân lại được đổi sang thẻ căn cước công dân gắn chip.

"Nếu luật này thông qua, có hiệu lực từ 1.7.2024 thì lại tiếp tục đổi từ thẻ căn cước công dân sáng thẻ căn cước. Như vậy trong 8 năm có 3 lần đổi thẻ", bà Hạnh nói.

Theo nữ đại biểu này, dù trong tất cả các văn bản đều có quy định tất cả thẻ cấp trước đó có thể sử dụng cho đến hết thời hạn ghi trên thẻ, công dân chỉ đổi sang thẻ mới khi có nhu cầu. Tuy nhiên, thực tế trong các lần đổi thẻ vừa qua, để đảm bảo tính đồng bộ trong quản lý, xây dựng cơ sở dữ liệu thì các địa phương đã huy động lực lượng đáng kể cho công tác tuyên truyền vận động đổi thẻ.

Bên cạnh đó, việc thay đổi thẻ nhiều lần trong thời gian ngắn trong thời gian vừa qua mặc dù cơ quan soạn thảo đánh giá là không tốn kém chi phí xã hội nhưng tạo dư luận không tốt về công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội và quản lý nhà nước.

Thay mặt cơ quan soạn thảo trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an - cho biết, về tên gọi dự án luật, đa số ý kiến nhất trí với tên gọi Luật Căn cước nhằm đảm bảo tính bao quát, đầy đủ, phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật. Về các ý kiến đề nghị cân nhắc việc sửa đổi tên luật do việc sử dụng cụm từ căn cước công dân đã phổ biến, Bộ trưởng Công an nêu rõ, các ý kiến của đại biểu đều đã được Chính phủ báo cáo rõ và hướng tiếp thu giải trình.

Tuy nhiên, Bộ Công an sẽ tiếp tục báo cáo Chính phủ và phối hợp các cơ quan liên quan của Quốc hội có tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước công dân cho phù hợp. Từ đó đảm bảo hoàn thiện dự thảo luật cả về nội dung và kỹ thuật văn bản để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 vào tháng 11/2023.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn