Cô Vương Thúy Hạnh năm nay mới tròn 23 tuổi, cái tuổi rực rỡ nhất của thời thanh xuân, nhưng cô đã hy sinh tất cả để chăm sóc những em nhỏ người dân tộc Mông ở mảnh đất vùng cao đầy khó khăn này.
Cô Hạnh sinh ra ở xã Liên Phú, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm, cô được phân công giảng dạy tại Trường Mầm non Bản Phùng, điểm trường thôn Phùng Mông.
Đặc thù của lớp học là 100% học sinh đều là người dân tộc Mông. Cô dạy lớp ghép 3,4,5 tuổi nên càng khó khăn hơn so với những lớp mẫu giáo được phân theo lứa tuổi như ở đồng bằng, miền xuôi và các tỉnh, thành phố. Gia đình các em đa số còn khó khăn, điều kiện về cái ăn, cái mặc vẫn còn hạn chế. Thương các con, cô gom góp, kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ từ đôi tất, chiếc áo ấm để các con có thể bước qua mùa đông giá rét, đến trường học tập.
"Mặc dù được sinh ra ở nơi có điều kiện không được tốt nhưng các con rất cố gắng, yêu trường, yêu bạn và yêu cô. Các con cũng may mắn nhận được sự quan tâm của xã hội để có cơ hội học tập, giao tiếp với bạn bè và trải qua tuổi thơ một cách vui vẻ, hạnh phúc", cô Hạnh chia sẻ.
Kể về những ngày đầu khi tiếp nhận lớp mầm non ghép, cô Hạnh cho biết, bản thân là một giáo viên còn trẻ, cô đã rất bỡ ngỡ. Thời gian đầu cũng có chút nản lòng vì sống và làm việc trong điều kiện khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, lạnh giá. Bản thân cô chưa kịp thích nghi nên đôi lúc buồn tủi đến rơi nước mắt, thậm chí có lúc muốn rời đi. Thế nhưng hàng ngày tiếp xúc với trẻ, cảm nhận được cuộc sống và hoàn cảnh của trẻ, cô cảm thấy bản thân mình cần phải cố gắng hơn nữa để giúp đỡ các con.
"Tôi nhớ mãi những ngày đầu lên lớp, các con thấy cô lạ nên rất sợ, nép hết vào góc tường, nắm lấy tay nhau, mặt cúi xuống tránh cô. Nhưng chỉ sau vài ngày tiếp xúc và gần gũi, các con đã thân thiết và xà vào lòng tôi để trò chuyện. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Có những đợt đầu năm đi vận động các bạn học sinh đi học. Bọn trẻ cứ nhìn thấy cô giáo là trèo hết lên cây. Sau này thì các con không còn e ngại nữa. Thấy các cô đến là vui vẻ, chạy ra chào cô. Những ngày Tết hay 20/11, các con hái hoa rừng mang tặng thầy cô. Chúng tôi xúc động lắm", cô Hạnh chia sẻ.
Khó khăn đối với cô Hạnh không chỉ bởi việc nuôi dưỡng và dạy dỗ trẻ trong điều kiện còn thiếu thốn, đồng lương còn ít ỏi, hay đường sá đi lại khó khăn mà còn do nhận thức. Đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chưa quan tâm nhiều đến việc học tập của con em mình. Để các em được đến trường, cô Hạnh đã vất vả đến từng nhà để vận động phụ huynh cho trẻ đến trường. Có nhiều em ngày ngày phải theo mẹ lên nương, giờ đã được đến trường để chung vui cùng bạn bè.
Sau những nỗ lực không ngừng, bản thân cô Hạnh không chỉ thích nghi với vùng cao, hẻo lánh mà còn gắn bó với môi trường dạy trẻ này. Cô chỉ có một ước nguyện làm sao cho những đứa trẻ người Mông ở bản được lớn lên khỏe mạnh, biết đánh vần, ghép chữ, được tiếp tục học lên lớp 1 và có một tương lai sáng.
Giờ đây, cô Vương Thúy Hạnh đã không còn có ý định rời đi, bởi cô nghĩ một điều đơn giản rằng, nếu "ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai", chỉ mong những đứa trẻ này đều được đến trường, được chăm sóc, dạy dỗ chu đáo ngay từ đầu để có cuộc sống tương lai tốt đẹp hơn.
Nỗ lực của cô đã tiếp thêm niềm tin, sức mạnh, góp sức cùng tập thể Trường Mầm non Bản Phùng hoàn thành tốt nhiệm vụ, từng ngày bám vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để truyền dạy con chữ cho thế hệ tương lai.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn