Cho đến hiện tại, vẫn chưa có phương pháp điều trị nào có thể chữa khỏi hoàn toàn hen phế quản. Việc điều trị bệnh chủ yếu nhằm mục đích điều trị các triệu chứng của bệnh, giảm tần suất tái phát cơn hen và kiểm soát tiến triển của bệnh.
Những phương pháp điều trị hen phế quản chính được sử dụng hiện nay:
Thay đổi môi trường sống và làm việc có ý nghĩa rất lớn trong điều trị hen phế quản. Người bệnh có thể bị kích thích khởi phát cơn hen bởi các tác nhân trong môi trường sống, làm việc như bụi, phấn hoa, hóa chất, khí hậu,...
Do đó, việc thay đổi môi trường sống và làm việc có thể giúp bệnh nhân ngăn ngừa rất tốt sự tái phát các cơn hen.
Điều trị hen phế quản bằng thuốc là phương pháp thường được sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Các thuốc điều trị hen phế quản được bào chế ở nhiều dạng khác nhau (dạng hít, dạng viên uống hoặc dạng thuốc tiêm), tùy thuộc vào mức độ, biểu hiện bệnh và tình trạng cụ thể của người bệnh mà bác sĩ sẽ có quyết định hình thức sử dụng thuốc thích hợp.
Thuốc hít là các thuốc thường được sử dụng trong điều trị hen phế quản. Ưu điểm của thuốc hít đó là cho hiệu quả nhanh chóng do thuốc được đưa trực tiếp vào đường hô hấp nên tiếp xúc tốt với niêm mạc phế quản, hạn chế được các tác dụng phụ toàn thân do là thuốc sử dụng đường tại chỗ.
Những nhóm thuốc hít điều trị hen phế quản thường được dùng trên bệnh nhân hen bao gồm các thuốc chẹn Beta giao cảm giúp giảm các triệu chứng của hen, và các thuốc corticoid để làm giảm tính nhạy cảm của phế quản với các tác nhân kích thích khởi phát cơn hen. Các chế phẩm thuốc hít có thể chỉ chứa đơn độc một hoạt chất nhưng cũng có thể kết hợp nhiều hợp nhiều hoạt chất.
Đối với các trường hợp cơn hen phế quản nhẹ thì thì thuốc hít có thể được sử dụng đơn độc để điều trị, tuy nhiên đối với các cơn hen trung bình hoặc nặng thì thuốc hít nên được kết hợp với các thuốc uống.
Đối với các bệnh nhân cơn hen nhẹ mà không có sẵn thuốc hít và những bệnh nhân cơn hen trung bình hoặc nặng thì việc sử dụng thuốc uống là cần thiết. Những loại thuốc uống điều trị hen phế quản thường được sử dụng cho bệnh nhân trên lâm sàng bao gồm:
- Thuốc kháng thụ thể leukotrien: Phòng chống tái phát hen.
- Theophylline: Phòng chống tái phát hen.
- Corticoid: Điều trị triệu chứng hen phế quản và ngăn ngừa tái phát hen.
Nhìn chung do sử dụng bằng đường uống nên các thuốc điều trị hen phế quản loại thuốc uống buộc phải đi vào hệ tuần hoàn để đến cơ quan đích giúp phát huy các tác dụng dược lý của nó. Vì vậy khi sử dụng thuốc uống trong điều trị hen phế quản thì nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ toàn thân trên bệnh nhân cũng cao hơn rất nhiều so với các thuốc phun, hít.
Không được sử dụng phổ biến như các loại thuốc hít hay thuốc uống trong điều trị hen phế quản, nhưng trong một số trường hợp bệnh nhân hen nặng thì bác sĩ có thể sẽ tiêm một số loại thuốc cho người bệnh để điều trị. Chẳng hạn có thể kể đến như benralizumab, omalizumab, mepolizumab, reslizumab.
Tuy nhiên do có nhiều tác dụng phụ và không phải người bệnh nào cũng đáp ứng với các thuốc tiêm như trên nên chỉ định sử dụng thuốc tiêm cho bệnh nhân hen khá hạn chế.
Để điều trị hen phế quản cho bệnh nhân, phẫu thuật cũng là một trong các phương pháp có thể được lựa chọn sử dụng. Bệnh nhân sẽ được gây mê và đưa một dụng cụ chuyên dụng dạng ống nhỏ vào đường thở đến các phế quản, sau đó người ta sẽ sử dụng nhiệt để tác động lên phế quản người bệnh để điều trị các triệu chứng của hen và phòng ngừa hen tái phát.
Các thống kê cho thấy, phẫu thuật trong điều trị hen phế quản mang lại hiệu quả điều trị khá tốt và ít gây nên các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Bên cạnh các phương pháp điều trị hen phế quản như đã kể trên, hiện nay có một số phương pháp khác nhau cũng được đề xuất để điều trị cho bệnh nhân hen phế quản như các bài tập thở, hỗ trợ điều trị hen phế quản bằng đông y (thảo dược, châm cứu,...), bổ sung chế độ dinh dưỡng,...
Tuy nhiên vẫn chưa có bằng chứng cụ thể về tác dụng của các phương pháp này trong điều trị hen phế quản.
Trên đây là giới thiệu sơ lược về các phương pháp điều trị hen phế quản có thể được sử dụng hiện nay. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả điều trị, người bệnh không được tự ý áp dụng các phương pháp điều trị hen khi chưa có chỉ định từ bác sĩ.
Nguồn dịch: https://www.nhs.uk/conditions/asthma/treatment/
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn