Chen chúc "cướp" ấn ở đền Trần. |
Mặc dù lễ khai ấn đền Trần (Nam Định) đã dự liệu có hàng vạn du khách thập phương đến dự lễ khai ấn và phát ấn đền Trần (lễ khai ấn được tổ chức vào đêm ngày 14 tháng Giêng và lễ phát ấn được bắt đầu từ 5h30 ngày 15 tháng Giêng 22/2) do thời điểm tổ chức lễ khai ấn trùng vào các ngày nghỉ và Ban tổ chức huy động 2.000 người thuộc các ngành chức năng tham gia bảo vệ, giữ gìn trật tự an toàn, thế nhưng cảnh hỗn loạn và việc chen lấn xô đẩy, trèo hàng rào, cướp đồ lễ và tranh giành ấn vẫn diễn ra không khác gì các năm trước.
Nhiều người đã leo trèo, giẫm đạp lên nhau để xông vào trong bàn thờ nội cung cướp lộc. Tất cả những gì trên bàn thờ như bông hoa, gói bánh, trái cây, kể cả những miếng xốp cũng đều bị người dân hò hét lao tới cướp sạch.
Chia sẻ về điều này, PGS. TS Trịnh Hoà Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) - cho biết, việc người dân chen lấn, tranh giành lấy ấn không chỉ mất đi nét đẹp truyền thống mà còn có phần phản văn hoá. Ông Trịnh Hòa Bình cho biết thêm: “Ngày xưa, ấn được ban phát. Bây giờ tập tục này đã bị biến tướng nên mới có cảnh tranh cướp nhau như thế. Càng ngày người dân tự thêu dệt nên chứ không phải là tập tục. Ngày xưa không phải ai cũng được nhận lá ấn, mà chỉ quan mới có. Có phải ai cũng là quan chức đâu mà lấy ấn”.
Cảnh náo loạn chỉ diễn ra từ nửa đêm 14 tháng Giêng (lúc tổ chức lễ khai ấn) và đầu giờ sáng 15 tháng Giêng (thời điểm tổ chức phát ấn), sau đó, việc phát ấn trở nên bình thường, không có nhiều khách thập phương tham dự. Anh Lê Xuân Sơn (Đống Đa, Hà Nội) đến đền Trần xin ấn đầu năm cho biết: “Hôm nay, tôi cùng gia đình về đây nhưng thời điểm tôi xin vào lúc 10h sáng cũng không quá khó khăn, không có hiện tượng giành giật, chen lấn xô đẩy nữa. Tôi vẫn xin được cho mỗi thành viên một tờ ấn đền Trần như mọi người. Không hiểu sao, mọi người cứ phải chen nhau vào sáng sớm để giành giật làm gì”.
10h sáng 15 tháng Giêng, đền Trần khá trật tự, thông thoáng. |
Theo Ban tổ chức, lễ phát ấn sẽ được tổ chức từ 5h30 ngày 15 tháng Giêng cho đến hết tháng Giêng. Tuy nhiên, nhiều người dân cho rằng, chỉ vào thời điểm tổ chức khai ấn và phát ấn thì “ấn” mới thiêng. Vì vậy, nhiều người đã đi theo phong trào và cố giành giật bằng được lộc hoặc ấn để được “may hơn”. Theo các nhà nghiên cứu dân gian, giá trị của của việc nhận ấn như nhau ở mọi thời điểm chứ không phải như nhiều người vẫn nghĩ là nhất thiết là vào một khung giờ nhất định. Việc tranh cướp giành giật rất phản cảm, thể hiện thói vị kỷ, háo danh, thích hơn người.