Cổ phần hóa và thoái vốn DNNN: Đến hạn lại... khất

12:04 | 28/03/2019;
Dù tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong giai đoạn 2017 – 2018 vẫn chậm chạp thì mới đây, hàng loạt DNNN vẫn gửi văn bản xin được tiếp tục lùi thời hạn.
Tại cuộc họp báo chuyên đề về tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp diễn ra sáng 28/3, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), cho biết tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước còn chậm, chưa đạt kế hoạch đề ra.
 
Nguyên nhân khiến doanh nghiệp chật vật thoái vốn, cổ phần hóa nhà nước trong hai năm qua, theo lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp, do vướng mắc đất đai, tài chính nên cần thời gian để xử lý.
 
img_20190328_091336.jpg
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc triển khai cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp còn rất chậm, chưa đạt kế hoạch đề ra.

 

Mặt khác, tỉ lệ vốn nhà nước trong phương án cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn cao dẫn đến giảm sức hút đối với các nhà đầu tư trong mua cổ phần. Bên cạnh đó, có những dự án thua lỗ, khó khăn nên nhà đầu tư không mua. Chẳng hạn, Tổng công ty Giấy đấu giá 3-4 lần nhưng không có nhà đầu tư tham gia, hay Tổng công ty Thép thoái vốn tại dự án Thép Thái Nguyên nhưng nhà đầu tư không mặn mà.
 
“Nhìn tổng thể, công tác cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước sẽ rất áp lực trong năm nay và năm sau vì những doanh nghiệp chưa cổ phần hóa, thoái vốn trong năm 2017, 2018 sẽ phải được chuyển sang để thực hiện trong năm nay và năm 2020. Do dó, nếu không có biện pháp quyết liệt thì sẽ không thể thực hiện được kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn như chính phủ đặt ra giai đoạn 2016- 2020”, ông Tiến nói.
 
Theo ông Tiến, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm được thì việc quan trọng nhất là phải đảm bảo pháp luật, công khai minh bạch và theo tín thị trường. “Nếu đấu giá mà thị trường trả 10 đồng thì không thể đòi 20 đồng được. Thị trường trả giá nào thì phải bán giá đó. Còn việc đầu tư gây thất thoát thua lỗ thì người quyết định đầu tư sẽ phải chịu trách nhiệm”, ông Tiến cho hay.
 
Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong năm 2018, đã có 23 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 31.706 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 16.739 tỷ đồng. Tổng vốn điều lệ theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt là 20.278 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 12.118 tỷ đồng, bán cho nhà đầu tư chiến lược 2.540 tỷ đồng, đấu giá công khai 5.429 tỷ đồng, số còn lại bán cho người lao động là 179 tỷ đồng và tổ chức công đoàn 7 tỷ đồng.
 
Lũy kế giai đoạn 2016 – 2018, đã có 159 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 442.275 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 206.024 tỷ đồng. Năm 2018 đã có 28 doanh nghiệp thực hiện bán cổ phần lần đầu với giá trị cổ phần bán ra là 13.950 tỷ đồng, thu về 21.827 tỷ đồng.
 
Về thoái vốn, năm 2018, các doanh nghiệp đã thoái được 8.640 tỷ đồng, thu về 19.618 tỷ đồng, trong đó thoái vốn nhà nước tại 54 doanh nghiệp đạt giá trị 1.707 tỷ đồng, thu về 3.327 tỷ đồng, thoái vốn nhà nước tại 3 doanh nghiệp không thuộc danh sách tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg có giá trị 334 tỷ đồng, thu về 404 tỷ đồng. Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước thực hiện thoái 6.598 tỷ đồng, thu về 15.887 tỷ đồng. Như vậy, lũy kế giai đoạn 2016 – 2018, cả nước đã thoái được 22.064 tỷ đồng, thu về 165.956 tỷ đồng.
 
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc triển khai cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp còn rất chậm, chưa đạt kế hoạch đề ra.
 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn