Cơ quan điều tra kiến nghị HĐXX có ý kiến với Bộ và Sở Y tế để... thấy rõ trách nhiệm

18:14 | 10/07/2018;
Cơ quan CSĐT cho rằng, nội dung của hai công văn Bộ Y tế gửi không có mâu thuẫn về nội dung. Tuy nhiên, việc chậm ban hành quy trình chạy thận của Bộ cũng như buông lỏng quản lý của Sở Y tế Hòa Bình đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Cơ quan CSĐT kiến nghị HĐXX có ý kiến với Bộ Y tế và Sở Y tế Hòa Bình để thấy rõ trách nhiệm và khắc phục tình trạng trên.
 Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình vừa có kết luận điều tra bổ sung vụ án Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và Vô ý làm chết người, xảy ra tại BV Đa khoa Hòa Bình ngày 29/5/2017.
Trước đó, ngày 5/6, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, trong đó có xem xét trách nhiệm của Bộ Y tế đối với việc ban hành công văn số 4342/BYT-PC ngày 2/8/2017 gửi cơ quan CSĐT và công văn số 2322/BYT-PC ngày 17/4/2018 gửi Công ty TNHH thực hành luật Nguyễn Chiến có nội dung mâu thuẫn về quy trình xét nghiệm mẫu nước RO theo tiêu chuẩn AAMI.
HĐXX cũng yêu cầu xem xét chủ trương xã hội hóa của Bộ Y tế trong việc cho phép các cơ sở y tế công lập thực hiện liên doanh, liên kết mua sắm thiết bị phục vụ cho hoạt động dịch vụ có đúng quy định hay không. Trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc chậm ban hành các văn bản pháp quy hướng dẫn quy trình kỹ thuật thận nhân tạo trong đó có quy trình kỹ thuật và kiểm soát chất lượng nước RO.
HĐXX cũng đề nghị xem xét trách nhiệm của Sở Y tế Hòa Bình trong việc cấp phép, quản lý, thanh tra, giám sát các hoạt động của BV đa khoa Hòa Bình trong đó có hoạt động chạy thận nhân tạo.
Về nội dụng này, kết luận điều tra bổ sung nêu:
Đối với Bộ Y tế: Việc ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) thừa lệnh Bộ trưởng Bộ Y tế ký, ban hành công văn số 4342/BYT-PC ngày 2/8/2017 và công văn 2322/BYT-PC ngày 27/4/2018 là đúng thẩm quyền. Hai công văn trên không có mâu thuẫn và quan điểm này đã được đại diện Bộ Y tế tham dự phiên tòa trả lời HĐXX.
Chủ trương xã hội hóa là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước được quy định tại nhiều văn kiện, Nghị quyết của Đảng; được thể chế tại một số Luật, Nghị quyết của Quốc Hội, Chính phủ về khuyến khích xã hội hóa tự chủ, hợp tác công.
1_177149.jpg
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế tại phiên tòa sơ thẩm

 Kỹ thuật thận nhân tạo là kỹ thuật thường quy ở các tuyến. Từ năm 2000, Bộ Y tế đã xây dựng Quy trình kỹ thuật thận nhân tạo, trong đó có quy trình kỹ thuật lọc máu cấp cứu, quy trình kỹ thuật lọc máu chu kỳ ban hành kèm theo Quyết định số 4590/2000 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Năm 2004, Bộ Y tế tiếp tục ban hành Hướng dẫn quy trình kỹ thuật rửa và sử dụng quả lọc thận nhân tạo. Năm 2014, Bộ Y tế ban hành tài liệu hướng dẫn quy trình kỹ thuật nội khoa, chuyên khoa, chuyên ngành thận tiết niệu, trong đó có lọc máu bằng thận nhân tạo. Ngày 13/4/2018, Bộ Y tế tiếp tục ban hành tài liệu hướng dẫn quy trình kỹ thuật thận nhân tạo với 52 quy trình kỹ thuật chi tiết.

Trên thực tế, việc xây dựng, ban hành các quy trình nằm trong kế hoạch tổng thể, theo tiến độ thời gian. Các kỹ thuật trước khi có quy trình đều có các tài liệu khoa học, các hướng dẫn quốc tế, các tài liệu đào tạo. Vì vậy, thời điểm hoàn thiện và bổ sung cập nhật các quy trình không ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện kỹ thật thận nhân tạo của các cơ sở y tế mà  chỉ hoàn thiện và nâng cao chất lượng.
Cơ quan CSĐT cho rằng, nội dung của hai công văn Bộ Y tế gửi không có mâu thuẫn về nội dung và người ký ban hành đúng thẩm quyền. Tuy nhiên, cho đến khi xảy ra sự cố Bộ chưa ban hành hướng dẫn quy trình thận Nhân tạo đầy đủ để áp dụng thực tiễn. Do đó, không có trình kiểm soát và đảm bảo chất lượng nước RO. Ngoài ra, Hệ thống lọc nước RO được coi là thiết bị y tế nhưng cho đến nay Bộ chưa có văn bản nào hướng dẫn hoặc quuy định cụ thể về chủ thể nào đó đủ điều kiện sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế hệ thống lọc nước RO cho chạy thận. Tất cả các điều đó gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng điều trị cho bệnh nhân lọc máu kỹ thuật thận nhân tạo.
Từ các nội dung trên, Cơ quan CSĐT đề nghị Hội đồng xét xử có kiến nghị đối với Bộ Y tế để thấy rõ trách nhiệm và khắc phục tình trạng trên.
Đối với Sở Y tế Hòa Bình: Kết quả điều tra bổ sung cho thấy, Sở đã thực hiện vai trò, chức năng quản lý chỉ đạo đối với BV trong tỉnh. Tuy nhiên, đối với hoạt động lọc máu của Đơn nguyên thận nhân tạo của BV Đa khoa Hòa Bình thì Sở chưa sâu sát. Để xảy ra tình trạng từ năm 2015 đến 2017, Giám đốc BV không có quyết định phân công cá nhân phụ trách đơn nguyên; không có quyết định giao việc quản lý, sử dụng hệ thống lọc nước RO cho cá nhân cụ thể; việc sử dụng hệ thống RO dùng trong lọc máu tùy tiện dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
1_52245.jpg
Các bị cáo trong phiên tòa sơ thẩm vụ án "Vô ý làm chết người" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng"

 

Trong sự việc trên, Sở Y tế có phần trách nhiệm trong công tác quản lý, chỉ đạo đối với hoạt động của BV. Do đó, Cơ quan CSĐT kiến nghị HĐXX kiến nghị đối với Sở Y tế để thấy rõ trách nhiệm và khắc phục tình trạng nêu trên.
Như PNVN đã thông tin, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình đã có kết luận điều tra bổ sung vụ án “Vô ý làm chết người” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại BV Đa khoa Hòa Bình làm 9 người chết ngày 29/5/2017.
Căn cứ kết luận điều tra bổ sung, Cơ quan CSĐT đã quyết định: Chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án và Bản kết luận điều tra bổ sung đến Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Hòa Bình để truy tố bị can Bùi Mạnh Quốc tội “Vô ý làm chết người”, theo khoản 2, điều 98, Bộ luật Hình sự năm 1999.
Đề nghị truy tố các bị can: Trần Văn Sơn, Hoàng Công Lương, Trần Văn Thắng, Hoàng Đình Khiếu về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, theo khoản 2, điều 285, Bộ luật Hình sự năm 1999, nay là khoản 3, điều 360, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Còn ông Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc BV Đa khoa Hòa Bình Dương phải chịu trách nhiệm hành chính liên đới khi để xảy ra sự cố.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn