Trong cuộc bầu cử vào ngày 15/7/2024, với việc giành được 99,18% số phiếu bầu, ông Paul Kagame đã tái đắc cử Tổng thống Rwanda. Đây là nhiệm kỳ thứ 4 của ông Kagame.
Tỷ lệ nữ nghị sĩ của Rwanda hiện tăng lên 61,3% (với 49/80 ghế do phụ nữ nắm giữ). "Phụ nữ tin vào cơ hội của mình. Vì vậy, họ tham gia các hoạt động chính trị với số lượng lớn. Vấn đề giới được quan tâm trong tất cả các luật về gia đình, ngân sách… mà chúng tôi xem xét", nghị sĩ 57 tuổi Emma Rubagumya Furaha, người chủ trì Ủy ban chính trị và giới của Rwanda, cho biết.
Nhìn lại lịch sử, từ năm 2008, Rwanda đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có tỷ lệ nữ nghị sĩ cao hơn tỷ lệ nam nghị sĩ. Đây là một điều kỳ diệu ở một quốc gia châu Phi từng có nhiều hủ tục, quy định bất công đối với phụ nữ.
Cuộc diệt chủng năm 1994 từng được coi là nỗi đau không thể nguôi ngoai của người dân Rwanda. Sau khi cuộc tàn sát kết thúc, phụ nữ Rwanda chiếm tới 80% dân số nước này. Để tái thiết đất nước, những người phụ nữ Rwanda đã tham gia đời sống chính trị và nắm giữ nhiều vị trí quan trọng.
Khi phụ nữ làm việc ở cơ quan lập pháp, hàng loạt chính sách bảo đảm bình đẳng giới đã được thực hiện tại Rwanda như bãi bỏ các điều luật phân biệt giới tính, đảm bảo quyền được đi học của trẻ em gái, quyền được đối xử bình đẳng như nam giới ở mọi chính sách phúc lợi…
Do tỷ lệ nữ nghị sỹ cao và lập trường mạnh mẽ của Tổng thống Paul Kagame về trao quyền cho phụ nữ, Rwanda đã ban hành một loạt luật và quy định nhằm thúc đẩy quyền của phụ nữ. Khi ông Paul Kagame được bầu làm Tổng thống năm 2000 và lãnh đạo đất nước, Hiến pháp mới của Rwanda được thông qua vào năm 2003 đã quy định rằng 30% số ghế trong Quốc hội được dành cho phụ nữ.
Trong cuộc bầu cử năm 2003, có 48% số ghế trong Quốc hội nước này thuộc về phụ nữ. Trong cuộc tổng tuyển cử năm 2008, nữ giới chiếm 55% số ghế trong Quốc hội và 50% trong nội các. Phụ nữ cũng nắm giữ ghế Chánh án Tòa án tối cao và Chủ tịch Quốc hội Rwanda. 4 trong số 7 thẩm phán Tòa án tối cao của quốc gia này là phụ nữ.
Chính phủ Rwanda dưới thời Tổng thống Paul Kagame luôn nhấn mạnh vai trò của phụ nữ đối với sự phát triển của đất nước. Phụ nữ và trẻ em gái được tiếp cận giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Một Bộ về vấn đề phụ nữ và giới đã được thành lập, nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong đời sống chính trị.
Nhiều phụ nữ Rwanda đã trở thành bộ trưởng, thẩm phán và giám đốc các tập đoàn lớn. Hầu hết đều nổi tiếng về tính kỷ luật, sự cần mẫn. Cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác Louise Mushikiwabo, hiện là Tổng thư ký của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ, là hình mẫu truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ trẻ.
"Điều cần thiết là kỹ năng và mong muốn phục vụ đất nước", bà Paula Ingabire, Bộ trưởng Bộ Công nghệ thông tin và truyền thông, cho biết. Tốt nghiệp Học viện Công nghệ Massachusetts danh tiếng, nơi bà Paula Ingabire theo học bằng học bổng của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công nghệ thông tin và truyền thông hiện là một trong những nhân vật được săn đón ở Rwanda.
Người phụ nữ ngoài 40 tuổi này có khả năng giới thiệu thế mạnh của đất nước về trí tuệ nhân tạo, máy bay không người lái và các công nghệ tiên tiến khác chỉ trong vài phút.
86% phụ nữ Rwanda tham gia lực lượng lao động. Đây là một trong những tỷ lệ cao nhất thế giới. Rwanda đang trong giai đoạn phát triển mạnh về số lượng doanh nghiệp và hợp tác xã do phụ nữ làm chủ. Các doanh nghiệp như Question Coffee, Women's Bakery, Trung tâm Phụ nữ Nyamirambo và Viện Phụ nữ Akilah đều đang tạo ra một thế hệ doanh nhân nữ mới.
Trong nỗ lực tăng số lượng phụ nữ tham gia lực lượng lao động, Chính phủ Rwanda đã sử dụng mạng lưới của mình để sàng lọc những ứng viên tốt nhất, bao gồm cả những người di cư.
"Chúng tôi khuyến khích những người có trình độ cao trở về quê hương làm việc", Yolande Makolo, người phát ngôn của Chính phủ, nói. Bản thân bà Makolo đã sống ở Canada trong 10 năm (từ năm 1993 đến năm 2003). Chị gái bà, Yvonne Makolo, hiện điều hành hãng hàng không quốc gia RwandAir.
Bà Diane Karusisi là Tổng giám đốc Ngân hàng Kigali, ngân hàng hàng đầu của Rwanda. Dẫu học tập và làm việc tại Thụy Sĩ, bà đã trở về quê hương vào năm 2009 khi được nhà nước tuyển dụng. 6 trong số 11 ngân hàng của đất nước này hiện do phụ nữ điều hành.
Còn bà Soraya Hakuziyaremye, Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Rwanda, cũng bắt đầu sự nghiệp tài chính của mình ở Bỉ, sau đó là Pháp, trước khi trở về quê hương năm 2012. Bà Hakuziyaremye được giao nhiệm vụ đặt nền móng cho một nền ngoại giao kinh tế mới. Năm 2018, bà làm Bộ trưởng Thương mại trước khi làm việc tại Ngân hàng Trung ương Rwanda.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn