Chiều nay 9/7, Hội đồng tiền lương Quốc gia họp lần thứ 1 để các bên đại diện gồm cơ quan quản lý nhà nước, chủ doanh nghiệp, đại diện người lao động thỏa thuận điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2019.
Trả lời báo giới bên lề cuộc họp về cơ sở nào để đề xuất không tăng lương tối thiểu, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết: “Nhiều năm qua, năm nào chúng ta cũng đã tăng lương tối thiểu. Đề xuất năm tới không tăng để nâng đỡ sức cho doanh nghiệp”. Qua đó, doanh nghiệp để nguồn kinh phí đó cơ cấu lại, đào tạo lại cho người lao động.
Theo ông Phòng, hầu hết các doanh nghiệp trong, ngoài nước đều đề nghị không tăng lương tối thiểu vùng, để doanh nghiệp có chi phí đào tạo năng lực tay nghề cho người lao động, đáp ứng yêu cầu công việc, trong đó bao hàm cả việc tăng năng suất lao động.
Còn phía đại diện người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐ)cho biết đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 là 8%, tương đương tăng từ 220 đến 330 nghìn đồng. Theo ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch TLĐLĐ Việt Nam, mức đề xuất này mới đáp ứng được 95,4% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.
Đặc biệt, theo khảo sát của TLĐLĐ Việt Nam, đời sống đa số người lao động còn gặp nhiều khó khăn với thu nhập cơ bản hiện nay. Thu nhập thấp, họ phải chịu mức chi phí sinh hoạt, tiền nhà, tiền điện nước, tiền mua lương thực thực phẩm tăng liên tục.
Ông Mai Đức Chính nhấn mạnh: “Từ 1/7, Chính phủ đã điều chỉnh tăng gần 7% mức lương cơ sở, lương hưu của công chức, viên chức. Ngân sách Nhà nước đang khó khăn nhưng vẫn chấp nhận điều chỉnh tăng. Do đó, doanh nghiệp cũng phải tính toán việc điều chỉnh tăng ít nhất cũng phải bằng mức đó”.
Theo kết quả khảo sát của TLĐLĐ Việt Nam, người lao động bức xúc nhất về lương thấp, không có các khoản phụ cấp, chiếm 25,7%. Trong đó, tỷ lệ bức xúc cao nhất là ở vùng III (31%); tiếp đó là trả lương không đúng với sức lao động bỏ ra (7%). |