Tại khoa Tai mũi họng gần đây đã tiếp nhận trường hợp của chị Nguyễn Thu Trang (Q.Hoàng Mai, Hà Nội) vào viện vì tai chảy nhiều dịch và ngứa ngáy ở tai. Qua thăm khám, bác sỹ chẩn đoán chị Trang bị viêm ống tai và nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do thói quen ngoáy tai hàng ngày của chị.
Theo lời kể của chị Trang, hàng ngày, cứ tắm xong, bao giờ chị cũng ngoáy tai, nếu không sẽ cảm thấy rất khó chịu. Đặc biệt, vì ngoáy tai khiến chị có cảm giác dễ chịu nên nhiều lúc rảnh, chị cũng lấy bông để ngoáy tai. Nhất là thời gian gần đây, chị Trang thường xuyên có cảm giác tai bị ngứa và chị thường phải ngoáy mạnh cho bông cọ xát vào trong ống tai mới đỡ ngứa. Chị không ngờ, việc ngoáy tai như vậy đã khiến mình bị viêm ống tai.
Đáng lưu ý, theo PGS. TS Lê Công Định, trường hợp như của chị Trang không phải là hiếm. Đã có những bệnh nhân phải nhập viện sau nhiều ngày bị ù tai. Càng bị ù, bệnh nhân càng dùng tăm bông để ngoáy, hậu quả tai càng ngày càng bị ù thêm. Khi vào viện thì ống tai đã bị chảy máu, rách màng nhĩ. Rất may, bệnh nhân sau đó được điều trị kịp thời nên tránh được nguy cơ điếc.
Ngoáy tai có thể dẫn tới điếc, nhiễm trùng não
PGS.TS Lê Công Định cho biết, tai ngoài của chúng ta giống như cái ống và đáy của cái ống được bịt bởi một lớp màng, gọi là màng nhĩ. Da của ống tai được sinh ra bởi thượng bì của màng nhĩ mọc từ phía trong ra phía bên ngoài. Khi mọc ra phía bên ngoài, phần da này đẩy ráy tai ra cửa tai.
Ráy tai thật ra là do các tuyến của da trong ống tai ngoài tiết ra. Nó tạo môi trường axit làm cho tai khô. Chính nhờ vậy, vi khuẩn trong tai không phát triển được.
Việc lấy ráy tai sẽ làm da trong ống tai bị tổn thương, đồng thời làm cho môi trường axit và sự khô ráo trong ống tai không còn lý tưởng nữa. Như vậy, sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn dễ phát triển.
Hơn nữa, việc lấy ráy tai hàng ngày vô tình đưa vi khuẩn vào tai vì dụng cụ lấy ráy tai không được sạch sẽ nên càng lấy nhiều càng ngứa gây nên vòng xoáy “ngứa-ngoáy” và “càng ngoáy càng ngứa”.
Đó là chưa kể việc ngoáy tai sẽ khiến lớp ráy tai bị đẩy sâu vào phía trong ống tai đến giới hạn hết ống tai ráy tai bít tắc. Hoặc, việc ngoáy tai làm trầy da ống tai sẽ làm phản ứng viêm, sưng da. Phản ứng viêm đó làm ống tai hẹp lại, ráy tai bị ứ đọng phía bên trong, không ra ngoài được. Khi ráy tai tiết ra càng nhiều mà không có đường thoát ra sẽ dồn lấn vào trong, làm thủng màng nhĩ.
Màng nhĩ thủng, bể có khuynh hướng ăn vào trong, làm cho vi trùng từ bên ngoài vào trong tai gây viêm tai giữa rất nguy hiểm.
Ống tai cách sàn sọ (màng não) chỉ có 3mm. Khi tình trạng nhiễm trùng trong ống tai xảy ra, nhất là ở người lớn tuổi, suy giảm miễn dịch, tiểu đường... thì nhiễm trùng có thể ăn lên tới não, gây chết người.
Do đó, PGS. TS Lê Công Định khuyến cáo, với người có ống tai bình thường không cần ngoáy tai vì cơ chế làm sạch của cơ thể sẽ tự đẩy ráy tai ra ngoài. Nếu có biểu hiện nghe kém, nghễnh ngãng... cần đi khám sớm. Trường hợp ráy tai nhiều cũng cần có bác sĩ chuyên khoa lấy ra vừa an toàn, vừa đảm bảo không nhiễm trùng. Tuyệt đối, không được tự ý lấy ráy tai dù đó là ráy tai khô hay ướt.