Có thể kiện PCT Hà Tĩnh nếu biển Vũng Áng nhiễm độc

18:03 | 27/04/2016;
Giữa lúc cá chết dọc biển miền Trung do nghi nước nhiễm độc từ KCN Vũng Áng (Hà Tĩnh), một Phó Chủ tịch tỉnh này tuyên bố hải sản có thể ăn, biển có thể tắm. Theo luật sư Nguyễn Anh Tuấn, nếu sau này có kết luận biển nhiễm độc, có thể kiện vị này.

Chiều 23/4, trả lời báo chí về việc có nên tiếp tục sử dụng cá biển, tắm biển ở những vùng nước không còn xảy ra hiện tượng cá chết, ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, nói: Hiện tại các lồng bè đang nuôi trồng thủy sản ở Vũng Áng (Hà Tĩnh) nhiều loại thủy, hải sản vẫn sinh trưởng bình thường. Những loại hải sản như: mực, tôm, cua cá vẫn đang sống thì người dân có thể ăn được. Ngoài ra, người dân cũng có thể yên tâm tắm biển ở các vùng biển này

a1.jpg
Ông Đặng Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh (Người đeo kính): "Người dân cũng có thể yên tâm tắm biển ở các vùng biển này".

Ngay sau phát biểu của ông Sơn, cư dân mạng nói riêng và người dân cả nước nói chung đã phản ứng dữ dội.

Đa phần các ý kiến nói câu trả lời trên là rất thiếu trách nhiệm, qua loa và hời hợt. Hàng nghìn độc giả cho rằng, trong khi chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân cá biển chết hàng loạt thì một trong những lãnh đạo đứng đầu tỉnh Hà Tĩnh không thể phát ngôn một cách chủ quan như vậy.

Thậm chí, ngay sau phát biểu của ông Sơn, có người dân đã gọi điện mời ông Sơn và gia đình vào Vũng Áng tắm biển, ăn hải sản. Độc giả này cũng khẳng định mỗi ngày sẽ gửi cho gia đình ông Sơn một vài kg hải sản bắt ở vùng biển Vũng Áng để gia đình ông Sơn sử dụng, nếu ông đồng ý.

Tuy nhiên, “nhã ý” của độc giả này đã bị ông Sơn từ chối!

a6.jpg
Một thợ lặn ở vùng biển Vũng Áng

Chỉ sau lời phát biểu “gây bão” nói trên của ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh vài ngày, đã có một thợ lặn làm việc ở khu Vũng Áng chết bất thường và một số thợ lặn khác phải nhập viện.

Cụ thể, chiều 25/4, một thợ lặn của công ty Nibelc (nhà thầu phụ cho công ty Sam Sung C&T VN) đã tử vong.

Bác sĩ Thái (Bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Bình), xác nhận: Anh Lê Văn Ngày (quê Khánh Hòa) nhập viện vào khoảng 18h 45 phút ngày 25/4 khi đã tử vong. Qua lời những người đi cùng anh Ngày, anh bị lên cơn co giật khi đang ngồi chơi cùng các anh em công nhân khác.

Được biết, anh Ngày cùng nhóm công nhân là thợ lặn làm việc cho Công ty CP Xây dựng và Cung ứng lao động quốc tế Nibel. Đây cũng là doanh nghiệp chuyên cung ứng lao động cho dự án tại công trường Formosa thuộc KCN Vũng Áng, Hà Tĩnh.

Còn theo đại diện công ty Nibelc (nhà thầu phụ cho công ty Sam Sung C&T VN), ngoài ông Ngày còn có 5 thợ lặn khác của công ty Nibelc phải đi kiểm tra sức khoẻ sau khi có những dấu hiệu không bình thường…

Ngoài những thợ lặn trên, còn có một số người khác là ngư dân ở huyện Kỳ Anh cũng đã phải vào viện khám vì có những biểu hiện bất thường sau khi lặn ở khu vực Vũng Áng.

anh2.jpg
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn.

Phát ngôn trên của ông Đặng Ngọc Sơn, PCT UBND tỉnh Hà Tĩnh, ngoài việc gây bức xúc trong dư luận, nếu nhìn nhận dưới góc độ pháp lý có thể dẫn tới những hệ lụy với ông Sơn nếu thực tế không như ông nói. 
Trao đổi với PV Báo PNVN về việc: Nếu sắp tới, cơ quan chức năng kết luận nguyên nhân dẫn đến cái chết và bệnh tật của các thợ lặn có liên quan đến việc nước biển ở Vũng Áng nhiễm độc. Vậy thì thân nhân và bản thân các thợ lặn nói trên có thể khởi kiện ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn vì đã khuyến khích họ lặn biển như vị PCT này đã nói ở trên không? 

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), cho biết:

Theo quy định tại khoản 2, Điều 90, khoản 2, 4,5, Điều 91 của Luật tổ chức HĐND và UBND số 11/2003/QH11, UBND tỉnh Hà Tĩnh có nhiệm và quyền hạn:

  • Chỉ đạo và kiểm tra việc tổ chức thực hiện biện pháp bảo vệ sức khoẻ nhân dân;
  • Chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện các biện pháp quản lý và sử dụng, nguồn lợi ở vùng biển tại địa phương theo quy định của pháp luật;
  • Chỉ đạo, tổ chức thực hiện và kiểm tra việc bảo vệ, cải thiện môi trường; phòng, chống, khắc phục hậu quả, ô nhiễm môi trường và xác định trách nhiệm phải xử lý về môi trường đối với tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật;
  • Chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn đo lường và chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường ở địa phương, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh là chủ thể phải chịu trách nhiệm thay mặt UBND tỉnh Hà Tĩnh thực hiện các chức năng nhiệm vụ về việc quản lý, sử dụng vùng biển , kiểm tra bảo vệ, khắc phục ô nhiễm môi trường biển, bảo vệ môi trường biển, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi cho nhân dân.

Ông Đặng Ngọc Sơn,  Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh là người thay mặt cho UBND tỉnh Hà Tĩnh phát biểu: "Hiện tại các lồng bè đang nuôi trồng thủy sản ở Vũng Áng (Hà Tĩnh) nhiều loại thủy, hải sản vẫn sinh trưởng bình thường. Những loại hải sản như: mực, tôm, cua cá vẫn đang sống thì người dân có thể ăn được. Ngoài ra, người dân cũng có thể yên tâm tắm biển ở các vùng biển này", là phát biểu của đại diện UBND tỉnh Hà Tĩnh - là cơ quan quản lý và chịu trách nhiệm về môi trường và bảo vệ sức khỏe người dân trên địa bàn tĩnh Hà Tĩnh.

Do đó, nếu cơ quan chức năng kết luận nguyên nhân dẫn đến cái chết và bệnh tật của các thợ lặn có liên quan đến việc nước biển ở Vũng Áng nhiễm độc và nhân dân ăn cá tắm biển bị ngô độc có quyền khởi có thể khởi kiện ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh vì đã khuyến nghị người dân như đã nói ở trên.

Việc khởi kiện cần căn cứ vào kết quả xác định nguyên nhân ô nhiễm của cơ quan chức năng, hậu quả việc ô nhiễm, các quy định của Luật tổ chức HĐND và UBNDsố 11/2003/QH11, Luật bồi thường trách nhiệm nhà nước, Bộ luật Dân sự…

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn