Tại phiên chất vấn chiều 10/11, ĐB Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) nêu vấn đề dư luận bất bình về việc trục lợi chính sách hỗ trợ dù cá biệt. "Bộ trưởng LĐTB&XH về công tác quản lý, kiểm tra giám sát và xử lý vi phạm như thế nào, đã xử lý ra sao. Đồng thời, cơ quan Nhà nước cần quan tâm vấn đề gì để tăng cường hỗ trợ cho người lao động?" – ông đặt câu hỏi.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận có tình trạng này tại một số địa phương. "Có địa phương phải cách chức bí thư, chủ tịch mặt trận, bí thư đoàn thanh niên vì lý do đưa tên người nhà vào trong danh sách hộ nghèo, hưởng chính sách. Cá biệt, liên quan gói hỗ trợ theo Nghị định 68 của Chính phủ đã khởi tố 2 trường hợp đưa người ngoài vào danh sách, rút tiền trục lợi"- Tư lệnh ngành LĐTBXH thông tin.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đối với việc trục lợi chính sách, các quy định đều nêu rõ phân công trách nhiệm cho người đứng đầu tổ chức, địa phương, người đứng đầu của các ngành được phân công. Ví dụ liên quan đến chính sách cho người lao động vay là thống đốc ngân hàng, liên quan đến gói hỗ trợ tiền mặt, chỉ đạo là Bộ LĐTB&XH…
Tất cả địa phương đều quan tâm đến việc điều tra, giám sát các gói chính sách hỗ trợ. Ông thừa nhận việc trục lợi có xảy ra, tuy nhiên, về cơ bản các địa phương đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng.
Liên quan đến các chính sách hỗ trợ người dân do đại dịch, ĐB Lò Thị Việt Hà (Tuyên Quang) hỏi Bộ trưởng Đào Ngọc Dung về kết quả thực hiện gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng, liệu có đạt hiệu quả như mong muốn không.
Ông Đào Ngọc Dung cho biết, sau 4 tháng triển khai, tuy chính sách còn một số bất cập, cơ bản đang đi đúng hướng và hiệu quả, thiết thực ở cơ sở. Đồng thời, dư luận xã hội và người thụ hưởng đánh giá cao.
"Tuy nhiên, thời gian 4 tháng còn ngắn so với chính sách bởi vì khoảng 50% chính sách có yếu tố hỗ trợ ngay tức thì, còn lại là chính sách kéo dài hơn như vay trả lương, phục hồi sản xuất đến hết tháng 3/2022, chính sách đào tạo lại lực lượng lao động sau giãn cách kéo dài đến hết tháng 6/2022" – ông Dung cho hay.
Trước băn khoăn của nhiều ĐBQH về việc vướng mắc trong triển khai các gói hỗ trợ, tư lệnh ngành LĐTBXH cũng chia sẻ về nỗ lực của toàn ngành trong việc xây dựng các chương trình, đề xuất hỗ trợ ngay khi dịch bệnh xảy ra theo yêu cầu cấp bách của Chính phủ, đặc biệt là sau đợt bùng phát dịch thứ 4.
Ông thẳng thắn cho rằng, do nhiều chính sách chưa có tiền lệ, nhiều nội dung vượt thẩm quyền của Chính phủ, chưa được luật hóa nên việc tiếp cận rất khó khăn.
"Anh em trong ngành cùng các ngành chức năng làm ngày làm đêm, làm cả thứ 7, chủ nhật, thậm chí nhóm liên ngành hầu như đêm nào cũng phải làm. Chúng tôi cố gắng làm với tốc độ rất nhanh, người dân đang đói thì đừng hi vọng về nhà, nếu dân đói thì ta có lỗi với dân. Anh em quán triệt tinh thần đó rất kỹ để đẩy nhanh tiến độ. Trừ vấn đề nào vượt luật thì phải để lại, còn giấy tờ thuộc thẩm quyền Chính phủ thì báo cáo cho Chính phủ để sửa ngay" – ông Dung nói.
Tuy vậy, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận, trong quá trình tổ chức thực hiện còn nơi nọ nơi kia còn cứng nhắc, máy móc.
"Chỉ riêng việc hỗ trợ cho người F0 và trẻ em F0, có địa phương kiến nghị 3 trang giấy. Tôi nói các đồng chí cứ làm đi, nếu F0 ăn mà ai không thanh toán, tôi chịu trách nhiệm, bấy giờ địa phương mới cho thanh toán. Nhiều địa phương sợ sai sợ trách nhiệm, điều này là có! Trong đó có trách nhiệm của chúng tôi là tuyên truyền chưa đầy đủ. Còn thủ tục hành chính giất tờ, tôi thấy cơ bản thông thoáng rồi, không thể rút ngắn hơn được nữa" – ông Đào Ngọc Dung thông tin.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn