Theo Thạc sĩ Đinh Thị Vân Hà, giáo viên trường THCS Nguyễn Du, thời gian đầu, dự án còn là một website đơn giản với tính năng kiểm tra về mức độ trầm cảm và tính năng Flatter bot. Sau đó, các thành viên đã hoàn thiện website và bổ sung các tính năng như tài khoản của bác sĩ, bệnh nhân, đặt lịch hẹn.
Cô giáo Vân Hà cho biết, kết quả khảo sát cho thấy, vấn đề trầm cảm, "overthinking" (biểu hiện của chứng rối loạn lo âu) đang là một vấn đề mà các em học sinh dễ gặp phải. Theo một số liệu nghiên cứu, tỷ lệ học sinh cấp 2 và cấp 3 ở khu vực TPHCM có biểu hiện trầm cảm hiện nay dao động ở mức 8% - 15%, một mức độ đáng quan ngại.
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng được hỗ trợ, tư vấn, tham vấn hay trị liệu tâm lý kịp thời. "Nhiều người có xu hướng tránh xa, thậm chí là không tin rằng người mà mình quen biết đó bị trầm cảm. Nhiều học sinh bị chính cha mẹ mình phủ nhận tình trạng trầm cảm của bản thân, các em bị bạn bè xa lánh vì tình trạng khí sắc trầm...
Do đó, việc lắng nghe và giữ tương tác xã hội với người bị trầm cảm là giải pháp tốt giúp họ không rơi vào tuyệt vọng", cô giáo Vân Hà chia sẻ.
Qua dự án, nhóm nghiên cứu gồm 2 học sinh lớp 8 của trường là Vũ Trí Việt và Nguyễn Khánh Hiệp, dưới sự hướng dẫn của cô Vân Hà, đã có nhận thức sâu sắc hơn về vấn đề sức khỏe tinh thần, cụ thể là trầm cảm. Việc kết hợp công nghệ vào giải quyết vấn đề cũng cho thấy khả năng tư duy sáng tạo của nhóm.
"Chuyên môn của tôi không phải là tâm lý học nên khi đồng hành cùng các em trong đề tài này, cô trò chúng tôi đã phải mất khá nhiều thời gian để nghiên cứu tài liệu liên quan đến bệnh lý trầm cảm. Các em mong muốn tìm cách hỗ trợ những người trầm cảm một cách hiệu quả mà vẫn đảm bảo được tính khoa học và chính xác", cô giáo Vân Hà chia sẻ.
Vũ Trí Việt từng tham gia nhiều cuộc thi về công nghệ với những sản phẩm hệ thống phần mềm và đạt nhiều giải cao như: Giải Nhất Digitrans Edtech cấp tỉnh miền Nam, giải Nhất lập trình Robot Phần Lan vùng Đông Nam Á, giải Khuyến khích Tin học trẻ cấp Quốc gia.
Thực hiện trang web Flatter với mong muốn hỗ trợ những người bị bệnh trầm cảm, dự án của 3 cô trò trường THCS Nguyễn Du đã lọt vào vòng chung kết "Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật TPHCM" năm 2024.
Và 3 cô trò vẫn đang nỗ lực tiếp tục nghiên cứu và thực hiện nâng cấp sản phẩm với mong muốn Flatter thực sự là "người bạn" đồng hành của những người trầm cảm.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn