Mới đây, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM tiếp nhận bệnh nhân là bà T.T.K.H (69 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai). Bà H. đến bệnh viện sau thời gian thường thấy đau ngực, mệt khi gắng sức, khó thở về đêm. Tại bệnh viện, các bác sĩ đã thực hiện siêu âm tim và chẩn đoán bà H. bị hẹp van động mạch chủ nặng kèm bệnh tăng huyết áp, suy tim. Nếu không can thiệp kịp thời, người bệnh có nguy cơ bị biến chứng cao.
Bà H. được chuyển đến khoa Nội tim mạch điều trị nội khoa ổn định suy tim và chuẩn bị xét nghiệm tiền phẫu. Sau đó, các bác sĩ tiến hành thủ thuật thay van động mạch chủ qua da cho người bệnh. Người bệnh được tiếp tục theo dõi tại khoa Hồi sức cấp cứu và xuất viện sau 5 ngày can thiệp. Sau khi tái khám, các bác sĩ đánh giá van tim mới hoạt động tốt, sức khỏe người bệnh hoàn toàn ổn định.
Thống kê của Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho thấy, hằng năm bệnh viện này tiếp nhận khoảng 400 - 500 trường hợp người bệnh có các bệnh lý về van tim đến khám. Trong đó có khoảng 120 người bệnh đã ở giai đoạn nặng và được chỉ định phẫu thuật, số ca hẹp van động mạch chủ được phẫu thuật mỗi năm là 30 – 50 ca.
PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch - Bệnh viện Đai học Y Dược TP.HCM cho biết, hẹp van động mạch chủ là bệnh phổ biến nhất về van tim, thường gặp ở người trên 60 tuổi và không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu.
Theo bác sĩ Định, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh sẽ đối diện với nguy cơ tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, rối loạn nhịp tim và nhiều biến chứng nặng nề khác có thể dẫn đến tử vong. Ở những người bệnh hẹp van động mạch chủ nặng, ngay cả khi chưa có triệu chứng rõ ràng thì tỉ lệ tử vong trong vòng 1 năm lên đến khoảng 20 - 30%, nghĩa là cứ 10 người bệnh hẹp van động mạch chủ nặng thì có 2 – 3 trường hợp có thể xảy ra những tai biến, biến chứng nặng và có thể tử vong. Sau 2 năm, tỉ lệ tử vong do hẹp van động mạch chủ là 50%.
Cũng theo bác sĩ Định, bệnh hẹp van động mạch chủ thường không có triệu chứng cụ thể ở giai đoạn đầu. Do đó, khi người bệnh có triệu chứng đồng nghĩa với việc bệnh đã tiến triển nặng và cần phải can thiệp hoặc phẫu thuật thay van. Các triệu chứng điển hình của bệnh bao gồm đau tức ngực, khó thở, mệt khi gắng sức, khó thở khi ngủ, ngất xỉu… Các triệu chứng trên chỉ xuất hiện khi bệnh đã trở nặng, vì vậy đa số trường hợp người bệnh đến khám khi đã ở giai đoạn trễ, nguy cơ xảy ra các biến chứng rất cao, đe dọa trực tiếp tới tính mạng của người bệnh.
Đa số trường hợp bị hẹp van động mạch chủ đều được phẫu thuật thay van tim theo đường nội soi, ít xâm lấn giúp giảm mất máu, giảm đau và hạn chế các tai biến, biến chứng có thể xảy ra, giúp người bệnh phục hồi nhanh sau phẫu thuật. Trong các can thiệp ít xâm lấn, thay van động mạch chủ qua đường ống thông (hay còn gọi là thay van động mạch chủ qua da - TAVI) là kỹ thuật hiện đại nhất, mang lại hiệu quả thiết thực cho người bệnh.
Bác sĩ khuyến cáo, các triệu chứng của bệnh hẹp van động mạch chủ thường không rõ ràng vì vậy dễ sinh tâm lý chủ quan, người dân không chủ động tầm soát để phát hiện bệnh. Điều này rất nguy hiểm vì khi bệnh diễn tiến nặng sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.
“Người trên 60 tuổi nên khám tầm soát, kiểm tra sức khỏe định kỳ, thực hiện siêu âm tim để kịp thời phát hiện những bất thường ở van động mạch chủ để can thiệp trước khi bệnh trở nên quá nặng, hạn chế được các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra”, bác sĩ Định lưu ý.