Bà Nguyễn Thị Tiện (74 tuổi), quê ở Bắc Ninh, đang sống tại Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng, cho biết: "Tôi ở đây được hơn 2 năm rồi, cuộc sống khá thoải mái. Mặc dù con cái ở gần nhưng tôi vẫn thích sống ở Trung tâm hơn. Ở đây, tôi cùng các bạn già đi tập thể dục, trò chuyện. Trước đây tôi phải ngồi xe lăn, giờ tôi khỏe hơn, được sống vui vẻ, vận động thoải mái nên đã đi lại được bình thường". Bà Tiện cho biết, chi phí để sống ở Trung tâm hiện nay do tự bà chi trả.
Cũng "tự chủ tài chính" như bà Tiện, bà Lê Tuyết Hồng từng công tác ở Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), có tiền lương hưu và tự chi trả phí sinh hoạt tại nhà dưỡng lão. Bà Hồng chia sẻ: "Do tuổi cao, giờ giấc sinh hoạt cũng khác với người trẻ nên tôi quyết định vào nhà dưỡng lão. Con cái cũng không dư dả nên tôi không muốn trở thành gánh nặng cho con. Ở đây yên tĩnh, tiện nghi đầy đủ, thích làm gì là do mình, cùng xem ti vi với bạn già, cùng bình luận, trò chuyện. Thỉnh thoảng các con đón tôi về chơi, đi thăm bạn bè".
Ông Tạ Quốc Bảo (93 tuổi), ở Hà Nội, đang sống ở Viện dưỡng lão Từ Tâm, chia sẻ, cuộc sống ở viện yên tĩnh, xa thành phố ồn ào, xe cộ, không gian sống trong lành. Ông được chăm sóc sức khỏe, ăn uống, bồi bổ.
Theo bà Hồ Thanh Ngọc Uyên, Viện trưởng Viện dưỡng lão cao cấp Từ Tâm S-Merciful Hà Nội, trước đây, nhiều người quan niệm chỉ có người bất hạnh, bị con cái bỏ bê, hắt hủi mới vào viện dưỡng lão. "Vì vậy, chúng tôi đã cho ra đời mô hình viện dưỡng lão cao cấp với môi trường nghỉ dưỡng, dưỡng lão an tâm và hạnh phúc dành cho người cao tuổi". Người dưỡng lão tại S-Merciful được chăm sóc sức khỏe toàn diện với hệ thống phòng khám Đông y, phòng Vật lý trị liệu chất lượng cao. Ngoài ra, viện còn có các tiện ích khác như: tập yoga, thiền, trà đạo, spa, bể bơi, rạp chiếu phim, siêu thị, xông hơi…
Bà Hồ Thanh Ngọc Uyên nhận định, khoảng 10 năm nữa, diện mạo thị trường dưỡng lão tại Việt Nam sẽ khác, đặc biệt là phân khúc viện dưỡng lão cao cấp kết hợp giữa nghỉ dưỡng và dưỡng lão.
Phân tích xu hướng phát triển của viện dưỡng lão ở Việt Nam hiện nay, ông Đỗ Trần Hồng Thắng, Tổng Giám đốc Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng, cho rằng, những người đang trong độ tuổi lao động sẽ có trách nhiệm chăm sóc trẻ nhỏ nhưng chăm sóc người cao tuổi lại không dễ dàng, bởi chăm sóc người cao tuổi liên quan đến sức khoẻ nhiều hơn.
Sự thay đổi của cơ cấu gia đình Việt Nam, xu hướng kết hôn muộn, sinh ít con, tất cả đều tác động đến quan niệm của người con đối với việc đưa cha mẹ già vào viện dưỡng lão. Bản thân nhiều người già hiện nay cũng muốn tự hoạch định tương lai của mình. Có nhiều người chưa cao tuổi nhưng đã chọn viện dưỡng lão làm nơi an dưỡng tuổi già do nhu cầu được tâm sự, chia sẻ, giao lưu…
Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng, việc thành lập trung tâm, viện dưỡng lão hiện nay còn gặp nhiều khó khăn về địa điểm, chi phí duy trì hoạt động lớn trong khi lợi nhuận mỏng. Ngoài ra, những người vào viện dưỡng lão thường có nhiều bệnh. Điều này kéo theo gánh nặng chi phí về y tế cho viện.
Với mong muốn có một nơi sống an lành cho người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết thành lập Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Tuyết Thái trên diện tích hơn 7 nghìn mét vuông tại huyện Đông Anh (Hà Nội). Hiện nay, tỷ lệ người cao tuổi tại Trung tâm tự trang trải chi phí chiếm khoảng 20%, còn 80% là phụ thuộc vào con cái. Bà Tuyết mong muốn được nhà nước, chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ. "Hiện nay, chúng tôi phải thuê nhà của dân để làm. Quỹ đất để xây nhà dưỡng lão thực sự là một khó khăn mà nhiều người muốn làm trung tâm dưỡng lão nhưng chưa làm được", bà Bạch Tuyết nói.
Chi phí sống ở một số trung tâm, viện dưỡng lão tại Việt Nam:
- Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng: Từ 8 triệu đồng/tháng trở lên.
- Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Tuyết Thái: Từ 8 triệu đồng/tháng trở lên.
- Viện dưỡng lão cao cấp Từ Tâm S-Merciful Hà Nội và Đà Nẵng: Từ 15 triệu đồng/tháng trở lên.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn