"Cởi trói" khỏi định kiến, đẩy lùi bạo lực gia đình ở đồng bào người Dao

23:19 | 30/11/2024;
Bạo lực gia đình không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến hạnh phúc của mỗi gia đình mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Để đẩy lùi được bạo lực gia đình ở đồng bào dân tộc thiểu số, "chìa khóa" vẫn là xóa bỏ những định kiến giới đã tồn tại lâu đời.

Phóng viên Báo PNVN đã có cuộc trao đổi với bà Triệu Thị Mản, Bí thư Chi bộ thôn, thành viên Tổ truyền thông cộng đồng, Phiêng Phàng, xã Yến Dương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, về nội dung này.

- Bạo lực gia đình vẫn đang là câu chuyện nhức nhối tại nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số trong cả nước. Còn đối với người dân tộc Dao tại thôn Phiêng Phàng thì thế nào, thưa bà?

Trước đây, mỗi một năm cũng có 2-3 vụ, có lúc thì 5-6 vụ, dần dần giảm bớt đi. Các vụ toàn là trong lúc uống rượu say thì hay nói nhiều, có lúc cãi nhau, đánh đập nhau.

Đàn ông người Dao uống rượu rất nhiều, từ rượu bắt đầu mới sinh ra bạo lực gia đình. Nhiều người phụ nữ Dao phải chịu áp lực rất lớn ảnh hưởng từ sự bất bình đẳng giới. Họ không chỉ phải chịu bạo lực về thể xác mà còn phải chịu đựng bạo lực về tinh thần, về kinh tế.

Khi lấy chồng, theo quan niệm truyền thống, phụ nữ Dao sẽ không được ngồi ghế để ăn cơm, không được đi qua trước bàn thờ. Họ luôn là người phải thức khuya, dậy sớm để làm hết mọi công việc trong gia đình, chăm lo con cái mà không nhận được sự san sẻ từ chồng và gia đình.

Không chỉ vậy, của cải vật chất làm ra trong gia đình, người con dâu cũng không được quyền nắm giữ. Họ còn bị cấm đoán trong việc tham gia các hoạt động xã hội, cộng đồng.

Bản thân tôi cũng vậy. Trước đây tôi bị bố mẹ chồng quản lý, tối ăn xong phải ngủ, không cho đi chơi, không được uống rượu với người đàn ông ở ngoài đến nhà mình. Khi mang thai cũng không được nghỉ ngơi mà vẫn phải làm việc cho đến lúc sinh con.

 - Trước những quan niệm, hụ tục còn nặng nề đó, bà đã bắt đầu hành trình đấu tranh đẩy lùi bạo lực gia đình ra sao?

Tôi chọn bắt đầu bằng thay đổi từ những việc nhỏ nhất, đơn giản nhất, đó là chuyện con dâu phải xới cơm cho cả nhà. Khi ấy tôi ở chung cùng gia đình chồng, có rất đông người. Cơm thì ít, nhiều hôm tôi ngồi chỉ cặm cụi xới cơm cho cả nhà, đến lúc mọi người ăn xong đến phần mình thì hết cả cơm ăn, có hôm thì vì xới cơm cho cả nhà mà thành ăn chậm, bị bố chồng chửi mắng. Nghĩ thấy bất công quá, nên một hôm ngồi vào mâm, tôi quyết định nói, từ nay tôi chỉ xới cơm cho bố mẹ chồng, còn lại các thành viên khác trong gia đình, ai ăn thì phải tự xới. Tất nhiên hành động này của tôi đã vấp phải sự khó chịu ra mặt của bố mẹ chồng nhưng tôi vẫn kiên quyết.

Một thời gian sau, gia đình cũng quen và chấp nhận. Khi mình đã "cởi trói" được định kiến, từ việc nhỏ đó, tôi bắt đầu thay đổi dần những việc khác trong gia đình, tiếp theo là lan tỏa đến các chị em trong thôn. Sau đó tôi tham gia các hoạt động ở thôn, dần dần được bà con tin tưởng, bầu tôi làm Chi hội trưởng phụ nữ. 

 - Từ khi triển khai hoạt động Tổ truyền thông cộng đồng của Dự án 8, các hoạt động tuyên truyền đẩy lùi bạo lực gia đình đã được địa phương thực hiện như thế nào để đạt được hiệu quả tốt nhất?

Cởi trói định kiến, đẩy lùi bạo lực gia đình ở đồng bào người Dao- Ảnh 1.

Bà Triệu Thị Mản, Bí thư Chi bộ thôn, thành viên Tổ truyền thông cộng đồng, Phiêng Phàng, xã Yến Dương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn

Tổ truyền thông cộng đồng như là kim chỉ nam hỗ trợ hoạt động truyền thông đẩy lùi bạo lực gia đình ở địa phương hoạt động có bài bản, hiệu quả hơn. Từ khi thành lập tổ truyền thông, chúng tôi đã cùng nhau xây dựng và triển khai các hoạt động truyền thông. Vì không có kinh phí duy trì nên các hoạt động thường được lồng ghép vào cùng các buổi hội họp, tuyên truyền của thôn. Phân công cụ thể các phần việc cho từng thành viên để họ có sự chuẩn bị nội dung kỹ lưỡng.

Vấn đề trọng tâm mà Tổ hướng đến chính là làm giảm tình trạng bạo lực gia đình, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn bạo lực gia đình tại địa phương, nâng cao nhận thức về giới, bình đẳng giới đến mọi đối tượng người dân.

Tổ sẽ phân chia nội dung chuyên đề Luật Hôn nhân & Gia đình, Luật bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình... để nâng cao nhận thức của người dân.

Không chỉ vậy, tổ cũng vận động chị em tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng để xóa bỏ sự tự ti, dần thay đổi quan niệm cam chịu, chấp nhận số phận, mạnh mẽ lên tiếng đấu tranh cho quyền lợi của chính mình, biết tự bảo vệ bản thân trước bạo lực gia đình. 

- Theo bà, để hoạt động truyền thông đẩy lùi bạo lực gia đình đạt được hiệu quả tốt nhất thì chúng ta nên ưu tiên việc gì trước hết? 

Điều trước tiên phải hiểu được tâm tư, nguyện vọng của chị em, nắm bắt được tính cách của mỗi người để có thể có phương án tuyên truyền tốt nhất. Đối với tôi, nhiều lúc tuyên truyền đạt hiệu quả nhất lại không phải ở trong buổi họp mà là ở trên nương, trên rẫy. Có lúc thì chị em mình làm việc, uống nước với nhau, tuyên truyền bằng miệng mà không cần phải tổ chức một cuộc họp gì đó. Cứ nói chuyện với chị em. Chị em mình phải mạnh mẽ lên. Mạnh mẽ như thế nào? Cái điểm yếu của đàn ông, của đàn bà mình. Điểm mạnh của đàn bà mình là biết cách xử lý các tình huống trong đời sống vợ chồng hay cãi nhau. Khi chồng uống rượu vào thì mình đừng nói to, hãy nói nhỏ nhẹ. Thấy nóng lên thì mình nói nhẹ nhàng để chồng không đánh mình. Chồng say thì mình đừng nói nhiều, nói ít thôi.

Không chỉ vậy, chị em đừng quan niệm "xấu chàng hổ ai" nữa mà phải biết đấu tranh để bảo vệ mình. Ví dụ về tinh thần mình phải sống làm sao cho thoải mái, đúng luật, chủ trương mà nhà nước đề ra. Có lúc chị em nắm cơm đi làm ăn trưa không nghỉ thì tôi cũng nói chuyện phụ nữ phải đi học, mạnh mẽ lên. Giờ ông chồng không cho đi ăn cưới chẳng hạn, mình phải đấu tranh. Không phải trong buổi họp mới tuyên truyền được. Mình phải làm thân quen mới nói được, mới đạt được những hiệu quả tốt nhất.

- Xin cảm ơn bà!

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn