Coi trọng phát huy vai trò của phụ nữ

14:58 | 03/11/2015;
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, phụ nữ miền Nam là một lực lượng đấu tranh quan trọng với biểu tượng “Đội quân tóc dài” đóng góp to lớn vào thắng lợi cuối cùng.
Trên cương vị lãnh đạo cấp cao, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã quan tâm chỉ đạo nhiều hình thức tập hợp phụ nữ, luôn đề cao vai trò của phụ nữ trong kháng chiến cứu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Là người có nhiều nghiên cứu sâu sắc về hoạt động của đồng chí Nguyễn Văn Linh, TS Nguyễn Thị Hiển Linh, Phó Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, cho biết:

Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đồng chí Nguyễn Văn Linh giữ chức vụ Bí thư Thành ủy TPHCM giai đoạn năm 1975-1976 và 1981-1986.

Để tổng kết lịch sử phong trào phụ nữ Nam bộ qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã quan tâm chỉ đạo thành lập Tổ tổng kết Lịch sử phong trào phụ nữ Nam bộ (gọi tắt là Tổ sử Phụ nữ Nam bộ) vào tháng 1/1983. Sau đó, Nhà truyền thống Phụ nữ Nam bộ được thành lập vào ngày 29/4/1985, là tiền thân của Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ. Đây là bảo tàng về giới được thành lập theo phương thức xã hội hóa đầu tiên ở Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thăm một cơ sở sản xuất ở TPHCM năm 1990. Ảnh: tư liệu

Năm 1988, cuốn sử “Truyền thống cách mạng của phụ nữ Nam bộ thành đồng” do Tổ sử Phụ nữ Nam bộ chủ biên ra đời và được giới thiệu đến công chúng cả nước. Nhân dịp cuốn sách xuất bản, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã viết: “...phải ra sức phát huy truyền thống vinh quang của người xưa mà đưa phong trào Phụ nữ Nam bộ và Việt Nam vượt qua khó khăn, tiến lên những bước ngày càng tốt đẹp hơn.

Ngày nay, trong công cuộc xây dựng hòa bình, phụ nữ cần nối tiếp truyền thống chăm lo gia đình, hòa thuận, no ấm, chăm lo giáo dục cho con cháu có tình thương, hiếu thảo, lễ nghĩa, cần cù, thuận hòa trong anh em, đoàn kết với xóm làng”.

Năm 1986, với cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Nguyễn Văn Linh chủ trương thực hiện đổi mới toàn diện đất nước với “Những việc cần làm ngay”.

Thực hiện chủ trương này, Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ VI (diễn ra vào tháng 5/1987) đã quyết định chuyển hướng hoạt động của Hội, nhấn mạnh 8 nội dung phụ nữ cần thực hiện trong công cuộc đổi mới.

Trong đó có việc giáo dục, xây dựng người phụ nữ mới xã hội chủ nghĩa; động viên phụ nữ thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng, trọng tâm là 3 chương trình kinh tế lớn...

Năm 1988, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh góp ý kiến về kinh nghiệm chỉ đạo xây dựng người phụ nữ mới, trong đó gợi mở những vấn đề quan trọng:

- Về kinh tế: Đáp ứng nhu cầu vốn, tín dụng cho phụ nữ nghèo được coi là mũi nhọn của chương trình xóa đói giảm nghèo của các cấp Hội phụ nữ, là một trong những biện pháp thiết thực và hiệu quả nhất giúp phụ nữ từng bước cải thiện đời sống. Phong trào “Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo” và hoạt động “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế” mở ra cơ hội cho phụ nữ nghèo có vốn sản xuất làm ăn, vừa nâng cao đời sống kinh tế, vừa tạo thêm nhiều sản phẩm cho xã hội, giải quyết gánh nặng trong việc chi ngân sách cứu trợ thường xuyên đối với các hộ nghèo.

Thông qua các lớp tập huấn, phụ nữ tiếp cận với cách làm ăn mới trong cơ chế thị trường, biết đầu tư, quản lý có hiệu quả, tăng thu nhập, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng.

- Về xã hội: hoạt động giúp phụ nữ nghèo không chỉ giải quyết vấn đề dân sinh mà còn có giá trị nhân văn sâu sắc. Phong trào có tác động mạnh mẽ đến việc phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, đó là tình đoàn kết, tương thân tương trợ, lòng nhân ái biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau trong cộng đồng. Từ thực tiễn của phong trào đã tạo ra ngày càng nhiều nhân tố tích cực cho xã hội.

Theo định hướng đó, các phong trào của Hội LHPN các cấp trong thời kỳ đổi mới đã giúp cho hàng triệu phụ nữ được cung cấp kỹ năng và vốn để phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn