Hình ảnh hóa đơn ở quán cà phê Sài Gòn (quận Hải Châu, Đà Nẵng) lên đến 3.976.000 đồng được facebook có tên Luu Bach Van chia sẻ trên Diễn đàn Quản lý đô thị Đà Nẵng. Còn sự việc hộp cơm xào hải sản với giá 200.000 đồng ở quán bình dân ven biển được facebook Thy Nguyễn cập nhật.
Hộp cơm có giá 200.000 đồng. Ảnh: Facebook Thy Nguyễn. |
Hai sự việc liên tiếp xảy ra ở một thành phố được mệnh danh 'đáng sống nhất Việt Nam' khiến cộng đồng mạng tỏ ra bức xúc.
Trong khi nhiều ý kiến đồng quan điểm với tài khoản Oh Oh cho rằng, bao nhiêu việc người dân Đà Nẵng làm để có hình ảnh đẹp trong mắt bạn bè bị huỷ hoại trong tay những chủ quán này, thì facebooker Nguyen Nhat Quang lại có quan điểm khác.
Anh vừa chia sẻ một bài viết với tựa đề 'Hãy tự cứu mình' trên trang cá nhân. Dưới đây là nội dung bài chia sẻ của tác giả:
"Có lẽ không nên quá bận tâm với cơm hộp giá 200.000 đồng hay hóa đơn cafe giá tiền triệu...
Thứ nhất, đây là dịp Tết, giá nhất thiết cao ít nhất gấp đôi ngày thường là bình thường; vì theo quy định của pháp luật, nếu sử dụng lao động vào dịp lễ Tết phải trả lương gấp ba. Tết thì không mấy nhân viên muốn đi làm. Trước khi ngồi vào sử dụng dịch vụ nên có thói quen hỏi giá; không ít người "mắc" chứng bệnh sĩ là không cần hỏi, khi thấy đắt lại kêu.
Hóa đơn tại quán cafe Sài Gòn |
Thứ hai, vấn đề quan trọng nhất là ở đây chủ quán đã niêm yết giá; và khi đó "thuận mua, vừa bán", chứ không nên kêu giá đắt. Người tiêu dùng cần hỏi giá nếu không niêm yết và nhất là cần tìm hiểu chất lượng sản phẩm để biết nói không với hàng bẩn. Tránh tình trạng tiêu dùng thoải mái, thậm chí là tiêu dùng vô tội vạ rồi kêu chính quyền; khó có chính quyền nào suốt ngày chạy theo giải quyết...
Thứ ba, thấy hóa đơn cafe mà cả hai chai rượu vang; giá mỗi chai 450 ngàn là chuyện quá bình thường. Dân gian có câu "ăn chơi không quản tốn kém. Vấn đề là cơ quan thuế cần căn cứ vào giá này để tính thuế cho nghiêm túc để tận thu thuế dịch vụ.
Có lẽ mỗi chúng ta, mỗi khách hàng nên dần quen với kinh tế thị trường và biến mình thành người tiêu dùng thông minh cũng là cách hạn chế và đi đến nói không với dịch vụ phi lý, nhất là nói không với hàng bẩn.
Tuy nhiên, để trở thành người tiêu dùng - khách hàng thông minh là một quá trình tìm hiểu, nghiên cứu thị trường và tích lũy kỹ năng mềm không hề đơn giản; nhưng đừng quá muộn trong khi thị trường đang rình rập quá nhiều mối nguy hại. 'Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu'".
Ngay lập tức, bài viết của facebooker này nhận được nhiều lượt bình luận và chia sẻ. Tài khoản Minh Chi viết: "Theo thông tin trên báo thì thì giá hộp cơm đã được niêm yết, giá đồ uống ở quán cà phê SG cũng đã được thông báo tăng giá trong ngày Tết một cách rõ ràng. Đặc biệt, đây không phải là quán cafe mà là phòng trà. Giá cả đồ uống ở phòng trà bao giờ cũng đắt hơn ở quán cafe. Vậy thì lỗi còn lại chỉ là... thuộc về người tiêu dùng".
Truong Minh Hang cho rằng: "Người Việt mình sĩ, đi ra quán cấm có bao giờ hỏi giá tiền, tuyệt nhiên không chú ý đến bảng thông báo, đặc biệt không tìm hiểu cụ thể sự việc, nhưng đến lúc thanh toán hóa đơn thì... gào thét, kiện tụng. Một cách cư xử thiếu văn minh".
Facebooker Nguyen Luan bình luận: "Chủ nhân của hóa đơn tại quán cà phê SG đã lên tiếng rằng, anh ta hài lòng với thái độ phục vụ tại quán và cảm thấy bức xúc khi hóa đơn của mình có người chụp lại và lén đăng lên mạng. Mạng xã hội phát triển còn là cơ hội để nhiều người vi phạm quyền tự do cá nhân của nhau".