Trong khu chợ của các làng sản xuất cốm nổi tiếng thủ đô như cổng làng Cốm Vòng (Phố Trần Thái Tông, Q. Cầu Giấy), chợ Mễ Trì (Q. Nam Từ Liêm) và tại nhiều chợ dân sinh, có nhiều loại cốm khác nhau để lựa chọn. Cốm loại 1, còn gọi là cốm lá me, cốm đầu nia, hạt cốm mỏng, đều nhau, chất lượng tốt nhất có giá bán từ 250.000 đồng đến 300.000 đồng/kg. Cốm cuối nia có giá rẻ hơn, dao động từ 180.000 đồng đến 220.000 đồng, tùy theo chất lượng của cốm, vì loại cốm này thường có nhiều hạt cốm vụn, được dùng để chế biến các món ăn như chả cốm, bánh cốm…
Mang một hương vị riêng, cốm nếp Tú Lệ mang đến thêm lựa chọn mới cho người tiêu dùng. Chị Đỗ Thị Hòa (phố An Dương, Hà Nội) chia sẻ: “Khi nhìn màu sắc của loại cốm nếp vùng cao, tôi hơi có chút e ngại vì cốm có màu rất xanh, như bị nhuộm màu vậy. Nhưng khi thưởng thức, có thể cảm nhận được vị dẻo thơm và mùi hương tự nhiên, khá mới lạ so với các loại cốm của Hà Nội”.
Trên thị trường, cốm Tú Lệ được bán với giá từ 190.000 đến 280.000 đồng. Để phục vụ nhu cầu của khách hàng, cốm Tú Lệ thường được bán để ăn ngay theo gói từ nửa kg, hoặc cốm được đóng thành túi hút chân không, giúp bảo quản được trong thời gian dài hơn. Loại cốm này được các cửa hàng nhập theo đợt, nên khách hàng thường phải đặt trước. Cũng như các loại cốm khác, cốm nếp Tú Lệ có nhiều cách để thưởng thức như ăn cùng với chuối chín trứng cuốc, trái hồng đỏ chín cây hoặc dùng chế biến món ăn.
- Về cảm quan bên ngoài:
Cốm ngon nhất khi được ăn trong ngày, vì vậy, bạn nên mua với số lượng vừa đủ dùng. Bảo quản cốm ở nơi khô ráo, bọc kín trong lá sen hoặc lá dong để giữ mùi hương và độ ẩm, giúp cốm mềm, dẻo.
Nếu muốn trữ cốm dùng trong thời gian dài, bạn có thể cho vào túi nylon kín, bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh. Khi ăn để cốm rã đông tự nhiên và sử dụng. Tuy nhiên, cốm đã rã đông sẽ không được dẻo và thơm như cốm mới. Với cách này, có thể dùng cốm để rang, hoặc chế biến thành các món ăn như nấu xôi, chè, chiên trứng, làm chả cốm…