Cơn ác mộng mang tên “bố chồng”

14:00 | 14/01/2022;
Thật lòng em không muốn nói xấu bố chồng nhưng em cần một hướng đi lúc này. Bố chồng em sống rất ích kỉ, hay soi xét.

Chị Thanh Tâm thân mến!

Em muốn trải lòng với chị về những khó chịu và sự trái ngang của bố chồng em. Em mới lấy chồng được hơn 1 năm và có con 4 tháng tuổi. Em không chịu được cảnh sống chung với bố mẹ chồng. Vợ chồng em cãi nhau chủ yếu nguyên nhân đến từ bố chồng. Em đã từng xin ra ở riêng nhưng ông bà không đồng ý.

Thật lòng em không muốn nói xấu bố chồng nhưng em cần một hướng đi lúc này. Bố chồng em sống rất ích kỉ, hay soi xét. Hồi mới về làm dâu, em không may bị ngã xe máy, bị gãy xương cổ tay nên phải bó bột, không thể rửa bát. Có một hôm, mẹ chồng và chồng em đi vắng, có 2 bố con ở nhà ăn cơm với nhau. Đồ ăn mẹ chồng đã giúp em chuẩn bị, em chỉ việc nấu đơn giản là xong. Đến khi ăn xong, chẳng lẽ em lại để mẹ chồng hoặc chồng về nhà rửa bát nên em cố gắng thu dọn đồ. Bố chồng em không thèm quan tâm tay em có bị làm sao, cũng không giúp em dọn đồ. Ông chỉ "ném" cho em một cái nhìn lạnh lùng và bảo: "Làm cái gì cũng không xong". Lúc đấy em cảm thấy rất tủi thân. Cứ mỗi buổi chiều, ông bật bình nóng lạnh để tắm, nếu còn thừa nước nóng là ông giục em đi tắm để tiết kiệm tiền điện. Nếu phải bật thêm bình nóng lạnh, ông sẽ căn ke từng phút để tắt đi. Ngày nào cũng như vậy, em không thể chịu được.

Đến giờ ăn cơm, còn đồ ăn thừa từ bữa trước, chẳng bao giờ bố chồng động đũa vào. Ông thường xuyên quay sang bảo em: "Còn mấy miếng thịt, ăn đi cho đỡ phí!", "Ăn đi con, không bữa sau lại đổ đi, phí!"… Em thấy rất ức chế. Nhưng em nói ra thì chồng em lại mắng: "Bố tiết kiệm, phận làm con không ăn thì ai ăn!". Em thấy tủi thân không chịu được.

Sáng nào trước khi ra khỏi nhà, em cũng phải nhẩm tính, trưa nay bố mẹ ở nhà ăn gì, tối nay ăn gì, cần mua đồ, nấu nướng ra sao. Thế nhưng hôm nào có việc đột xuất, em phải về muộn là y như rằng, đó là bữa cơm cực hình, không nuốt nổi. Em chỉ cần vào đến nhà, bố chồng sẽ lườm nguýt: "Sao không khuya mới về. Nấu xong hết rồi, mời chị ra ăn!". Chị Thanh Tâm ơi, cái kiểu khó chịu đó khiến em nhiều lúc không thể thở nổi.

Em đã nhiều lần nói chuyện với chồng về việc xin ra ở riêng nhưng chồng em sợ làm trái ý bố mẹ nên bảo em thích thì đi mà nói. Em trách chồng nhu nhược, không tự quyết định được điều gì. Công việc của chồng em từ giữa năm nay do dịch bệnh nên không ổn định. May mắn em vẫn đi làm bình thường. Bởi vậy, tiền hàng tháng góp với bố mẹ, phần nhiều là của em. Chồng em sợ nếu ra ở riêng, không có bố mẹ giúp nữa sẽ không sống được, nên anh ấy không quan tâm đến cảm xúc của em. Chúng em cãi nhau. Lần này, em không chịu được nên đã xin về nhà ngoại ở cả tuần. Chồng em đã nhắn tin xin lỗi và thuyết phục em về. Thanh Tâm ơi, em thương con và chán nản quá, em phải làm sao đây?

Thúy Hằng (Bắc Ninh)

Chào em!

Vấn đề chị quan tâm hơn ở đây là việc thảo luận giữa hai vợ chồng em. Hãy đặt những khó chịu của mình sang một bên để cùng chồng trao đổi, quyết định những việc lớn của gia đình. Em không nên xin ra riêng chỉ vì có mâu thuẫn với bố chồng mà đó sẽ là bước phát triển của vợ chồng em. Ở chung với bố mẹ hay tách ra độc lập đều cần rõ ràng: Hai vợ chồng cần chuẩn bị như thế nào, tài chính ra sao, cùng chăm lo việc nhà và chăm con như thế nào. Ngay cả việc khi nào vợ phải nhún, khi nào chồng phải động viên vợ cũng cần đưa ra thảo luận nghiêm túc. Khi hai vợ chồng đã thống nhất cao thì việc thích nghi với cuộc sống chung cùng bố mẹ chồng hay vượt qua khó khăn của cuộc sống độc lập sẽ trở nên đơn giản hơn.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn