Vì sao Mỹ khan hiếm sữa công thức?
Maricella Marquez, một bà mẹ tại Texas , chỉ còn lon sữa bột cuối cùng trong bếp ngày 17/5 vừa qua. Cô đành phải pha cho con gái 3 tuổi, mắc chứng rối loạn thực quản dị ứng hiếm gặp, một phần sữa nhỏ hơn chế độ ăn bình thường. Marquez đã gọi điện cho các nhà cung cấp sữa trên khắp Texas , hỏi họ bao giờ mới có hàng về nhưng câu trả lời là không có hàng. Người mẹ này sống ở ngoại ô San Antonio , nơi đang có tỷ lệ thiếu sữa công thức cao nhất nước Mỹ, 56%.
Vợ chồng chị Maria Murillo cũng chạy khắp nơi tìm mua sữa cho con trai 5 tháng tuổi. "Không thể cho con bú khiến tôi luôn nghĩ mình là người mẹ tồi. Giờ tôi lại càng mặc cảm vì không kiếm đủ sữa bột nuôi con", chị Maria vừa khóc vừa nói.
Giống như các gia đình trên, hàng triệu trẻ em ở Mỹ sử dụng sữa công thức như nguồn dinh dưỡng chính, đặc biệt là những trẻ không có điều kiện bú mẹ đầy đủ. Tuy nhiên, từ tháng 2/2022 đến nay, tất cả đều phải vất vả "săn tìm" sữa trong tình trạng hàng trở nên khan hiếm. Là loại thực phẩm duy nhất của đa số trẻ sơ sinh ở Mỹ nhưng các hộp sữa bột ngày càng khó thấy trên các kệ hàng ở siêu thị. Theo ước tính, gần một nửa lượng sữa bột cho trẻ em trong kho dự trữ đã được tiêu thụ. Vì vậy, nhiều gia đình đang rất hoang mang, đặc biệt là những hộ nghèo.
Tình trạng khan hiếm sữa công thức đã đẩy giá sản phẩm này lên cao, khiến mạng xã hội xuất hiện nhiều bài đăng kêu gọi phụ huynh tự làm sữa công thức tại nhà. Tuy nhiên, Hiệp hội Bác sĩ nhi khoa Mỹ (AAP) cảnh báo không nên sử dụng sữa công thức tự làm do sản phẩm này có thể thiếu các vitamin và dưỡng chất quan trọng cần thiết cho quá trình phát triển của trẻ.
Ngành công nghiệp sữa công thức toàn cầu hiện trị giá 55 tỷ USD. Tại Mỹ, chỉ có 25% các bà mẹ cho con bú hoàn toàn cho đến khi con được 6 tháng tuổi. Chi phí cho sữa bột nuôi 1 trẻ nhỏ là rất lớn: 1.000 USD cho năm đầu tiên. Còn loại sữa bột đặc biệt, chẳng hạn sữa dành cho trẻ bị dị ứng, được xem là mặt hàng xa xỉ, có khi lên tới vài trăm USD/hộp.
Mỹ có 4 tập đoàn kiểm soát gần 90% thị trường sữa công thức dành cho trẻ em bao gồm: Abbott, Reckitt Benckiser, Nestlé và Perrigo. Thế nhưng, cuộc khủng hoảng sữa công thức ở Mỹ không phải bột phát mà có nguyên nhân rõ ràng. Cuộc khủng hoảng xảy ra sau vụ thu hồi hàng loạt sản phẩm vào ngày 17/2 của nhà sản xuất sữa bột trẻ em Abbott và ảnh hưởng từ việc đóng cửa nhà máy của hãng ở Sturgis, Michigan, phục vụ cho cuộc điều tra của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ. Sự việc đã gây nên một trong những vụ thiếu hụt sữa bột trẻ em lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Tình trạng thiếu sữa công thức tại Mỹ trở nên trầm trọng hơn do sự gián đoạn liên tục các chuỗi cung ứng vì dịch bệnh Covid-19 kéo dài trên toàn cầu, do lạm phát tăng vọt. Số lượng sản phẩm bị ảnh hưởng vì các bố mẹ phải tích trữ sữa trong thời gian bị hạn chế đi lại. Ngoài ra, tỷ lệ sinh tăng trong đầu năm 2022 ở Mỹ đi kèm với "tỷ lệ cho con bú giảm đáng kể" ở các bà mẹ mới càng khiến nhu cầu sữa công thức tăng cao.
"Chiến dịch không vận sữa bột"
Sự khan hiếm này đang trở thành một cuộc khủng hoảng chính trị đối với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ông đã sử dụng Đạo luật Sản xuất quốc phòng để ưu tiên các công ty sản xuất sữa công thức trong việc đảm bảo nguồn cung. Đây là đạo luật trao cho Tổng thống thẩm quyền yêu cầu các công ty ưu tiên sản xuất và phân bổ hàng hóa để ứng phó với khủng hoảng.
Trong khi đó, Abbott đã đạt được thỏa thuận với Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) để mở cửa trở lại nhà máy, với điều kiện chịu sự giám sát của tòa án liên bang.
Ngày 22/5 vừa qua, một máy bay quân sự của Mỹ đã chở 35 tấn sữa công thức trẻ em từ Đức hạ cánh xuống sân bay ở Indiana - Trung tâm của Nestle, một nhà sản xuất sữa lớn trong nước. Sữa sẽ được kiểm tra chất lượng tại một phòng thí nghiệm trước khi được phân phối.
Brian Deese, Cố vấn kinh tế cho Tổng thống, cho biết, chuyến hàng đầu tiên này chỉ cung ứng được khoảng 15% nhu cầu cấp thiết hiện nay. Nhiều chuyến bay sẽ đến vào tuần tới như một phần của chiến dịch mà chính quyền đặt tên là "Chiến dịch không vận sữa bột". Trong chiến dịch này, các máy bay quân sự đã được điều động để vận chuyển những lô sữa công thức đầu tiên về Mỹ do không một chuyến bay thương mại nào có thể tham gia.
New York đã ban bố tình trạng khẩn cấp toàn thành phố nhằm ngăn chặn giá sữa công thức leo thang. Biện pháp này nhằm ngăn chặn những cá nhân hoặc các nhà bán lẻ tìm cách đầu cơ sản phẩm sữa công thức trong cuộc khủng hoảng này.
Giới bác sĩ nhi khoa ở Mỹ cho hay, sữa công thức sản xuất ở Canada và châu Âu có tiêu chuẩn gần tương đương Mỹ. Thế nhưng, theo truyền thống, 98% nguồn cung cấp sữa công thức cho trẻ em ở Mỹ được sản xuất trong nước. Những công ty tìm cách xâm nhập thị trường Mỹ đối mặt nhiều trở ngại, đòi hỏi đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất và nghiên cứu khắt khe mà FDA quy định.
FDA cho hay đang soạn thảo quy định giúp các công ty sản xuất sữa ở nước ngoài vận chuyển sữa tới Mỹ dễ hơn để tăng nguồn cung cho thị trường trong nước. Những công ty có thể cung cấp lượng hàng lớn nhất, nhanh nhất, đầy đủ giấy tờ chứng minh an toàn và phù hợp với tiêu chuẩn dinh dưỡng của Mỹ, sẽ được ưu tiên. Chính sách này sẽ được duy trì trong 6 tháng với kỳ vọng giúp "hạ nhiệt" cuộc khủng hoảng thiếu sữa bột hiện nay.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn