Câu chuyện nam sinh lớp trưởng 9 năm, học rất giỏi vẫn trượt lớp 10 vừa nóng trên mạng xã hội cũng là một trường hợp đáng suy ngẫm. Áp lực học tập tác động bất lợi đến trẻ vì khiến chúng bị căng thẳng và cảm thấy tương lai bất định.
Trần Thùy K., một học sinh lớp 9 tại Hà Nội, gửi thư đến nhà tư vấn “kêu cứu”: “Cháu vừa thi vào lớp 10 nhưng không đỗ vào trường chuyên như bố mẹ cháu yêu cầu. Bố mẹ cháu rất tức giận, nói rằng cho cháu ăn học phí tiền phí của. Thật ra cháu cũng đâu có muốn học nhiều như thế. Hàng tuần cháu phải học ngày, học tối, học thêm cả thứ bảy, chủ nhật, không mấy khi được đi chơi, đi xem phim như bạn bè. Điểm số của cháu luôn đứng đầu lớp, nhưng lúc thi cháu lại không đạt được điểm cao.
Cháu thất vọng với bản thân vì mình không thi tốt một phần, thì lại áp lực với việc phải đối mặt với bố mẹ chín phần. Sang năm học tới cháu phải học “trường làng” và thường nhận được sự cau có, bực bội của bố mẹ. Đổi lại, hè năm nay bố mẹ không bắt cháu học thêm nữa vì “có học cũng chỉ phí tiền phí sức”. Cháu rất hoang mang, nếu không phải học nhiều như hiện nay thì cháu thấy rất tốt, nhưng lại lo lắng mình trở thành một học sinh “dốt” thì tương lai sẽ thế nào? Bố mẹ cháu nói học dốt thì chỉ có đi quét rác”.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Văn Sơn (Công ty Tài Năng Việt) cho rằng, việc học sinh K. đã rất cố gắng, điểm số luôn đứng đầu lớp là chuyện đáng mừng bởi đó chính là nỗ lực của K. Tuy nhiên vấn đề em băn khoăn là học giỏi mà không thi đỗ trường tốt, chuyên gia Nguyễn Văn Sơn cho rằng, đó không phải là chuyện hiếm vì trong quá trình thi còn nhiều yếu tố khác chi phối như tâm lí khi thi, thể trạng sức khỏe... cho nên không phải lúc nào cũng đạt kết quả như mong muốn.
Việc học sinh hoang mang là không học nhiều sẽ dốt và tương lai bị ảnh hưởng thì chưa có căn cứ vì: Thứ nhất, kiến thức ở trường học không quyết định toàn bộ thành công sau này. Trên thực tế, bản lĩnh, các kĩ năng và tư duy mới quyết định phần lớn thành công. Nếu học sinh nào có tố chất học tốt, rèn luyện thêm các kĩ năng, đặc biệt kĩ năng tự lập, và học hỏi tư duy những người thành công thì chắc chắn tương lai sẽ thành công.
Thứ hai, nếu chỉ tập trung vào học kiến thức mà không có thời gian rèn luyện thể dục, thể thao cũng như mở rộng khả năng xây dựng các mối quan hệ tốt xung quanh thì sẽ giống như “chú gà công nghiệp” mà mọi người vẫn nhắc tới, tức là học giỏi nhưng chỉ là lí thuyết và không áp dụng được thực tế.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Văn Sơn cũng cho rằng, cha mẹ luôn mong muốn điều tốt cho con cái nên nhiều người có phản ứng thất vọng khi con cái không được như mong muốn. Học sinh nhiều lúc cho rằng cha mẹ quá áp đặt, ít ai hiểu được tấm lòng cha mẹ, cũng không ít bậc cha mẹ thiếu kỹ năng làm bạn với con nên không tìm được tiếng nói chung, dẫn đến sự chán nản bất lực từ hai phía.
Lời khuyên của chuyên gia tâm lý ở đây chính là lời khuyên đối với các bậc cha mẹ, đừng vì mong muốn và kỳ vọng của chính mình mà khiến tâm lý con trẻ thêm căng thẳng. Thay vì đó, hãy cùng nhau động viên giúp con cái vượt qua những áp lực, khi đó con cái sẽ thấy cha mẹ không phải người áp đặt mà là người bạn đường đồng hành tiếp sức cùng con.
Một đứa con trưởng thành là công trình giáo dưỡng của cha mẹ, niềm tin của người cha người mẹ dành cho con mình có thể giúp con đứng vững trước sóng gió, giúp con thay đổi nhân sinh quan về cuộc đời và cả con đường sẽ đi về sau. Vì vậy, hãy trao niềm tin cho con mình!