Con bạo hành cha mẹ: Báo động về sự xuống cấp đạo đức gia đình

15:46 | 22/09/2020;
Bạo lực gia đình, ngược đãi người thân, nhất là đấng sinh thành, đang trở thành vấn đề gây nhức nhối xã hội, báo động về sự xuống cấp của đạo đức gia đình, làm xói mòn tính nhân văn, đạo hiếu vốn có của người Việt.

Gần đây, dư luận phẫn nộ về một đoạn video được phát tán trên mạng xã hội ghi lại cảnh một người phụ nữ liên tục chửi bới, dùng chổi đánh và hắt chất bẩn lên mặt một cụ già. Phẫn nộ hơn khi người thực hiện hành vi đó chính là con gái của cụ. Vụ việc đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về thực trạng xuống cấp của đạo đức gia đình, đạo đức của người phụ nữ.

Vụ việc đau lòng trên xảy ra tại huyện Cần Đước (Long An). Sau khi clip được lan truyền, cơ quan chức năng đã vào cuộc và xác định người con bất hiếu trong clip chính là Nguyễn Thị Hoa (56 tuổi, ngụ ấp 4, xã Long Hòa, Cần Đước). Hoa được xác định có hành vi ngược đãi mẹ ruột của mình. Ngày 8/9/2020, người con bất hiếu này đã bị công an khởi tố, bắt giữ để điều tra về hành vi trên. Nói về nguyên nhân ngược đãi mẹ ruột, Hoa khai "bà không có gì để lại, mà phải một mình chăm sóc bà nhiều năm nên sinh ra bực tức".

Con bạo hành cha mẹ: Báo động về sự xuống cấp đạo đức gia đình - Ảnh 1.

Vụ việc đau lòng xảy ra tại huyện Cần Đước (Long An)

Một trường hợp khác, không phải vì mẹ già không để lại tài sản, chỉ vì bà già yếu, đãng trí, không làm theo ý mình, vợ chồng Võ Quốc Tuấn, Phạm Thị Loan (SN 1956, trú tại huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) đã thay nhau hành hung, ngược đãi mẹ già. Vụ việc hồi đầu năm đã khiến dư luận phẫn nộ.

Bạo lực gia đình đã và đang là vấn nạn của xã hội, vi phạm đến quyền con người cũng như danh dự, nhân phẩm và tính mạng của mỗi cá nhân. Việc giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình là một công việc bền bỉ. Vì vậy, ngay từ công tác tuyên truyền, Vụ Gia đình sẽ cùng các tỉnh, thành chú trọng hơn công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hy vọng với những nỗ lực của cơ quan quản lý về công tác gia đình sẽ có sự phối hợp đồng bộ, tích cực của các cấp, các ngành và toàn xã hội, xóa bỏ và ngăn chặn được những vụ bạo lực gia đình đau lòng như báo chí và các phương tiện truyền thông đã phản ánh gần đây”.

Ông Khuất Văn Quý, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch

Trước đó, vào tháng 7/2020, Công an huyện Tri Tôn (Anh Giang) đã bắt giam một phụ nữ 56 tuổi vì có hành vi ngược đãi, bạo hành mẹ ruột của mình. Người phụ nữ bất hiếu tên Mai, đã liên tục đánh đập, đe dọa mẹ ruột của mình là cụ L. (87 tuổi) trước khi cụ qua đời. Toàn bộ hành vi ngược đãi của Mai đã bị camera ghi lại, sau đó bị phát tán lên mạng khiến dư luận phẫn nộ.

Tại Hà Nội, một cụ già gần 90 tuổi đã nhiều lần phải làm đơn đề nghị chính quyền xử lý hai người con bất hiếu, ngược đãi, đuổi cụ ra khỏi nhà.

Thực trạng đáng buồn trên cho thấy, bạo lực gia đình, ngược đãi người thân, nhất là đấng sinh thành, đang trở thành vấn đề gây nhức nhối xã hội, báo động về sự xuống cấp của đạo đức gia đình, làm xói mòn tính nhân văn, đạo hiếu vốn có của người Việt.

Xử phạt tội bất hiếu - kinh nghiệm thế giới

Mặc dù Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2017, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các bộ luật liên quan đã có các quy định cụ thể về việc con cái có hành vi bất hiếu với cha mẹ thì tùy vào mức độ, hành vi có thể bị cảnh cáo, phạt tiền hoặc có thể bị phạt đến 3 năm tù. Thế nhưng, những chế tài xử phạt dường như chưa đủ sức răn đe.

Hồi chuông báo động về sự xuống cấp đạo đức gia đình - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Nhìn ra thế giới, mỗi quốc gia áp dụng những luật lệ và chế tài khác nhau đối với loại tội này.

Tại Trung Quốc, năm 2013, nước này đã thông qua một điều luật buộc những người con đã trưởng thành ngoài trách nhiệm phụng dưỡng vật chất cho cha mẹ thì phải quan tâm, chăm sóc tới đời sống tinh thần của họ, thường xuyên phải về nhà thăm hỏi cha mẹ. Luật này cho phép người già có quyền khởi kiện và buộc con cái họ phải có trách nhiệm chăm sóc cha mẹ. Tại một ngôi làng ở tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc), nếu con cái không làm tròn bổn phận đạo hiếu sẽ bị bêu tên và hình ảnh lên bảng thông báo của làng.

Tại Anh quốc, các số liệu của cảnh sát từ năm 2010 đến 2019 cho thấy, bạo hành của con trai với cha mẹ tăng 30%, lên 5.294 vụ; bạo hành con gái với cha mẹ tăng gấp đôi, lên 1.598 vụ. Ông Michelle John, Giám đốc của PEGS, một tổ chức hỗ trợ những nạn nhân bị con cái bạo hành, cho biết, hằng ngày đều nhận được email kêu cứu của các bậc phụ huynh. Số liệu từ tổ chức này cho thấy, 71% cha mẹ xin hỗ trợ của PEGS là nạn nhân của con trai, 29% là con gái.

Nước Anh đã có một đạo luật về phòng, chống bạo lực gia đình, tội phạm và nạn nhân. Đối với tội ngược đãi hoặc hành hạ cha, mẹ hoặc người có công nuôi dưỡng mình, khung hình phạt cao nhất là 5 năm tù giam.

Tại Hoa Kỳ, chế tài đối với tội con cái bạo hành cha mẹ rất nghiêm khắc, dù cho mỗi bang có những quy định khác nhau. Ví dụ, tại bang California, con cái có hành vi bạo hành cha mẹ sẽ phải ngồi tù 364 ngày và nộp phạt 2.000 USD. Đấy là án phạt dành cho những trường hợp cha mẹ không bị tổn thương hoặc bị tổn thương nhẹ (về thể xác hoặc tinh thần). Còn đối với những trường hợp nghiêm trọng, có thể bị kết án tới 4 năm tù và bị phạt tiền lên đến 6.000 USD. Các hình phạt bổ sung cũng có thể được áp dụng: 3-5 năm tù nếu con cái gây thương tích nghiêm trọng đối với bố mẹ và 5-7 năm tù nếu nạn nhân chết vì bị bạo hành.

Tại Australia, Đạo luật Gia đình 1975 cho phép tòa án cấp án lệnh để cấm mọi hành vi bạo hành trong gia đình, trong đó có vấn đề con cái ngược đãi cha mẹ. Đối với hành vi bạo hành cha mẹ, kẻ phạm tội sẽ phải nhận án phạt từ 6 tháng đến 3 năm tù. Trong các trường hợp nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong, án phạt sẽ tăng nặng.

Chủ động chuẩn bị cho cuộc sống về già

Tiếp cận ở góc độ xã hội, bà Lê Thị Túy, chuyên gia tư vấn hôn nhân - gia đình, Trung tâm tư vấn tâm lý Tuổi trẻ hạnh phúc, nguyên nhân của những vụ việc kể trên xuất phát từ việc giáo dục, bồi đắp đạo hiếu trong gia đình không còn như trước. Ngày xưa, chữ hiếu được dạy rất kỹ như: Vào mùa đông, mỗi đêm trước khi cha mẹ đi ngủ, con phải nằm cho ấm chỗ trước để cha mẹ lên nằm không bị lạnh. Những câu tục ngữ như: "Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/ Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con"... được răn dạy hàng ngày. Con cháu không chỉ có hiếu với ông bà, cha mẹ khi còn sống mà còn phải hiếu cả khi họ đã mất đi, thờ cúng tổ tiên chu đáo. Ngày nay, giáo dục trong gia đình có sự thay đổi. Việc chăm sóc, giáo dục trẻ trong nhiều trường hợp được giao phó cho nhà trường và người giúp việc nhiều hơn. Thời gian bố mẹ dành cho con cái ít dần. Ngoài ra, việc cha mẹ chăm sóc, giáo dục con theo kiểu xem con là "trung tâm vũ trụ" khiến nhiều đứa trẻ sống ích kỷ, không biết quan tâm, yêu thương bố mẹ.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia này, điều kiện sống cũng ảnh hưởng đến việc chăm sóc bố mẹ già trong các gia đình hiện nay. Một bộ phận người già đã không chuẩn bị trước tương lai cho mình, tích lũy về kinh tế khi về già bị ốm đau, bệnh tật. Khi cuộc sống của con cái khó khăn, gánh nặng chăm sóc bố mẹ già ốm đau, bệnh tật dễ khiến họ bức xúc, có những hành động bất hiếu. Vì thế, để đạo Hiếu được giữ gìn, phát huy trong gia đình, một mặt chúng ta phải chú trọng vấn đề giáo dục con cái hàng ngày; ông bà, bố mẹ sống mẫu mực, làm gương để bồi đắp lòng hiếu thảo cho con cháu. Mặt khác, bản thân cha mẹ cần biết chủ động chuẩn bị cho cuộc sống về già của mình.

"Vấn đề con cái bạo hành cha mẹ, ông bà là vi phạm cả về pháp luật lẫn đạo đức. Các hành vi bạo lực đều phải được xử lý nghiêm minh và ngăn chặn triệt để. Các cơ quan chức năng đang trong quá trình điều tra, nếu kết quả đúng là con gái có hành vi ngược đãi, hành hạ mẹ già như trong clip thì có thể bị khởi tố về tội "Ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng với mình" theo quy định tại Điều 185 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Hình phạt có thể áp dụng là phạt tù đến 5 năm", Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn