Những vụ bạo lực học đường diễn ra liên tiếp gần đây với mức độ ngày càng nghiêm trọng nhưng nhiều cha mẹ vẫn coi đó là “trò đùa trẻ con”. Họ không biết rằng những đứa trẻ, nạn nhân của bạo lực học đường, không chỉ chịu đau đớn về thể chất mà còn ảnh hưởng tâm lý rất lớn.
Ở mức độ nhẹ, trẻ sợ đến trường, sợ gặp các bạn. Ở mức độ nặng hơn, trẻ bị căng thẳng, trầm cảm… Chính vì vậy, ngay từ khi trẻ đi học, cha mẹ cần quan sát, để ý xem con có bị bạo lực học đường, dạy con các kỹ năng phòng và tránh bị bắt nạt trong trường học.
Theo chuyên viên tư vấn học đường Võ Hồng Tâm, khi phát hiện con bị bạn bè đánh ở trường, cha mẹ cần giúp con bộc lộ những cảm xúc thật mà con đang có. Bởi vì, nhiều khi cha mẹ thấy con bị đánh ở mức độ nhẹ, nhưng với trẻ lại là việc nghiêm trọng. Ngược lại, nhiều khi người lớn nghĩ đó là vấn đề nghiêm trọng, nhưng trẻ chỉ cảm thấy bình thường. Trẻ cần bộc lộ cảm xúc một cách thật nhất, để cha mẹ biết chính xác sự việc ở mức độ nào, nó tác động đến tâm hồn trẻ ra sao.
Sau đó, dựa vào sự đánh giá của trẻ, cha mẹ đưa ra các phương án gợi ý giải quyết vấn đề. Cha mẹ nên hỏi trẻ chọn phương án nào con thấy phù hợp nhất.
Một việc rất quan trọng là cha mẹ hãy giúp trẻ xả stress. Ví dụ, trẻ đang sợ hãi, cha mẹ có thể cho trẻ nghỉ học 1 (vài) ngày, tuy nghỉ học không hẳn là phương án tối ưu, nhưng đôi khi lại cần thiết với một số trẻ.
Nghỉ học 1 (vài) ngày hoặc cuối tuần để trẻ đi chơi, xem phim... để trẻ giải phóng cảm xúc, sau đó, cho trẻ tự đánh giá lại cảm xúc đó bằng chính trải nghiệm của bản thân. Không nên để việc trẻ bị bạo lực diễn ra thường xuyên, cho dù đó là bạo lực ở mức độ nhẹ. Cha mẹ cần tìm cho trẻ một nhóm bạn mà ở đó trẻ được yêu thương, để trẻ không bị cô lập hay cảm thấy cô đơn.
Với các vụ bạo lực học đường diễn ra ở các em tuổi teen, theo chị Võ Hồng Tâm, nguyên nhân sâu xa đến từ sự yếu đuối của trẻ. “Các em yếu đuối với những chuyện xảy ra với chính mình. Khi gặp chuyện không như ý, các em trút bực tức lên người khác. Người lớn biết hậu quả của việc trút giận lên người khác nên biết dừng lại. Nhưng các em tuổi teen thì không nghĩ được hậu quả nên trút giận lên những kẻ yếu hơn. Các em sợ một mình thì yếu nên thường gia nhập đám đông và bạo lực học đường trở thành của một nhóm và một cá nhân. Những đứa trẻ khác sợ bị cô đơn, cô lập nên cũng hùa vào ăn hiếp bạn, không dám bảo vệ bạn vì sợ bị đánh”
“Nếu các em quản lý được cảm xúc, mạnh mẽ hơn, chấp nhận những chuyện xảy ra với mình, nhận thức đúng được vấn đề thì đã không xảy ra bạo lực học đường. Chính vì vậy, bố mẹ phải dạy cho con sự mạnh mẽ. Nếu đứa trẻ mạnh mẽ sẽ biết tự bảo vệ mình, biết bảo vệ bạn mình, sẽ dám lên tiếng trước vụ việc bạo lực. Nếu 10 phụ huynh dạy con mạnh mẽ thì có 10 đứa trẻ mạnh mẽ, sẽ có 10 đứa trẻ lên tiếng bảo vệ, ngăn cản việc bạo lực”, chị Hồng Tâm cho biết.
Trước vụ bạo lực học đường vừa diễn ra với nữ sinh lớp 9 ở Hưng Yên, nhà văn Hoàng Anh Tú cũng có những lưu ý dành cho cha mẹ để giúp trẻ tránh bị bắt nạt trong trường học:
- Cha mẹ cần luôn tin vào những gì con nói. Đừng xua đuổi con, đừng nghi ngờ con và cũng đừng coi nhẹ những lời con nói.
- Cha mẹ cần luôn để mắt tới con Những đứa trẻ nào dễ bị bắt nạt thì càng phải để ý tới chúng nhiều hơn. Coi trọng những dấu hiệu cho thấy con cái mình đang bị uy hiếp, bắt nạt như trẻ sống thu hẹp mình, hay sợ hãi, tâm trạng phấp phỏng, lo âu…
- Cha mẹ đừng quên dạy trẻ những kỹ năng về phòng tránh bạo lực học đường. Hãy cho trẻ biết chúng luôn được cha mẹ, thầy cô bảo vệ. Cha mẹ cũng cần tạo cho con tâm lý thoải mái để con có thể chia sẻ bất cứ chuyện gì với cha mẹ.
- Cha mẹ cần để mắt đến cả những hành vi nếu con thích bạo lực, hay sử dụng bạo lực. Cha mẹ đừng quên kết nối với bạn bè của con. Chúng sẽ là tai mắt hữu hiệu của mình.
- Cha mẹ nên nhớ làm sạch môi trường quanh con bạn bằng việc nói không với bạo lực- bắt nạt- nói xấu. Trừng phạt mạnh tay với những hành vi này ngay khi nó mới manh nha bắt đầu.
- Hãy cho con thấy bố mẹ sẽ làm gì nếu con bị bắt nạt. Trẻ sẽ yên tâm hơn khi biết cha mẹ, thầy cô luôn có sẵn những giải pháp bảo vệ chúng.