Vào năm 2012, tại một phiên đấu giá ở thành phố Trương Gia Cảng (Giang Tô, Trung Quốc), một con cá đao sông Dương Tử dài 45,3cm và nặng 325 gram được bán với 59.000 NDT (khoảng 190 triệu VND), tương đương khoảng 4 cây vàng thời điểm đó.
Trước khi có lệnh cấm đánh bắt, giá cá đao Dương Tử sẽ được tính tùy theo kích cỡ; thông thường từ 100 gram trở lên có thể bán với giá 6.000 NTD/kg, từ 150 gram trở lên giá sẽ gấp đôi nên cho dù là không được bán đấu giá, thì giá của con cá hơn 300 gram trên cũng sẽ vượt quá 20.000 NDT/kg.
Ban đầu cá đao cũng là thực phẩm thường xuyên xuất hiện trên bàn ăn nhưng do bị đánh bắt quá mức nên chúng dần biến mất, đẩy giá cả lên cao.
Cá đao là một loại cá di cư ở sông Dương Tử, thường sống ở biển và không sống theo đàn, tuy nhiên vào mùa sinh sản từ tháng 2 đến tháng 3 hàng năm, chúng sẽ tập trung tại Hải Khẩu và bơi theo đàn vào sông sinh sản.
Cá đao có kích thước nhỏ nhưng vào mùa sinh sản hàng năm sẽ sinh trưởng với số lượng lớn nên từ xưa, chúng là loài cá kinh tế phổ biến nhất ở sông Dương Tử, thậm chí toàn bộ khu vực ven biển.
Là một loài cá kinh tế, cá đao được chia thành nhiều loại tùy theo nơi sinh trưởng khác nhau, bao gồm đao sông, đao hồ và đao biển.
Ngoài cá đao sông Dương Tử, Trung Quốc còn có cá đao sông Tân Hội, cá đao sông Hoàng Hà hay cá đao sông Tiền Đường...
Tất cả các loài cá đao di cư đều có "trải nghiệm" tương tự nhau nhưng do đánh bắt quá mức nên đã trở thành một loài có nguy cơ tuyệt chủng. Hiện nay, việc đánh bắt cá đao sông đã bị cấm nhưng cá đao biển thì không nên dòng này đang lưu hành trên thị trường.
Tuy vậy, cá đao biển không trải qua quá trình sinh sản di cư, đồng thời sống trong nước biển, mùi vị được cho là kém hơn nhiều so với cá đao sông.
Trong các loài cá đao ở Trung Quốc, cá đao sông Dương Tử nổi tiếng nhất và được bán với giá cao nhất.
Trước đây, cá đao sông Dương Tử ít có nguy cơ bị tuyệt chủng, chủ yếu là do nhu cầu ít và kỹ thuật đánh bắt còn hạn chế.
Với sự phát triển của công nghệ đánh bắt, hàng hóa từ khắp nơi bắt đầu lưu thông toàn Trung Quốc nên nhu cầu về cá đao bắt đầu tăng vọt, đỉnh điểm là vào những năm 1970.
Theo Chinanews, vào năm 1973, sản lượng cá đao sông Dương Tử đạt 3.750 tấn nên vào thời điểm đó, chúng chỉ có giá vài tệ một kg.
Đến năm 1983, chỉ trong 10 năm, sản lượng cá đao Dương Tử hàng năm giảm xuống chỉ còn 370 tấn; kể từ thế kỷ 20, chưa bao giờ vượt quá 100 tấn.
Do sản lượng khai thác giảm mạnh nên giá cá đao bắt đầu tăng cao, năm 2014, trong thời kỳ cao điểm (tháng 3), cả sông Dương Tử không đánh bắt được 50 kg/ngày, lúc này giá cá đao tăng gấp bội.
Cá đao sông Dương Tử có giá trị văn hóa riêng. Nó ảnh hưởng mạnh mẽ tới ẩm thực khu vực sông Dương Tử, thậm chí còn được đưa vào thơ ca.
Do càng nổi tiếng nên càng được săn đón dẫn đến số lượng cá đao sông Dương Tử ngày càng cạn kiệt. Mà càng ngày càng hiếm là thuộc tính của các mặt hàng xa xỉ, cá đao vô hình trung trở thành hàng xa xỉ và thực khách thưởng thức cá đao cũng dựa vào đó để thể hiện địa vị.
Thực tế, theo nhiều người cá đao không hẳn có "hương vị thần tiên" mà ngược lại, chúng nhỏ con, ít thịt nên người tiêu dùng trẻ khó ưa thích.
Nhưng chỉ cần nó đắt và đủ hiếm, nó sẽ trở nên đắt hơn và hiếm hơn.
Do bản tính hung dữ, khi bị mắc vào lưới, nó sẽ vùng vẫy một cách tuyệt vọng dẫn đến chết trong vòng vài phút khi lên khỏi mặt nước, điều này cũng gây khó khăn cho việc chăn nuôi nhân tạo.
Mấy năm nay, nghề nuôi cá đao tại Trung Quốc có bước đột phá. Dù giá cá đao nuôi bán tương đối rẻ nhưng ít người ăn, thậm chí không ai thèm để ý, điều này chỉ cho thấy thị trường tiêu thụ không lớn.
Trong bối cảnh, những người tiêu dùng trẻ vốn đã không thích ăn thì những người muốn dùng cá đao để thể hiện địa vị càng không thể hài lòng với cá nuôi.
Bắt đầu từ năm 2021, Trung Quốc đã thực hiện lệnh cấm đánh bắt cá đao trong 10 năm nhằm khôi phục hệ sinh thái của loài cá này.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn