Con cận kề thi THPT Quốc gia, mẹ như 'ngồi trên lửa'

11:31 | 30/03/2017;
Hành trình cùng con “vượt vũ môn” chưa bao giờ hết lo lắng, hồi hộp với nhiều bậc phụ huynh, nhất là khi mỗi năm, Bộ GD&ĐT lại 'xới xáo' một số điểm trong cách thi, cách đăng ký xét tuyển. Vì thế, nỗi lo càng chồng chất.

Chỉ còn 2 ngày nữa (từ 1/4), con gái sẽ chính thức cầm bộ hồ sơ đăng ký dự thi và xét tuyển vào đại học để ghi vào những lựa chọn chính thức về nghề nghiệp của mình trong tương lai. Chị Vũ Thu Hà (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) dù đã rất nhiều lần cùng con bàn bạc các cơ hội nghề nghiệp, song hai mẹ con vẫn chưa đi đến thống nhất cuối cùng.

“Con gái tôi rất thích theo ngành truyền thông, báo chí, nhưng tôi khuyên cháu cân nhắc bởi ngành này vất vả. Báo chí cũng chưa chắc có tương lai tốt khi mạng xã hội, thời đại số hóa chiếm lĩnh. Nhưng con vẫn một mực bảo vệ quan điểm khi nói rằng đam mê của con là trở thành nhà báo”, chị Hà chia sẻ.

Lựa chọn ngành nghề cho con khiến gia đình chị Hà đau đầu để tâm khi kỳ thi đang đến rất gần. Điều này khác với năm ngoái, khi thí sinh thi xong xuôi mới tính đến phương án lựa chọn nghề. Các em chỉ cần tập trung thi có kết quả thật tốt, sau đó dựa vào kết quả này để cân nhắc kỹ ngành, trường, phù hợp với mức điểm.

Năm nay, học sinh phải đăng ký nguyện vọng trước khi thi. Điều này khiến con gái tôi rất phân tâm khi việc ôn thi đang trong giai đoạn nước rút. Gia đình cũng mệt mỏi cân nhắc, bởi việc thay đổi nguyện vọng chỉ diễn ra 1 lần sau kỳ thi. Vì thế đây được coi là công việc quan trọng nhất trước kỳ thi”, chị Hà than thở.

thi8.jpg
Hình ảnh lo lắng hồi hộp quen thuộc của phụ huynh vào mỗi mùa thi

Cùng một nỗi lo, chị Đỗ Thị Hoa (Q.Hoàng Mai, Hà Nội) hiện cũng rối bời khi cùng con chuẩn bị các bước cần thiết trước lúc dự thi. Khá bất ngời khi đọc các hướng dẫn mới của con gái, chị Hoa cho biết năm nay nhiều tổ hợp mới được hình thành để xét tuyển, tạo thêm nhiều cơ hội hơn cho sĩ tử.

“Môn Giáo dục công dân còn được đưa vào xét tuyển ở một số ngành như ngành luật, đây là điều rất mới. Nhiều tổ hợp mới toanh lần đầu tiên tôi được thấy cũng xuất hiện. Điều này đáng mừng, tuy nhiên theo tôi từ năm sau, các trường cần công bố sớm hơn những thông tin để ngay từ đầu, thậm chí từ khi vào lớp 10, các con sớm có định hướng cụ thể cho việc ôn thi để đạt hiệu quả cao hơn”, chị Hoa nhìn nhận.

Về điều này, chuyên gia tư vấn việc làm Nguyễn Thị Ngọc Trinh (Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên Hà Nội) cho rằng, bố mẹ cần có một quá trình nhất định khi muốn định hướng nghề con con, tránh những hoang mang không đáng có.

Theo bà Trinh, điều quan trọng nhất là bố mẹ phải biết con mình ở trình độ nào, có thể theo học những ngành nào ở trường tốp nào là phù hợp. Vì các con đang rất lo lắng nên lúc này, bố mẹ hãy trở thành chỗ dựa tin tưởng cho con.

“Bố mẹ hãy làm “kim chỉ nam” cho con lựa chọn nhưng phải trên cơ sở lắng nghe con và hướng dẫn các con. Chưa hiểu biết thì bố mẹ có thể vào mạng tìm hiểu và chủ động trao đổi. Vai trò của phụ huynh là định hướng hỗ trợ ban đầu, còn quyết định là ở các con. Các con phải yêu thích và đam mê thì mới theo đuổi đến cùng ngành nghề lựa chọn”, bà Trinh đưa ra lời khuyên.

Theo Bộ GD&ĐT, từ ngày 1/4/2017 đến ngày 20/4/2017, thí sinh đăng ký dự thi THPT Quốc gia và đăng ký xét tuyển. Sau ngày 20/4/2017, thí sinh không được thay đổi Điểm thi và các thông tin về bài thi/môn thi đã đăng ký. Chậm nhất đến ngày 25/5/2017, các đơn vị đăng ký dự tuyển hoàn thành việc thu Phiếu đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT và hồ sơ xét công nhận tốt nghiệp THPT kèm theo; nhập dữ liệu của thí sinh vào phần mềm quản lý thi.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn