Con đầu mất vì bạo bệnh, con thứ hai phải lọc máu, người mẹ nghèo bất lực không còn tiền chữa chạy

15:16 | 23/08/2023;
Sinh ra 2 đứa con đều bị bệnh thiếu máu, chị Phương đằng đẵng 7 năm đưa con đi viện, giờ con đầu không may qua đời. Chị gắng gượng để điều trị cho người con thứ 2 nhưng nhà nghèo nên không biết mai này ra sao.

Quặn lòng khi cả hai con thơ cùng mắc bạo bệnh

Da vàng nhợt nhạt, sắc mặt bủng beo, gầy gò là hình ảnh đứa con của gia đình chị Lò Thị Phương (1989, bản Ta Ngần, Chiềng Ly, Thuận Châu, Sơn La). Gia đình chị Phương trước đây có 2 cháu, cháu đầu sinh năm 2013 và cháu thứ 2 sinh năm 2014. Niềm vui của gia đình chị là được chứng kiến các con trưởng thành, khỏe mạnh để được học hành, vui chơi cùng chúng bạn.

Tưởng chừng, gia đình sẽ luôn êm ấm, hạnh phúc và cố gắng làm lụng chắt chiu từng đồng để lo cho con cái. Nhưng ai ngờ, sinh ra 2 đứa con thì cả 2 không may đều bị thiếu máu. Cháu đầu phát hiện từ lúc 2 tuổi rưỡi, điều trị nhiều năm đã không may mất trước tết 2023 và bé thứ 2 di truyền từ lúc 4 tháng tuổi. 

Kể từ ngày các con bị bạo bệnh, bao nhiêu tiền của tích lũy bấy lâu trong nhà vợ chồng chị Phương đem ra chạy chữa cho hai con với mong muốn được khỏe mạnh như bao bạn đồng trang lứa.

Sau nhiều năm chữa trị nhưng bệnh của cháu đầu không hết, cháu bị lách to nên bác sĩ cho cắt lách rồi bị biến chứng và ra đi trong vòng tay gia đình.

"Cháu đi cắt về không được may mắn như các bạn khác, tiểu cầu của cháu lên cao xong tắc mạch chảy máu nội sọ. Cháu biến chứng sau cắt lách và mất vào 17/1 tết âm năm 2023. 

Chị Phương cùng người con trai thứ 2 của mình

Lúc cháu mất gia đình em buồn lắm, mọi thứ đều sụp đổ. Con mình điều trị lâu dài như thế cũng hụt hẫng, chắc ông trời chỉ cho cháu được như thế thôi"- Chị Phương nước mắt lưng tròng.

Tai ương chưa dừng lại, khi cậu con trai đầu lòng mất 20 ngày thì chị Phương phải truyền 5 đơn vị ở Viện huyết học để sang viện E mổ. Chị Phương bảo mình bị u xơ, thiếu máu, thiếu sắt.

"Đợt đấy cả 2 mẹ con nằm viện điều trị mẹ truyền máu, con truyền máu. Cháu ra viện, em gửi cháu về ông bà ở quê chăm còn em sang viện E mổ." 

Hàng tháng, chị Phương đều gói ghém đồ đạc để đưa bé thứ hai xuống Viện Nhi Trung Ương điều trị. Mỗi lần điều trị khoảng 10 đến 15 ngày nếu có vấn đề gì phát sinh thì hai mẹ con sẽ phải ở lại lâu hơn nữa.

Gia đình có 4 thành viên, nay hết 3 người mang bệnh, mà lại là "căn bệnh của người giàu". Cuộc sống gia đình chị đã khó khăn nay lại còn khó khăn hơn.

Cảnh nghèo nuôi con bệnh tật

Đứa con thứ 2 của anh chị đang phải từng ngày để chiến đấu với tử thần do bệnh thiếu máu. Căn bệnh hiểm nghèo ấy đang đè nặng lên đôi vai của vợ chồng chị Phương vì vừa phải lo cái ăn cái mặc, lại vừa phải lo tiền chạy chữa cho đứa con "đói máu" của mình.

Chồng chị Phương là lao động chính trong nhà, nhưng anh đi làm thuê cũng thất thường, phụ hồ ngày đi ngày không. Còn chị Phương ở nhà làm nương rẫy và đảm đương việc đưa con đi viện mỗi tháng. Ở vùng sâu vùng xa như gia đình chị thì chăn nuôi trồng trọt cũng chẳng được bao nhiêu.

Mỗi tháng xuống Hà Nội một người chăm con, một người đi làm. Chi phí điều trị tùy cho con thì theo từng tháng, có tháng, các bé phải dùng bổ gan thì chi phí hết nhiều nhưng thường thường rơi vào khoảng 5- 6 triệu đồng.

Căn nhà hầu như không còn gì giá trị vì tài sản đã bán để chữa trị cho con

"Khi cháu đầu lúc còn sống thì tiền chạy chữa rơi vào tầm khoảng 8- 9 triệu đồng. Bố cháu đi làm nên không xuống thăm con được. Cháu đi viện kinh phí cũng tốn kém nên phải trông chờ vào đồng lương thì anh ấy". Chi Phương chia sẻ.

Kinh tế ở nhà cũng bấp bênh trông chờ vào mỗi chồng đi làm, của cải ông bà cho đa số đã bán cho các cháu đi viện. Có tháng phải vay mượn anh em họ hàng, có tháng không có thì nhà có gì cần bán phải bán hết. Nhà chị có nuôi gà, vịt nếu khó khăn không vay mượn được cũng phải bán mà bán cũng chẳng được bao nhiêu.

Nhìn căn bệnh hiểm nghèo hành hạ đã khiến các con xanh xao, cơ thể yếu ớt mà lòng người mẹ như chị đau như cắt. "Cháu cũng hay nhắc đến anh của cháu. Cháu cũng chỉ biết anh trai mất là bị thiếu máu rồi mất còn lí do chắc không biết được bởi vì cháu đang còn hồn nhiên vô tư chưa hiểu nhiều". Chị Phương kể.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn