Đau nhức hông lan xuống chân có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như đau thần kinh tọa, viêm khớp, viêm bao hoạt dịch, hội chứng đau mấu chuyển lớn, lạc nội mạc tử cung,...
Nếu các triệu chứng của bạn trở nên trầm trọng hơn khi thực hiện một số hoạt động nhất định hoặc khi nằm xuống, đã đến lúc cần thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân là gì và có biện pháp điều trị thích hợp. Tránh cho việc gặp phải những biến chứng nghiêm trọng do không được điều trị kịp thời gây ra.
Để hiểu nguyên nhân gây đau lan từ hông xuống chân, điều quan trọng trước tiên là phải hiểu vị trí của các khớp ở vùng này trên cơ thể.
Hông là khớp nối giữa đầu xương tròn và chỗ lõm, nơi xương chậu và xương đùi tiếp xúc nhau, có vai trò quan trọng trong việc duy trì khả năng di chuyển.
Cơn đau hông lan xuống chân cũng có thể bắt nguồn từ khớp cùng chậu (SI), chứ không phải khớp hông. Khớp cùng chậu nối với xương cùng ở khung chậu phía bên trái và bên phải. Không giống như các khớp khác trong cơ thể (ví dụ khớp gối), độ linh động của khớp cùng chậu cực kỳ ít. Khớp này đóng vai trò cần thiết cho việc di chuyển, đứng yên và sự cân bằng của hông.
Dưới đây là những nguyên nhân có thể gây đau nhức hông lan xuống chân mà bạn có thể tham khảo:
- Đau thần kinh tọa
Đau dây thần kinh tọa là cơn đau xảy ra do một chấn thương hay những kích thích ở dây thần kinh tọa, dây thần kinh khởi phát từ vùng mông, cơ mông. Vì thế mà đau dây thần kinh tọa có thể gây đau nhức hông lan xuống chân, thậm chí là tới bàn chân.
Có nhiều nguyên nhân có thể gây đau thần kinh tọa bao gồm: Thoát vị đĩa đệm, các thoái hóa khớp, hẹp sống sống, chấn thương cột sống thắt lưng, các khối u trong ống sống thắt lưng gây chèn ép dây thần kinh tọa, hội chứng chùm đuôi ngựa, hội chứng cơ hình lê, trượt đốt sống,...
Ngoài cơn đau nhức ở hông lan xuống chân thì đau thần kinh tọa có thể gây ra cơn đau nhói ở vùng lưng dưới, cơn đau cũng nghiêm trọng hơn khi người bệnh ngồi, khó đứng dậy hơn kèm theo cảm giác nóng rát, ngứa ran ở chân; tê và yếu ở một bên chân hoặc cả hai chân (thường là ở một bên).
- Viêm khớp
Viêm khớp đề cập đến một nhóm các tình trạng viêm gây đau và viêm ở khớp, bao gồm cả khớp hông. Viêm xương khớp và viêm khớp dạng thấp đều là hai loại viêm khớp có thể gây đau hông lan xuống chân.
Viêm xương khớp là loại viêm khớp phổ biến nhất và dẫn đến sự “hao mòn” lớp sụn đệm các khớp. Với tình trạng này, cơn đau của bạn có thể nặng hơn khi đi lại hoặc có thể kèm theo tình trạng cứng khớp. Trong đó tình trạng viêm khớp cùng chậu có thể ảnh hưởng tới cả lưng dưới và mông dẫn tới những cơn đau nhức từ mông xuống bắp chân. Cơn đau này cũng nghiêm trọng hơn nếu người bệnh đứng trong một thời gian dài hoặc di chuyển lên xuống ở đường dốc như cầu thang.
Viêm khớp dạng thấp là một tình trạng tự miễn dịch và xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công chất lỏng hoạt dịch ở khớp dẫn đến viêm, đau và biến dạng khớp. Bạn có thể dễ bị đau và cứng khớp khi thức dậy hoặc sau một thời gian dài không cử động.
Nhìn chung, việc đau lan tỏa có thể phụ thuộc vào vùng xương khớp nào bị viêm và mức độ viêm.
- Viêm bao hoạt dịch khớp háng (viêm bao hoạt dịch vùng mấu chuyển khớp háng)
Viêm bao hoạt dịch là một nguyên nhân có thể khác gây đau hông. Túi hoạt dịch là những túi chứa đầy chất lỏng có chức năng đệm cho xương, cơ và gân ở các khớp. Viêm bao hoạt dịch xảy ra khi bao hoạt dịch bị nhiễm trùng hoặc viêm.
Cơn đau do viêm bao hoạt dịch có thể dữ dội trong vài ngày đầu trước khi giảm dần thành cơn đau âm ỉ. Tình trạng này trầm trọng hơn khi di chuyển (chẳng hạn như ra khỏi giường hoặc ô tô), sau khi đứng yên trong một thời gian dài và sau khi ngủ ở bên bị ảnh hưởng. Đặc biệt khi ấn vào vùng khớp bị viêm sẽ có cảm giác đau nặng nề. Khớp bị viêm có thể bị sưng đỏ hoặc bầm tím.
Nguyên nhân gây viêm bao hoạt dịch có thể bao gồm: Vận động hông quá mức hoặc lặp đi lặp lại, chấn thương ở hông, viêm hông, gai xương hông, chiều dài chân không đều, vẹo cột sống, bệnh gout.
- Rách sụn viền ổ cối
Rách sụn viền ổ cối là thương tổn xảy ra ở vòng sụn ở vành ngoài ổ cối khớp hông. Ngoài nhiệm vụ làm lớp đệm ở khớp hông, vòng sụn này còn hoạt động như một vòng cao su để giữ chỏm xương đùi cố định trong hố ổ cối.
Cơn đau nhức hông lan xuống chân có thể trở nên trầm trọng hơn khi thực hiện các động tác vặn người hoặc khi ngồi, đứng hoặc đi bộ trong thời gian dài. Khi cử động khớp hông có cảm giác khớp "lạo xạo". Đôi khi tình trạng cứng khớp xảy ra khiến người bệnh bị hạn chế phạm vi chuyển động.
- Hội chứng đau mấu chuyển lớn (GTPS)
Đây là một hội chứng bao gồm đau ở khu vực này do chấn thương gân của cơ mông nhỡ hoặc cơ mông nhỏ. Các dấu hiệu cho thấy cơn đau hông của bạn là do GTPS gây ra bao gồm: Đau cứng khớp buổi sáng, đau khi nằm hoặc ngủ ở bên bị ảnh hưởng, đau khi hoạt động như đi bộ hoặc tập thể dục và đau nhức ở một bên hông.
- Lạc nội mạc tử cung
Lạc nội mạc tử cung là một nguyên nhân khác có thể gây ra đau hông lan xuống chân. Dù tình trạng này không được đề cập phổ biến nhưng cũng rất quan trọng để xem xét.
Lạc nội mạc tử cung là một bệnh trong đó mô tương tự như niêm mạc tử cung phát triển ở nơi khác trong cơ thể, dẫn đến đau, viêm và các triệu chứng khác. Đáng chú ý, những người bị lạc nội mạc tử cung thường mô tả cơn đau của họ “tỏa ra” từ xương chậu xuống chi dưới.
Điều này có thể là do các tổn thương ảnh hưởng đến các dây thần kinh gần đó có thể dẫn đến đau ở hông, lưng và chân cũng như các vùng khác trên cơ thể.
Có một số cách để giảm đau nhức hông tại nhà. Hãy chú ý tới những triệu chứng bất thường và tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia y tế nếu cơn đau nhức hông trở nên nghiêm trọng hơn, đau dữ dội hoặc ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.
Các biện pháp giảm đau nhức hông lan tỏa có thể bao gồm:
- Thuốc không kê đơn (OTC): Thuốc giảm đau OTC như ibuprofen, acetaminophen, aspirin và naproxen có thể giúp giảm đau và viêm nhẹ trong thời gian ngắn.
- Giãn cơ: Một số động tác giãn cơ nhất định, chẳng hạn như các động tác giãn khớp SI, có thể giúp giảm đau ở hông, lưng dưới và chân.
- Nghỉ ngơi: Trong một số trường hợp, cơn đau nhức hông lan xuống chân là do hoạt động quá mức, tốt nhất bạn nên nghỉ ngơi và tránh tập thể dục hoặc nâng vật nặng trong vài ngày và xem liệu điều đó có giúp ích hay không.
- Chườm đá: Đối với cơn đau hông khởi phát cấp tính hoặc cơn đau bùng phát, chườm lên vùng hông đau nhức với túi chườm nước đá chuyên dụng có thể giúp giảm sưng viêm. Hãy chườm khoảng 20 phút mỗi lần sau hai đến ba giờ cho tới khi cảm thấy cơn đau được giảm bớt. Lưu ý không chườm đá trực tiếp lên da vì có thể gây ra bỏng lạnh.
Bên cạnh đó, thật không may là cơn đau nhức hông lan xuống chân có thể ảnh hưởng không nhỏ tới giấc ngủ, đặc biệt là với những người có thói quen ngủ nghiêng do tư thế này gây áp lực lên lên vùng hông. Bởi vậy mà để cảm thấy thoải mái hơn khi ngủ, đặc biệt là khi cơn đau đang diễn ra, hãy thử nằm ngửa, gác chân lên một chiếc gối và dọc hai bên thân người để duy trì tư thế dễ hơn.
Cơn đau nhức hông lan xuống chân được mô tả là cảm giác đau nhức âm ỉ hoặc đau bỏng rát khớp hông; đôi khi cơn đau sắc nhọn hơn, đau nhói kèm theo cảm giác tê yếu một bên chân; ngứa ran hoặc co thắt, chuột rút chân.
Điều quan trọng là lưu ý tới những thói quen có thể khiến cơn đau nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như ngủ nghiêng, đau khi ngủ dậy vào buổi sáng, đau sau khi ngồi trong một thời gian dài hay đau khi di chuyển, tập thể dục, xoay khớp hông,...
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra cơn đau nhức hông lan xuống chân là gì mà bác sĩ sẽ có những chỉ định điều trị thích hợp cho từng trường hợp. Các biện pháp điều trị nhức hông có thể bao gồm thuốc giảm đau kê đơn, vật lý trị liệu, thuốc tiêm hoặc phẫu thuật.
Hãy thăm khám bác sĩ nếu các triệu chứng đau nhức hông không có dấu hiệu giảm nhẹ mà còn nghiêm trọng hơn ngay cả khi đã áp dụng các biện pháp giảm đau tại nhà. Gặp bác sĩ sớm nếu cơn đau kéo dài trên một tuần và bắt đầu có những ảnh hưởng nhất định tới sinh hoạt, cuộc sống cũng như giấc ngủ hàng ngày.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn