Mẹ chồng tôi là một người sống theo chủ nghĩa cá nhân. Tức là bà chỉ thích quan tâm đến mỗi bản thân mình. Làm đẹp, ăn uống, mua sắm, hưởng thụ du lịch… tất cả mọi thứ bà đều thích làm một mình và không muốn chia sẻ với ai, kể cả người thân gia đình.
Bố chồng tôi đã quen với điều đó nên suốt bao năm chung sống ông kệ cho vợ muốn làm gì thì làm. Ông bà độc lập kinh tế, việc ai nấy làm, con cái trưởng thành thì kệ cho tự lo. Cả chồng tôi lẫn anh trai chồng đều không phàn nàn gì về chuyện bố mẹ vô tâm, họ bảo bố mẹ cho tiền ăn học nuôi lớn là được rồi.
Đến lúc về làm dâu tôi mới biết gia đình chồng có lối sống kỳ cục như vậy. Người thân trong định nghĩa của họ chính là “thân ai người nấy lo”. Cả ngày có mỗi bữa cơm tối quây quần đầy đủ thì cũng không ấm cúng cho lắm. Vợ chồng anh trai cứ cắm đầu vào điện thoại. Bố mẹ chồng thì người bê bát ra xem tivi, người thì vừa ăn vừa gọi điện video “chém gió”. Có mỗi vợ chồng tôi ngồi ngay ngắn gắp thức ăn và trò chuyện với nhau.
Tôi không ưa sự ích kỷ của các thành viên trong gia đình chồng nhưng vì sống chung nên tôi buộc phải thích nghi. Chồng tôi cũng bảo vợ chịu khó thêm vài năm nữa, 2 đứa tích cóp tiền rồi dọn ra ở riêng. Giá nhà ở Hà Nội giờ quá đắt rồi, lương chúng tôi chẳng đủ để mua nổi mảnh đất nên có lẽ sẽ đi thuê. Cơ mà thuê cũng chẳng sao hết, miễn có không gian riêng tư là được.
Chúng tôi dự định cày cuốc thêm 2 năm nữa mới sinh con, nhưng đùng cái bị vỡ kế hoạch. Nhà chồng khi hay tin tôi mang bầu thì không ai chúc mừng, cũng không ai hỏi han. Có mỗi bên nhà ngoại mở tiệc và tặng quà, tôi tự nhủ, sinh xong dọn ra ngoài ở.
Vật vã hơn 9 tháng đến ngày đi đẻ thì em bé trong bụng chẳng có dấu hiệu muốn ra. Kết cục tôi phải lên bàn mổ, cạn ối nên bác sĩ phải lấy con tôi ra gấp. Suốt hành trình đi đẻ cực nhọc có mỗi chồng với bố mẹ ruột cạnh bên. Còn nhà chồng tôi tuyệt nhiên không ai tới, mẹ chồng chỉ nhắn tin hỏi: “Nó đẻ chưa?”.
Sinh xong tôi định về bên ngoại ở cữ nhưng mẹ chồng bỗng dưng tốt bụng đột xuất. Bà nói cháu nội cũng là máu mủ ruột thịt nên bà muốn tự tay chăm sóc. Tôi ngao ngán khi nghĩ tới sự vô tâm của bà, đoán rằng mọi chuyện sẽ không vui vẻ như từ trước đến giờ vẫn vậy. Và y rằng sóng gió tràn đến ngay từ tuần đầu tiên.
Vì đẻ mổ nên tôi đau thấu trời. Mấy hôm đầu khi về nhà tôi gần như rất ít khi di chuyển. Muốn đi đâu cũng phải nhờ chồng dìu, ngồi dậy cũng đau phát khóc.
Chồng nghỉ phép được 3 hôm xong lại phải đi làm để kiếm tiền mua sữa cho con. Vợ của anh trai chồng rảnh rỗi nhưng không ngó ngàng gì, tôi cũng chẳng mong được chị ấy giúp đỡ nên cố gắng tự làm hết mọi thứ. Trộm vía con tôi ngoan, nó chỉ bú mẹ rồi ngủ, không quấy đêm nên tôi được nghỉ ngơi khá nhiều.
Vì giành chăm con dâu ở cữ nên mẹ chồng tôi phải chịu trách nhiệm cơm nước. Miệng bà nói với bên thông gia là bà lo từ A đến Z, nhưng sự thật thì bà chỉ xuất hiện trong phòng tôi mỗi giờ ăn trưa với ăn tối. Còn lại thì cháu khóc cháu ị, cháu cần thay bỉm hay cần giặt đồ là không thấy bà nội đâu.
Điều đáng sợ nhất chính là mẹ chồng cho tôi ăn toàn cơm bụi! Bà trả sẵn tiền 1 tuần cho quán cơm bình dân ngoài chợ, bảo họ đến giờ là mang 1 suất đến. Hôm nào mẹ chồng ở nhà nhận đồ thì bà sẽ đổ ra bát đĩa hẳn hoi, còn nếu bà đi vắng thì bố chồng sẽ xách nguyên cả cái hộp xốp lên cho con dâu.
Tôi mổ đẻ nên phải kiêng nhiều thứ, nhưng cơm bụi thì luôn có rau muống, trứng rán, thịt gà, thịt bò. Chưa kể vệ sinh không đảm bảo làm tôi vừa ăn vừa sợ. Có bữa tôi chỉ gẩy gót được mấy miếng thịt kho, còn lại phải đổ đi hết.
Than thở với chồng thì anh góp ý với mẹ ngay. Song bà không hề để tâm đến những gì chúng tôi nói, thậm chí bà còn trách tôi rằng: “Đã có người hầu hạ còn đòi hỏi”. Tôi chẳng hiểu ngày xưa bà đẻ 2 cậu con trai xong ở cữ kiểu gì?
Tủi thân quá nên tôi gọi điện sang khóc với nhà ngoại. Bố mẹ tôi nghe chuyện xong giận lắm, qua tận nơi nói chuyện phải trái với bà sui. Mẹ tôi tuyên bố nếu bên nội không chăm được thì để bên ngoại đón về, chứ không thể để một sản phụ mới sinh xong ăn uống linh tinh thiếu chất như vậy được. Bà xót con xót cháu, trách con rể một thì trách cả nhà con rể mười. Từng ấy người mà không ai nấu nổi cho tôi một bát cơm nóng.
Sai rành rành ra nên mẹ chồng tôi chẳng nói lại được câu nào. Bà cứ ngồi khoanh tay im lặng từ đầu đến cuối.
Sau cuộc nói chuyện căng thẳng ấy thì mẹ chồng đã chấm dứt việc gọi cơm hộp. Bà vào bếp nấu cho tôi toàn món đơn giản, loanh quanh chỉ có thịt luộc, rau luộc với canh suông. Tôi biết khả năng nấu ăn của bà ở mức trung bình nên cũng chẳng dám hi vọng, đến thực đơn ở cữ tôi nhặt trên mạng về gửi cho bà nấu theo mà bà còn không xem. Từ hồi về làm dâu là cơm ngon toàn một tay tôi nấu.
Hôm nay con sốt quấy do mới đi tiêm xong nên tôi mệt lử. Về đến nhà đói lả ra, tôi bảo mẹ chồng nấu sớm sớm với nhiều thức ăn một chút để hồi sức lại.
2 tiếng trôi qua vẫn chưa có cơm ăn. Tôi ngó xuống hỏi mẹ chồng xong chưa thì bà trả lời cộc lốc: “Sắp”. Đợi đến 1h chiều đói quá không chịu nổi, tôi đi xuống dưới xem như nào thì phát hiện mẹ chồng không có trong bếp.
Thấy đĩa thịt xào còn ấm nên tôi gắp mấy miếng ăn vụng. Xong tôi lấy bát ra định xúc cơm nóng ăn luôn thì phát hiện chuyện khác ngỡ ngàng hơn. Đó là nồi cơm không hề có gạo!
Mẹ chồng cắm điện nhưng quên không đặt nồi vào bên trong. Cái nồi đựng gạo sống vẫn còn nguyên trên nóc tủ lạnh. Chắc bà mải xem video Tiktok nên quên.
Vừa đói vừa nản, tôi phải cắm lại nồi cơm. Xong tôi nhắn tin cho chồng kể lể, anh liền gọi hỏi ngay xem mẹ đang ở đâu. Lát sau bà đủng đỉnh đi về. Tôi đoán bà sang hàng xóm "buôn chuyện". Tôi nhắc khéo rằng bà quên cho nồi gạo vào cắm, bà liền nói một câu khiến tôi sững sờ: “Ừ thế chịu khó nhịn tí, lát gạo chín thì tự lấy mà ăn”.
Trước đây có lần tôi quên không bật nút nồi cơm nên bị mẹ chồng mắng lên bờ xuống ruộng. Bà lôi chuyện ấy ra kể ngày này qua tháng khác như kiểu con dâu phạm phải sai lầm khủng khiếp lắm. Giờ đến lượt bà quên thì… tôi là người chịu trận...
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn