Nhiều chướng ngại vật phải vượt qua
Để trở thành chủ nhân của ngôi nhà số 10 phố Downing, ông Boris Johnson đã vượt qua không ít khó khăn, thử thách. Sau khi tốt nghiệp đại học, Johnson bắt đầu sự nghiệp trong ngành báo chí và được sự hỗ trợ đáng kể từ gia đình.
Ông từng là trưởng đại diện tại Brussels của tờ Daily Telegraph phụ trách mảng Liên minh châu Âu từ năm 1989 tới 1994. Kể từ đó, ông bắt đầu thúc đẩy phong trào báo chí chống lại châu Âu. Ông cũng đã nắm vị trí chủ bút của tờ Telegraph và tờ Spectator. Năm 2008, ông tham gia cuộc đua tranh chức Thị trưởng London và giành chiến thắng trước Thị trưởng mãn nhiệm Ken Livingstone. Ông đã tổ chức chương trình chia sẻ xe đạp tại London có tên gọi “Boris bikes”, quan tâm đến các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng lớn. Ông Johnson đảm nhiệm vị trí Thị trưởng London trong 2 nhiệm kỳ và ông từ chối tham gia tranh cử nhiệm kỳ thứ 3 năm 2016 khi tiến trình trưng cầu ý dân về Brexit đang diễn ra.
Ông Johnson đã thúc đẩy chiến dịch rời bỏ EU năm 2016 và công khai nói về sự rạn nứt trong quan hệ với Thủ tướng Anh David Cameron, người ủng hộ chiến dịch ở lại EU. Sau khi phe ủng hộ Brexit giành chiến thắng, đã có nhiều dự đoán rằng ông sẽ trở thành Thủ tướng. Tuy nhiên, người được lựa chọn là bà Theresa May. Ông Johnson đã được Thủ tướng May bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Anh ngày 13/7/2016 bất chấp tồn tại những mâu thuẫn giữa họ. Thế nhưng, ông đã từ chức năm 2018 để phản đối thỏa thuận giữa Thủ tướng May với EU.
Trong cuộc bỏ phiếu lựa chọn lãnh đạo đảng Bảo thủ hôm 23/7, cựu Ngoại trưởng Boris Johnson đã đánh bại đương nhiệm Ngoại trưởng Jeremy Hunt với số phiếu áp đảo. Chiến thắng này đã đưa ông Johnson lên vị trí lãnh đạo mới của đảng Bảo thủ cầm quyền, đồng nghĩa với việc trở thành Thủ tướng của nước Anh. Thế nhưng nhiều người hoài nghi về thành công của ông Johnson bởi trong 3 năm qua, nước Anh đã có một thủ tướng nổi tiếng về tinh thần kỷ luật và cần mẫn là bà Theresa May nhưng cũng không thể có nổi một thoả thuận Brexit tốt nhất cho nước Anh. Do đó, ít người tin là một nhân vật có tính cách khó đoán, thậm chí bốc đồng như ông Boris Johnson có thể tạo nên một đột phá tích cực với tiến trình Brexit chỉ trong vòng 3 tháng.
Kịch bản không thỏa thuận là bước đi mà vô số nhà đầu tư và kinh tế đã cảnh báo sẽ tạo ra những biến động mạnh trên thị trường thế giới, đẩy nền kinh tế thứ năm thế giới vào tình trạng suy thoái, thậm chí hỗn loạn. Đây cũng là kịch bản sẽ làm suy yếu vị thế của London như trung tâm tài chính hàng đầu thế giới. Mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 0,5% trong quý I/2019 được coi như là kết quả của việc tăng sản xuất và dự trữ hàng hóa trước thời hạn chót 29/3 như kế hoạch ban đầu của Brexit. Nhưng GDP trong quý 2/2019 đã phản ánh tình trạng bất ổn và sự lưỡng lự trong quyết định đầu tư, phần lớn là do Brexit gây ra. Trước những lo ngại về tương lai mờ mịt của nước Anh sau khi rời EU, ông Johnson tuyên bố những chỉ trích hay nghi ngờ đều “sai lầm” và “những người đặt cược vào sự thất bại của nước Anh sẽ thua trắng lưng”.
Những bước đi quyết liệt
Sau khi nhậm chức Thủ tướng ngày 24/7, ông Boris Johnson cam kết sẽ thực hiện tiến trình Brexit vào đúng thời hạn chót là 31/10. Tuy nhiên, theo ông Boris Johnson, Anh phải chuẩn bị kịch bản cho khả năng Brexit không thỏa thuận nếu EU tiếp tục từ chối đàm phán lại thỏa thuận do cựu Thủ tướng Theresa May đạt được với các nhà lãnh đạo “ngôi nhà chung” tháng 11/2018. Ông Johnson khẳng định, ông có kế hoạch đạt một thỏa thuận Brexit mới mặc dù EU nhiều lần tuyên bố sẽ không đàm phán lại thỏa thuận hiện nay.
“Tôi có niềm tin rằng trong 99 ngày, chúng tôi sẽ bẻ khóa nó. Người dân Anh chờ đợi đủ rồi. Đã đến lúc hành động, đưa ra quyết định, đưa ra sự lãnh đạo mạnh mẽ và thay đổi đất nước này tốt hơn”, ông nói. Theo tân Thủ tướng Anh, London sẽ không chờ đợi thêm và giờ là thời điểm để hành động, đưa ra quyết định cũng như vai trò đi đầu mạnh mẽ nhằm thay đổi đất nước vì một tương lai tươi sáng hơn.
Công việc đầu tiên của ông Johnson trên cương vị thủ tướng mới là thành lập nội các mới. Ông có quyết tâm cứng rắn khi sa thải hơn một nửa nội các của bà Theresa May, lấp đầy đội ngũ của ông với các cựu chiến binh bỏ phiếu rời châu Âu và các nhà thị trường cánh tả. Tiến trình đưa ông Boris Johnson lên làm Thủ tướng Anh đã phơi bày rất rõ các mâu thuẫn và rạn nứt sâu sắc trên chính trường Anh trong thời gian qua.
Trước hết, là mâu thuẫn trong chính nội bộ đảng Bảo thủ. Do đó, điều cần thiết nhất với ông lúc này là sự đoàn kết và ủng hộ của đảng Bảo thủ bởi ít thủ tướng thời bình nào của nước Anh lại nhậm chức trong bối cảnh có nhiều thách thức chính trị như hiện tại. Với cá tính và phong cách gây tranh cãi, cộng thêm các quan điểm có phần cực đoan và mập mờ về Brexit của ông Johnson, chính trường Anh những ngày tới còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng nổ xung đột hơn so với trước kia, đặc biệt khi mà Brexit đã đi đến giai đoạn khó có thể trì hoãn thêm và các bên cần phải đưa ra một quyết định dứt khoát.
Ưu tiên tiếp theo của ông Johnson sẽ là quan hệ với Mỹ. Trong gần 1 thế kỷ qua, Anh và Mỹ là đồng minh đặc biệt và hầu như tất cả các đời thủ tướng Anh đều coi quan hệ với Mỹ là hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại của mình. Từ khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ, quan hệ này có phần kém nồng nhiệt hơn do nước Mỹ đang dần từ bỏ các cam kết với châu Âu còn bản thân ông Trump lại hay can thiệp và bình luận khá thô bạo vào công việc nội bộ của nước Anh, khiến quan hệ giữa ông Trump với chính phủ, cá nhân bà Theresa May và một bộ phận chính giới Anh không tốt. Tuy nhiên, ông Johnson có thể thay đổi điều này vì ông Johnson có nhiều điểm tương đồng với ông Trump, được coi là một “Donald Trump phiên bản Anh” và có quan hệ cá nhân rất tốt với ông Trump. Vì thế, chắc chắn ông Johnson sẽ ưu tiên quan hệ với Mỹ, nhất là khi ông Boris Johnson luôn coi việc ký kết một Hiệp định thương mại tự do với Mỹ là dự án có tính sống còn cho nước Anh thời kỳ hậu Brexit.
Trở thành Thủ tướng trong bối cảnh nhiều thách thức bủa vây, cho tới nay cách giải quyết của tân Thủ tướng nước Anh về vấn đề Iran vẫn chưa rõ ràng. Một số người chỉ trích ông Johnson cho rằng cựu Ngoại trưởng Anh “không giỏi” trong việc xử lý một cuộc khủng hoảng quốc tế nhạy cảm như vậy.