Con đường vào cuộc trăm năm

23:33 | 22/09/2015;
Vài năm gần đây, hễ nói đến chuyện chuẩn bị cưới hỏi là các đôi uyên ương ở Sài Gòn lại nghĩ ngay tới đường Hồ Văn Huê.

Đường một chiều nhưng lúc nào cũng đông đúc. Ngoài dòng người từ phía Q.Gò Vấp đổ ra trung tâm thành phố để làm việc còn có rất đông người qua lại để tìm hiểu về các dịch vụ cưới hỏi. Bởi trên quãng đường chỉ dài ngót 800m này có cả trăm cửa hiệu dịch vụ cưới hỏi

“Có thể nhiều cửa hiệu ở đây chưa có tên tuổi như các studio áo cưới ở đường Ba tháng Hai (Q.10), nhưng chất lượng dịch vụ thì không hề thua kém, giá cả lại “dễ chịu” hơn hẳn”, Huyền My (Q.Bình Thạnh) chuẩn bị lên xe hoa, chia sẻ khi đang cùng vị hôn phu chọn thuê áo cưới.

Từ ngã 3 Nguyễn Kiệm rẽ vào, một “không gian cưới hỏi” đậm đặc mở ra trước mắt, với những tiệm áo cưới kiêm studio chụp ảnh cưới san sát liền kề. Rất khó để tìm thấy một căn nhà mặt tiền nào bày bán hàng hóa hay dịch vụ khác ngoài dịch vụ cưới hỏi. Cách đây chừng dăm bảy năm, ban đầu chỉ có vài tiệm áo cưới được mở ra. Thế rồi ào một cái, bao nhiêu người từ những nơi khác đổ về thuê mặt bằng mở tiệm áo cưới. Một số người có nhà ở đây cũng “nhanh chân” vừa đi “học nghề”, vừa đầu tư mở tiệm ngay tại nhà. Chỉ trong vòng khoảng 1 năm, cả con đường bỗng chật cứng các tiệm áo cưới. Những nhà nào không đủ điều kiện tài chính mở tiệm áo cưới thì cũng “ăn theo” với các dịch vụ cho thuê quả, thuê phụ kiện, hoặc cung cấp người bưng quả, phục vụ đám cưới…

“Mở một tiệm áo cưới có cần nhiều tiền không?”, chúng tôi hỏi. Một chủ cửa hàng bật mí: “Nhiều hay ít tùy vào quy mô cửa hiệu nhưng tối thiểu cũng phải 1 tỉ đồng. Anh nhìn xem, trang trí một tiệm áo cưới để cho nó trở nên lộng lẫy, mỗi mannequin đều như một nàng tiên nữ thế này, hỏi tiền đổ vào bao nhiêu cho đủ? Đó là chưa kể đến việc đầu tư công nghệ chụp ảnh. Thời nay, các cô dâu chú rể đòi hỏi ảnh cưới phải rất cầu kỳ, lãng mạn mà cá tính. Thế nên đầu tư từ máy móc đến thuê thợ cần phải có một khoản vốn đáng kể. Nếu không “chịu chi” thì chỉ có thua, vì cạnh tranh ở đây dữ dội lắm”.

Con đường ghi dấu ấn của biết bao đôi lứa

Dạo một lượt từ đầu tới cuối con đường mất gần một buổi, Huyền My vừa gạt mồ hôi trên trán, vừa băn khoăn: “Cứ như bị lạc vào mê hồn trận ấy, vì ở tiệm nào cũng treo nhiều mẫu áo cưới rất đẹp nhưng lại có phong cách khác nhau. Nãy giờ xem, thử qua vài chục chiếc mà đã “chấm” tới 7-8 chiếc. Tất nhiên là không thể thuê tất cả số áo cưới này về, nhưng bây giờ phải chọn cái nào thì thật là khó”. Sự đời kể cũng lạ, khi có quá nhiều quyền lựa chọn - mà toàn lựa chọn “trên mức tuyệt vời” - vậy mà người ta vẫn cứ… than!

Mới chọn áo cưới mà đã thấy đôi bạn trẻ muốn… nổi nóng với nhau, đến khi bàn về chuyện chụp ảnh cưới thì họ nổi nóng thật sự. Đức Duy, chồng sắp cưới của  My, thích bộ ảnh mang lại ấn tượng mạnh, cá tính ở một tiệm nọ, trong khi cô thì cứ khăng khăng đòi phải theo “trường phái” lãng mạn, nhẹ nhàng tại một tiệm khác. Cãi nhau đến mức My chuẩn bị dùng “vũ khí nước mắt” thì Huy bất ngờ “xuống nước”. “Thừa thắng xông lên”, My quyết luôn nơi thuê áo cưới. Thế là lại cười tít mắt. Rồi họ nắm tay nhau bước vô tiệm để ký hợp đồng.

Cách đây khoảng chục năm, đường Hồ Văn Huê còn vắng vẻ lắm. Dân trên con đường này chủ yếu là các gia đình quân nhân mới được cấp đất xây nhà. Họ chỉ biết cải thiện đời sống bằng các tiệm tạp hóa, buôn bán nhỏ. Những tụ điểm nổi tiếng nhất thời ấy là mấy quán nhậu, trong đó nổi tiếng nhất là quán Tuấn Bạc với đặc sản thịt rắn. Thế nhưng, mọi chuyện thay đổi rất nhanh kể từ khi những trung tâm tiệc cưới lớn gần đó mọc lên, nhất là White Palace phía đường Hoàng Văn Thụ và Diamond Place ngay trên đường Hồ Văn Huê.

Những trung tâm tiệc cưới này mang lại một trào lưu mới về phong cách cưới hỏi vừa trẻ trung, sống động, vừa sang trọng, cầu kỳ. Kế tiếp là hàng loạt trung tâm tiệc cưới lớn khác mở ra ở các khu vực lân cận. Lúc này, hầu hết những con đường kia đều đã “định vị” với những nghề khác. Vậy là đường Hồ Văn Huê được chọn để phát triển dịch vụ đám cưới. Từ đó, nó nghiễm nhiên trở thành “con đường vào cuộc trăm năm” của nhiều đôi lứa.

Hồ Văn Huê (1917-1976) quê Long An, là bác sĩ, đại tá quân y, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam. Từ năm 1947, ông đã cùng với nhiều y, bác sĩ, dược sĩ khác mở Phòng dược Khu 7, bào chế thành công nhiều loại tân dược phục vụ cho công tác phòng, chữa các bệnh nguy hiểm như sốt rét, kiết lị, sâu quảng…

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn