Nhật Bản
Truyền thuyết Nhật Bản kể lại rằng, tổ tiên của dân tộc, nữ thần Mặt trời Amaterasu vì tức giận hành động ngang ngược của người em trai là thần Bão Tố Susano nên đã lánh vào hang động, khiến dương gian chìm trong bóng tối. Các vị thần đã cho những chú gà trống khỏe nhất đậu trên những thanh gỗ bắc thành những cây sào cất tiếng gáy vang với hy vọng khi nữ thần nghe tiếng gà gáy sẽ ló dạng như thói quen của bà khi bình minh đến. Quả nhiên, nữ thần Amaterasu đã ra khỏi hang, mang lại ánh sáng ấm áp cho trần thế.
Lễ hội Gà trống Tori no Ichi thường được tổ chức ở đền Otori ở quận Taito-Asakusa, đền Hanazono ở Shinjuku, đền Kitano ở Kanano và đền Ebara ở Shinagawa… tại Nhật Bản. |
Chính vì vậy ở Nhật Bản, gà trống là một biểu tượng linh thiêng gắn liền với các câu chuyện thần thoại. Thanh sào mà gà trống đậu lên chính là nguồn gốc của chiếc cổng Torii, biểu tượng ngăn cách 2 thế giới linh thiêng và phàm tục trong Thần đạo.
Lễ hội gà trống ở Nhật Bản ngày nay có tên là Tori no Ichi - cũng có nghĩa là con gà nhưng được viết theo chữ Hán. Trước đây, lễ hội này được gọi là Tori no Machi hay Otorisama. Ban đầu, lễ hội được tổ chức tại các đền thờ Otori Jinja như một nghi lễ nông nghiệp với ý nghĩa tạ ơn thần linh đã mang cho nhà nông một vụ mùa bội thu. Trong dịp này, người nông dân dùng gà trống như một vật tế để cảm tạ thần linh. Về sau, vào thời Edo (1600 - 1868), Toro no Machi được đổi tên thành Toro no Ichi với ý nghĩa cầu mong sự bình an trong cuộc sống với sự sung túc, thịnh vượng trong kinh doanh.
Ngày nay, đền Otori ở quận Taito-Asakusa, đền Hanazono ở Shinjuku, đền Kitano ở Kanano và đền Ebara ở Shinagawa… là những nơi tổ chức lễ hội Toro no Ichi được nhiều người biết đến.
Pháp
Việc lấy gà trống Gô-loa (Gaulois) làm biểu tượng, trước hết nó bao hàm sự chơi chữ hài hước của người Pháp. Tổ tiên của họ là người Gô-loa, trong tiếng Latinh viết là Gallus còn có nghĩa là ‘gà trống’.
Ngoài ra gà trống còn là một con vật giữ vai trò thiết yếu của vùng nông thôn. Nó được ví như đồng hồ báo thức và người giám hộ. Hàng ngày, những con gà trống thức dậy gọi bình mình, hiên ngang đi vòng quanh trang trại để bảo vệ bầy đàn. Nó cũng sở hữu một ngoại hình đẹp đẽ: oai vệ với mào đỏ rực, đuôi dài màu xám xanh cong lên như những đoản kiếm. Sự cảnh giác và lòng dũng cảm của những chú gà trống đã trở thành lý do khiến nó trở thành biểu tượng của người Pháp.
Hình ảnh chú gà trống Gô-loa kiêu hãnh của nước Pháp. |
Thời Trung Cổ, gà trống Gô-loa được người Pháp sử dụng như một biểu tượng tôn giáo, thể hiện niềm hy vọng và đức tin. Hình ảnh những con gà trống thường xuất hiện trên các tháp chuông nhà thờ, tháp canh.
Vào thời kỳ Phục Hưng, hình ảnh những con gà trống được gắn liền với sự hình thành của nước Pháp. Dưới các vương triều ở thời kỳ này, các bản chạm khắc và đồng tiền đều mang hình ảnh gà trống. Nó cũng xuất hiện trên lá cờ trong cuộc Cách mạng Pháp và tượng trưng cho sự kiên cường, lòng dũng cảm của người dân nước này trong thế chiến thứ hai. Ngoài ra, phần lớn người Pháp đến bây giờ vẫn coi gà trống Gô-loa là biểu tượng của sự chân thành và tươi sáng.
Ngoài ra, trong lịch sử xa xưa của nước Pháp, chính quyền cũng chính thức công nhận gà trống thể hiện bản sắc quốc gia. Nó có mặt trên đồng tiền, chiếc mũ đỏ của các chiến sĩ cách mạng... Hình ảnh ẩn dụ của thần Bác ái luôn có một cây gậy mang trên đầu một con gà trống.
Gà trống cũng xuất hiện trên đồng xu của nước Pháp. |
Trong giai đoạn 1870-1940, cánh cổng sắt của điện Elysées (Phủ tổng thống ngày nay) được trang trí bằng một con gà trống và gọi là ‘Cổng gà trống’. Ngày nay, du khách tới Pháp vẫn có thể chiêm ngưỡng cánh cổng này cũng như tìm thấy biểu tượng gà trống ở bảo tàng Louvre hay điện Versailles.
Hiện nay, gà trống Gô-loa không còn là biểu tượng chính thức của nước Cộng hòa Pháp, nhưng nó vẫn thể hiện một khía cạnh nào đó về quốc gia này. Đặc biệt, nó vẫn là biểu tượng của các đoàn vận động viên quốc gia trong các cuộc đua tài thể thao quốc tế.
Trung Quốc
Trong tiếng Hán, đại kê (gà trống) gần âm với chữ đại cát. Đây là nội dung của một quẻ bói tốt nhất cho công việc hoặc tương lai của con người được sử dụng trong tranh thay cho lời chúc lành mà người ta gửi đến nhau trong ngày xuân.
Gà có ảnh hưởng sâu rộng trong dân gian Trung Quốc. Vào đời Hán, trong dân gian có tục đeo gà trống đón xuân vào ngày lập xuân, phổ biến ở vùng bắc tỉnh Sơn Tây và một số vùng ở Sơn Đông. Gà trống đón xuân còn gọi là gà xuân, là đồ trang sức được phụ nữ dùng vải vụn kết trước lúc lập xuân rồi cho trẻ con đeo lên người với ý nghĩa xuân mới cát tường. Vùng Hồ Bắc, Hồ Nam, Chiết Giang xưa gọi ngày mồng 1 tháng Giêng âm lịch gọi là ‘ngày Gà’. Hôm đó, người ta xem thời tiết mưa nắng thế nào để dự đoán sự hưng vượng của ngành nuôi gà năm đó, nếu nắng thì tốt, mưa thì xấu, trong ngày gà kị đánh mắng gà.
Gà là một trong 12 con giáp. Trung Quốc có nhiều phong tục dân gian liên quan đến con gà. |
Phong tục cưới hỏi ở Trung Quốc xưa thường hay có gà. Vùng Hà Bắc, Sơn Đông lấy gà sống lâu làm sính lễ tượng trưng cho cát tường như ý. Gần đến ngày cưới, nhà trai chuẩn bị một con gà trống đỏ, nhà gái chuẩn bị một con gà mái dầu. Hai con gà này không được giết nên gọi là gà sống lâu.
Thời xưa dân tộc Hán và một số dân tộc thiểu số rất thịnh hành phong tục giao tế uống rượu máu gà. Khi kết nghĩa anh em, họ giết một con gà trống, lấy máu nhỏ vào ly rượu của mỗi người, rồi cùng thề và uống rượu hòa máu gà để tỏ lòng trung thành, có phúc cùng hưởng, có hoạn nạn cùng chia.
Chọi gà là môn giải trí truyền thống của người Trung Quốc, thời gian và hình thức tổ chức mỗi nơi một khác. Vùng Khai Phong tỉnh Hà Nam tổ chức lễ hội chọi gà vào ngày 22 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Ở La Thành tỉnh Quảng Tây thì tổ chức sau mùa thu hay trong dịp tết. Chọi gà rất được ưa chuộng vào thời Xuân Thu, đến thời Đường, không những trong dân gian có trường chọi gà mà cả nhà vua cũng yêu thích môn chơi này.
Những thành ngữ tục ngữ của người Trung Quốc về gà có rất nhiều, như ‘Hạc lập kê quần’ (Hạc giữa đàn gà) ví người tài năng xuất chúng, ‘Sơn kê vũ kính’ (Gà rừng múa trước gương) ví là ngắm bóng thương mình…