Một nhà tư vấn tâm lý ở Trung Quốc từng kể câu chuyện: "Một nữ sinh 15 tuổi chưa bao giờ để tóc dài và không dám mặc váy. Khi được hỏi, cô cho biết: "Em rất sợ mặc và soi gương vì nghĩ mình xấu". Nhưng trên thực tế, ngoại hình của cô vô cùng dễ nhìn. Sau đó, chuyên gia kia mới biết rằng: Cha mẹ sợ con yêu sớm nên từ nhỏ đã thường xuyên chê bai, nói cô xấu xí, ăn mặc không đẹp...".
Có câu: "Một gia đình muốn đi lên thì trở ngại lớn nhất không phải là đói nghèo mà là xích mích nội bộ". Nếu cha mẹ luôn cãi vã, hay đánh đập, chê bai, mắng mỏ con cái thì gia đình sẽ chìm trong áp lực, theo đó, con cái sẽ thường xuyên bị những cảm xúc như lo lắng, tự ti, hoảng sợ và dần mất đi niềm vui học tập và cuộc sống.
Ngược lại, nếu một gia đình tràn đầy sự thư thái, các thành viên trong nhà bao dung và quan tâm đến nhau, con cái sẽ tự nhiên tràn đầy năng lượng, làm việc hiệu quả và không dễ bị ảnh hưởng bởi những cảm xúc tiêu cực.
Muốn nuôi dạy con trưởng thành như mong muốn, cha mẹ phải lưu ý những điều sau để tránh mang năng lượng tiêu cực cho trẻ.
Cách đây ít lâu, có một đoạn video khiến cư dân mạng Trung Quốc sửng sốt: Bé gái 5 tuổi bị cha treo ngược ngoài cửa sổ. Nguyên nhân hóa ra là cô bé lỡ đi tiểu trong phòng. Vốn dĩ chỉ là một chuyện nhỏ nhặt, nhưng vì cách cư xử hung hãn của người cha, có thể đã để lại vết đen cả đời cho đứa trẻ.
Một phụ huynh kể: "Bạn tôi phàn nàn về cậu con trai luôn rụt rè khi ra ngoài và không dám tự quyết định mọi việc. Sau đó, tôi phát hiện ra rằng hành vi của đứa trẻ là từ chính gia đình mình. Khi ăn, bạn của tôi hoặc nói rằng đứa trẻ không ngồi đúng cách, hoặc gắp đồ ăn chưa thanh lịch. Càng nói, sắc mặt đứa trẻ càng ngày càng khó coi, bé cắn 2 miếng đã đặt đũa xuống, bỏ đi".
Trong cuộc sống, quả thật có rất nhiều bậc cha mẹ luôn chê bai hay vì một chuyện vặt vãnh mà nổi giận làm con cái đau lòng. Chê con trẻ không chỉ là thói quen của nhiều phụ huynh mà có người còn xem đó như là một cách để giáo dục con, chê với suy nghĩ để con biết khiêm nhường và không ngừng cố gắng. Một đứa trẻ thường xuyên phải nghe những lời chê bai sẽ nghi ngờ, mất tự tin và dễ dàng bị triệt tiêu khả năng khám phá, sáng tạo.
Đặc biệt, các chuyên gia tâm lý cảnh báo khi sống trong môi trường bị chỉ trích, con trẻ sẽ gánh những tổn thương lâu dài rất khó hồi phục để tìm giá trị của bản thân. Ngoài ra, trẻ có xu hướng chỉ trích, phê phán người khác, không thừa nhận khả năng của người khác nên rất khó thành công trong cuộc sống.
Như một cư dân mạng đã chia sẻ: "Sau nhiều năm, tôi đã thay đổi rất nhiều. Bố mẹ tôi rất yên tâm và cho rằng họ đã dạy con tốt. Tuy nhiên, chỉ có tôi mới hiểu: Những lời trách mắng, chèn ép năm ấy đã để lại trong lòng tôi bao nhiêu tổn thương. Tôi đã sử dụng phần còn lại của cuộc đời để chữa lành tuổi thơ".
Nếu một đứa trẻ được so sánh với một cái cây, thì phẩm chất nhân cách lành mạnh là bộ rễ được chôn sâu trong lòng đất. Thành tích học tập chỉ là một chiếc lá trên cây. Làm thế nào một cái cây có thể phát triển một khi rễ của nó bị sâu mọt?
Những đứa trẻ lớn lên trong sự cay nghiệt của cha mẹ thường có cuộc sống khó khăn hơn, học tập cũng ít có thành tích nổi bật. Là cha mẹ, điều quan trọng nhất chúng ta nên học là quản lý những cảm xúc tiêu cực.
Mỗi đứa trẻ lớn lên qua thử nghiệm và sai lầm. Cha mẹ hãy học cách kiềm chế cảm xúc của mình, để ngôi nhà trở thành nơi trú ẩn ấm áp, những đứa trẻ sẽ tỏa nắng và tự tin.
Khi Dale Carnegie - nhà văn nổi tiếng người Mỹ, tác giả của cuốn sách Đắc Nhân Tâm - lên 9 tuổi, cha mẹ ông ly hôn. Trong lần đầu tiên gặp mẹ kế, người cha đã giới thiệu con mình theo cách không quá tích cực: "Em à, hy vọng em sẽ để ý đến đứa bé tệ này. Nó đã khiến anh bất lực".
Tuy nhiên, người mẹ kế không hùa theo sự xúc phạm của chồng, mà nói rằng Carnegie là đứa trẻ thông minh và sáng tạo nhất trong quận. Lời khẳng định này đã khích lệ Carnegie rất nhiều và truyền cảm hứng cho tiềm năng vô hạn của cậu. Kể từ đó, cậu đã thay đổi, cuối cùng trở thành một người giàu có ở Hoa Kỳ và một nhà văn nổi tiếng thế giới, đồng thời là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất trong thế kỷ 20.
Đây là sức mạnh của việc được khích lệ. Nó làm cho mọi người cảm thấy hạnh phúc và hài lòng. Những đứa trẻ được khuyến khích cũng sẽ phát triển ý thức trách nhiệm và điều chỉnh lời nói cũng như hành động của mình với các tiêu chuẩn cao hơn, để xứng đáng với sự kỳ vọng và tin tưởng của cha mẹ.
Khi trẻ gặp khó khăn, cha mẹ nên động viên: "Mẹ tin con sẽ làm được, con hãy cố gắng lên nhé"; Khi trẻ gặp trở ngại, cha mẹ có thể nói: "Mẹ biết điều này không dễ dàng, nhưng khó khăn chỉ là tạm thời thôi. Bố mẹ luôn ở bên con, hãy cùng nhau giải quyết"; Khi con đạt được kết quả nhờ chăm chỉ, cha mẹ nên đưa ra phản hồi tích cực: "Con thật tuyệt vời, con đã làm rất tốt việc này việc kia, bố mẹ tự hào lắm".
Cha mẹ thông minh biết dùng kính lúp để tìm điểm sáng ở con cái, biết dùng nhãn mác khích lệ để uốn nắn con cái. Sự khích lệ này chính là động lực để trẻ phát triển, chỉ khi liên tục được công nhận, trẻ mới có thể tràn đầy tự tin và dũng khí.
Là cha mẹ, chúng ta phải dạy con những quy tắc nhưng cũng cho con biết rằng "bạn yêu con vô điều kiện". Bằng cách này, trẻ sẽ đặt kỳ vọng vào bản thân, rút ra bài học từ những sai lầm và tiếp tục phát triển.
"Mặc dù cha mẹ không đồng ý với những gì con làm, nhưng cha mẹ vẫn yêu con, hiểu con và sẵn sàng đồng hành cùng con". Đây là những gì trẻ em muốn nghe. Những đứa trẻ luôn bị cha mẹ can ngăn sẽ không thể đi nhanh và đi xa.
Bản thân sự trưởng thành của một đứa trẻ là một quá trình không ngừng trải qua những thất bại và cảm giác đau đớn. Điều cha mẹ phải làm là giúp con thắt dây an toàn và để con hiểu rằng chúng luôn có thể tiến về phía trước và phấn đấu vì một tương lai tươi sáng với sự đồng hành không mệt mỏi của cha mẹ sau lưng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn