Sau khi quyết định chia tay người chồng bội bạc, người phụ nữ ấy dắt theo cô con gái 4 tuổi trở về nhà bố mẹ đẻ. Nhà có 4 chị em, các anh chị đều thương cô em út. Với cháu gái bé bỏng, các bác và anh chị em họ đều ưu tiên hơn. Các gia đình đi nghỉ mát, tổ chức liên hoan, hoạt động gia đình đều cố gắng sắp lịch để cháu gái có thể tham gia nên cô bé còn được đi chơi nhiều hơn các anh chị họ. Tiền học phí của cháu gái, các bác cũng hỗ trợ hết sức nên cô bé được tạo điều kiện học hành đầy đủ.
Hơn chục năm, cuộc sống êm đềm trôi qua, người phụ nữ ấy cảm thấy cân bằng và tập trung chăm chút cho cuộc sống của hai mẹ con. Đến năm vừa rồi, cô rung động trước một người đồng nghiệp mới chuyển về, kém cô 3 tuổi, chưa từng kết hôn. Cô biết tình cảm của cậu ấy không phải kiểu bồng bột của thanh niên mới lớn. Cộng thêm bố mẹ và các anh chị đều ra sức "đẩy thuyền" nên cô đã không cưỡng lại được sức hút của cậu ấy. Thương cậu ấy từ tỉnh khác chuyển đến thành phố làm việc, thuê nhà ở một mình buồn, ăn uống không đảm bảo, bố mẹ cô còn dành một phòng nhỏ trong nhà để thỉnh thoảng cậu ấy ghé chơi, ăn uống, nghỉ lại. Vào cuối tuần, nếu hai người không đi chơi đâu xa thì cậu ấy có thể ở lại nhà cô từ chiều thứ Sáu.
Trong lòng cô vẫn lấn cấn phản ứng của gia đình cậu ấy với hoàn cảnh của mình. Thêm vào đó là nỗi lo sinh con ở tuổi 40 có thể gặp nhiều rủi ro. Nhưng cô hoàn toàn không nghĩ đến phản ứng của con gái mình. Chính vì sự kết thân quá nhanh và tần suất xuất hiện của cậu ấy quá dày nên cô bé không thích nghi kịp. Cô bé chống đối mẹ bằng cách bỏ học, không nói chuyện với ai, đi chơi điện tử thông ngày, có hôm bỏ bữa không cần lý do… Khi cô giáo chủ nhiệm của con trao đổi về kết quả học tập và ý thức kỷ luật xuống dốc của con, cô giật mình vì con bé vốn là cô bé ngoan, nghe lời người lớn và luôn cố gắng học. Cô mong Thanh Tâm tư vấn giúp cô vì năm nay con bé thi vào cấp 3, rất cần ổn định tinh thần nhanh, tập trung học tập mới có cơ hội vào trường tốt.
Thanh Tâm mừng cho cô đã tìm được một người phù hợp, lại có tình cảm nghiêm túc và được mọi người trong nhà ủng hộ và cũng mừng là cô đã sớm nhận ra những thay đổi của con gái để có ứng xử kịp thời. Thanh Tâm hiểu vì sao cô không nghĩ đến phản ứng của con gái. Cô tin tưởng rằng, hành trình hơn 10 năm qua hai mẹ con đồng hành cùng nhau đủ để con gái luôn ủng hộ mẹ trong mọi chuyện. Nhưng thời điểm này đúng giai đoạn con gái ở tuổi dậy thì, con lại căng thẳng chuyện học hành thi chuyển cấp, cộng thêm, như cô nói, chuyện tình cảm của cô với cậu đồng nghiệp quá nhanh, nên con gái cô cảm thấy bất an, cảm thấy tủi thân, cảm thấy bị bỏ rơi. Cháu muốn thu hút sự chú ý của mẹ bằng những thay đổi của mình, không cần biết tốt xấu, không cần biết hậu quả.
Thanh Tâm nghĩ rằng, cô hãy chia sẻ chuyện này với con gái một cách chân thành. Hãy nói với con về cảm giác lo lắng của mình khi nghe cô giáo kể về những thay đổi của con. Hãy xin lỗi con vì mình đã trôi dạt theo cảm xúc mà quên một cô bé đáng yêu, đang tuổi lớn ở bên cạnh, vốn được sở hữu mẹ trọn vẹn. Hãy chia sẻ với con nỗi lo lắng của mình về việc gia đình bạn trai có thể khó chấp nhận, cả về việc sinh em bé với chú ấy khi mình đã nhiều tuổi…
Tất cả tình cảm, sự tin cậy đó sẽ khiến cô bé bình tâm và muốn cùng mẹ bước tiếp trên con đường nhiều khó khăn, trở ngại phía trước. Cô bé sẽ hiểu giá trị của niềm vui, hạnh phúc nhỏ bé mà mẹ mình đang có để cùng trân quý, giữ gìn. Thanh Tâm cũng nhắc người mẹ không nên quá thân mật với bạn trai tại nhà, nhất là người bạn ấy ăn, ngủ lại nhà cô. Điều đó có thể ảnh hưởng không tốt đến quan niệm về tình yêu của con gái cô. Chúc cho người mẹ trẻ ấy sẽ toại nguyện trong tình yêu và con gái cô ấy tiếp tục vững vàng, trưởng thành.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn