Nhiều cha mẹ không biết giải quyết thế nào khi con gái vị thành niên mang thai. Ảnh minh họa internet. |
Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Lan Hải (cố vấn chuyên môn Hội quán các bà mẹ) cho biết, mới đây có một ông bố đến nhờ chị tư vấn. Ông bố này rất lo sợ khi biết tin cô con gái 16 tuổi có thai 6 tháng. Nhiều phòng khám tư và những người biết chuyện khuyên gia đình nên phá thai vì tương lai của con. Ông bố như đứng giữa ba đường khi phải cân nhắc giữa sức khỏe, tính mạng, tương lai của con.
Các bệnh viện tư đưa ra lời khuyên nên phá thai là nhằm giải quyết hậu quả của một quan hệ tình dục sai lầm trước đó. Có lẽ vì khá nhiều người ngỡ rằng, phá thai là giải quyết được mọi chuyện và cố tình lờ đi những hậu quả mà người trong cuộc phải gánh chịu. Gia đình cần cân nhắc thật kỹ trước khi đưa ra quyết định, bởi vì thai đã lớn và đây là mạng sống của một sinh linh bé bỏng.
Trong trường hợp này, theo bác sỹ Nguyễn Lan Hải, nên giữ cái thai lại. Cả về mặt pháp lý lẫn luân lý, cô con gái 16 tuổi có quyền được yêu và cái thai có quyền được sống. Đó là một trong những quyền căn bản của con người mà không ai có quyền tước đi.
Sức khỏe, tính mạng, tương lai của con phụ thuộc rất nhiều vào quyết định của cha mẹ. Ảnh minh họa internet. |
Từ kinh nghiệm trong nghề, bác sĩ Lan Hải cho biết, một khi thiếu nữ đã quan hệ tình dục và phá thai rồi thì cuộc đời họ dường như bị lệ thuộc vào người bạn trai ấy. Họ sợ cha mẹ, người thân biết chuyện, sợ dư luận xã hội phán xét, sợ người tử tế không chấp nhận cưới vợ có quá khứ lầm lỗi, sợ đủ thứ… Vì thế, các cô gái đã “trót dại” thường sống chết tìm cách níu kéo người đàn ông của mình như giữ phao cứu sinh. Họ sẽ tiếp tục quan hệ và tiếp tục có thai để rồi lại đứng trước quyết định giữ hay bỏ?
Một thực tế đáng buồn, khi "ông bố - bà mẹ trẻ con" bỏ đi cái thai đầu tiên thì câu trả lời cho những cái thai kế tiếp khá rõ ràng: Lại tiếp tục phá thai! Khi phá thai, người nữ sẽ phải gánh những tai biến, biến chứng trực tiếp và lâu dài. Vì sợ tai tiếng nên các cô cậu thường kín đáo đưa nhau đến các điểm phá thai chui, hoặc thai quá to vẫn đi phá nên thường gặp phải những biến chứng nguy hiểm (nhiễm trùng, băng huyết, có trường hợp phải cắt tử cung và vĩnh viễn mất khả năng sinh con).
Như vậy có thể “tháo kíp mìn” có thể làm tăng thêm rắc rối. Vì thế, gia đình nên cùng nhau bàn bạc và trao đổi với “tác giả” của cái thai. Không nên vội vã kết thúc bằng một đám cưới. Trước mắt, hãy tìm một nơi yên bình để con gái mang thai và học làm mẹ. Đợi đến khi cháu đủ tuổi kết hôn theo luật và trưởng thành về tâm lý, nếu đôi trẻ vẫn yêu nhau và đứa con là sợi dây buộc chặt chúng lại thì “vẹn cả đôi đường”. Còn nếu hai đứa “đường ai nấy đi” thì cũng tránh cho cô gái một cuộc hôn nhân bất đắc dĩ.